Sáng 1/2, Bộ Y tế đã công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà với 1 trường hợp bệnh nhân là chị L.T.T.H (SN 1995), nhân viên lễ tân của một khách sạn trên đường Tôn Đản (TP. Nha Trang).
Theo đó, bệnh nhân này đã có tiếp xúc với hai bố con bệnh nhân người Trung Quốc đều dương tính với virus corona được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, đối với ca bệnh dương tính với virus corona ở Khánh Hòa cho thấy, đường lây truyền là qua hô hấp từ người sang người.
"Có thể coi đây là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng nhưng tính về dịch tễ đây chỉ là lây lan diện hẹp. Tức là chỉ lây lan đối với nhân viên phục vụ trong khách sạn chứ không phải lây lan ở cộng đồng, làng xã, diện rộng", PGS Phu nói.
PGS.TS Phu nêu rõ, trong trường hợp này, tất cả những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân phải được khuyến cáo, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khi có triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở.
Ngoài ra, người dân cần đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng... Đặc biệt, cần khử trùng, sát khuẩn toàn bộ khu vực khách sạn liên quan.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, đối với trường hợp ở Khánh Hòa đã có trong kế hoạch, kịch bản ứng phó của Bộ. Hiện, các cơ quan chức năng, Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện các biện pháp cần thiết.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona.
Kịch bản đầu tiên là đối với các trường hợp người bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Kịch bản thứ 2 là từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam. Kịch bản thứ 3 là mức độ lây lan cộng đông dưới 1.000 ca. Kịch bản thứ 4 là trên 1.000 ca mắc bệnh.
"Tất cả các kịch bản này đều đã có phương án. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá lưu lượng, lúc đó mới có thể thành lập bệnh viện dã chiến.
Dưới 1.000 ca, chúng ta cũng chưa cần nhưng số lượng vài ngàn ca thì phải xây bệnh viện dã chiến.
Chúng ta đã có kế hoạch phòng chống dịch và sẽ luôn sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống", ông Khoa nói.
Còn ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho hay, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc và có các hoạt động giao lưu như du lịch, thương mại, lao động nhập cảnh... nên khả năng tiếp tục có thể phát hiện thêm các ca nhiễm di nhập từ Trung Quốc về Việt Nam trong thời gian tới.
Ông nói, dù chúng ta siết chặt nhập cảnh, nhưng những ca đã nhiễm bệnh đó không loại trừ có thể sẽ tạo thêm các ca lây nhiễm thứ phát.
Tuy nhiên, hiện nay các ca bệnh đều đang được giám sát chặt chẽ, duy trì theo dõi, cập nhật các trường hợp nghi ngờ mắc được phát hiện tại các khu vực và tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Ông nhấn mạnh, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự hành động nhanh chóng, chủ động của Bộ Y tế cùng sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong cả nước, chúng ta sẽ kiểm soát và ngăn chặn được dịch bệnh lây lan.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)