“Bản thân tôi khi cố gắng bám nghề cũng phải sống trong hoàn cảnh không được thoải mái, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn do đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống của gia đình và các con”.
Đó là một trong những lý do viết trong đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Thành (SN 1987), giáo viên ngữ văn Trường THPT Mường Lát, Thanh Hóa.
Cô giáo Thành viết trong đơn: “Tính đến thời điểm này, tôi đã công tác trong ngành giáo dục huyện Mường Lát gần bảy năm. Gia đình tôi cách xa nơi công tác gần 250 km. Bố mẹ ở quê đều đã có tuổi, hai con còn thơ dại cần người chăm sóc, dạy dỗ”.
Cô Thành lý giải rằng bản thân cô đã rất cố gắng bám nghề nhưng trong thời gian bám nghề giáo viên cô cũng phải sống trong hoàn cảnh không được thoải mái. “Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn do đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống của gia đình và các con”. Cả hai vợ chồng cô đều là giáo viên, chồng dạy ở quê Thiệu Hóa và đã có hai con gái, mỗi người nuôi một bé.
Lá đơn của cô giáo Nguyễn Thị Thành gửi đến Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát - một ngôi trường chủ yếu dành cho học sinh dân tộc thiểu số. |
Lá đơn cô viết gửi Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và ông hiệu trưởng Trường THPT huyện Mường Lát cho biết cô vào ngành ngày 10-10-2011, tính đến nay đã tròn bảy năm công tác gắn bó với nghề dạy chữ trong ngành giáo dục.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, về lá đơn viết ngày 8-10 nhưng lại đề ngày 10-10, cô Thành lý giải sở dĩ cô đề như vậy là đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp dạy chữ, bám nghề nơi huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Thanh Hóa sau bảy năm gắn bó. Hiện lá đơn của cô đã được gửi tới hiệu trưởng nhà trường.
Hơn nữa, việc quyết định ra khỏi nghề cũng vì nhiều lý do riêng, một trong những lý do cô Thành cho biết trước đây khi cô mới vào dạy học cô cũng luôn luôn nỗ lực, dạy giỏi để sớm được về quê ở gần chồng con nhưng những nỗ lực ấy đều không được như ý muốn.
Sau đó cũng có vài lần cô viết đơn gửi đến ban giám hiệu nhà trường để xin chuyển công tác về quê nhưng không được đáp ứng theo nguyện vọng nên có lúc cũng chán nản. "Phận phụ nữ xa chồng con khiến mình không còn đủ sức để cống hiến với nghề dù đam mê” - cô Thành ngậm ngùi về những cống hiến của mình.
“Thực ra cũng không phải riêng trường hợp của tôi mà đó là nguyện vọng của nhiều cô giáo ở trường đều mong muốn như vậy nhưng cũng do cơ chế khó khăn có người cố gắng bám ngành thêm. Dù là công việc gì đều có những cống hiến, đóng góp cho xã hội, vì thế em có lựa chọn riêng và quyết định viết đơn xin ra khỏi ngành” - cô giáo Thành cho biết.
Ngôi trường nơi cô giáo Thành giảng dạy cách TP Thanh Hóa khoảng 250 km, ngôi trường này nằm ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát. Đây là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Thái. |
Nói về con đường phía trước sau khi nghỉ dạy, cô Thanh cho hay hiện cô theo sưu tầm dược liệu, các bài thuốc dân gian học được sau thời gian ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát để có thể lan tỏa tới cộng đồng. Cô Thành cũng thông tin hiện cô theo học thêm Đông y.
Khi được hỏi về việc cô có suy nghĩ gì sau khi lá đơn được gửi tới lãnh đạo nhà trường xin ra khỏi ngành cũng như đưa lên mạng xã hội trong hai ngày vừa qua, cô Thành giọng nghèn nghẹn nơi cổ họng cho biết: “Mấy hôm nay cuộc sống của tôi có nhiều xáo trộn, nhiều luồng suy nghĩ nhưng cũng đã quyết định rồi. Dù có yêu mến các em học sinh đến mấy thì tuổi thanh xuân cũng đã cống hiến hết mình rồi, giờ là lúc dành cho gia đình dù có tiếc nuối, có buồn phiền và cả những đớn đau khi phải rời xa ngành mình gắn bó đam mê”.
“Qua báo cũng cho mình gửi lời cảm ơn tới các thầy cô đã luôn đồng hành giúp đỡ trong thời gian qua, cũng gửi lời chúc tới các em học sinh tiếp tục nỗ lực vươn lên đói nghèo của vùng cao huyện Mường Lát để trở thành những người có ích. Với mình thì những hẹn hò từ nay khép lại, những kỷ niệm với nghề, học sinh, thầy cô sẽ theo mình đi đến cuối cuộc đời” - cô Thành chia sẻ, nhắn nhủ với những người thầy, người cô sau nhiều năm gắn bó.
Theo Đặng Trung (Pháp Luật TPHCM)