Ngày 24-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, bà H. H. Nh. (ngụ phường 7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), chủ tịch một phường ở TP Cà Mau, cho biết việc bà nhận nuôi cháu bé bị bỏ rơi là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Trong những ngày gần đây, một nhóm người tự nhận người thân của bé gái bị bỏ rơi được bà Nh. nhận nuôi đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng nhờ sự can thiệp để họ được nhận lại bé gái. Bên cạnh đó, nhóm người này còn quỳ lạy trước nhà mẹ nuôi cháu bé khiến dư luận xôn xao.
"Tôi không hiểu việc làm của nhóm người trên là nhằm mục đích gì. Nhưng tôi sẽ bảo vệ con hết mình. Tôi không thể giao con mình cho những người tự nhận là người thân của bé vì họ chưa chứng minh được tính pháp lý. Họ cứ làm như thế khiến tôi cảm thấy phiền nhưng tôi vẫn bình thường và hết lòng chăm sóc con bằng tất cả tấm lòng của người mẹ", bà Nh. nói.
Trước đó, sáng sớm ngày 1-1-2019, trong lúc mưa bão đang diễn ra trên diện rộng ở Cà Mau thì một số người dân tại khóm 5, phường 9, TP Cà Mau nghe tiếng khóc thất thanh phát ra từ túi xách để trên ghế đá ở vỉa hè. Sau đó, mọi người đến kiểm tra thì phát hiện một bé gái khoảng 5 ngày tuổi, còn nguyên dây rốn, nặng khoảng 2,8 kg bị bỏ rơi. Lúc này, bé gái trên được cơ quan chức năng đưa đi khám sức khỏe.
Sau đó, bà Nh. đem về chăm sóc và làm thủ tục nhận làm con nuôi đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Đến nay, cháu bé nặng khoảng 6 kg, phát triển tốt và được bà Nh. đặt tên là Hồ Thiên Mỹ.
Tuy nhiên, vào ngày 26-2, một nhóm người tự xưng là ông bà nội và cha mẹ bé gái trên đến gặp bà Nh. xin nhận lại cháu bé nhưng bà đã từ chối. Vậy nên nhóm người trên đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng nhờ để nhờ can thiệp.
Đến khoảng 9 giờ ngày 23-3, một nhóm 4 người trong đó có vợ chồng anh N. (người tự nhận là cha cháu bé) đã đến quỳ trước cửa nhà bà Nh. để xin con. Sự việc được nhiều người đến xem vì hiếu kỳ và quay lại clip khiến dư luận xôn xao.
Theo lời bà Nh., hơn 2 tháng khi nhận nuôi và chăm sóc bé gái thì bà xem như con ruột của mình. Đồng thời, bà sẽ xem xét cho nhóm người trên nhận lại con khi chứng minh được tính pháp lý và đảm bảo điều kiện để cháu có một tương lai tốt.
Bà Nh. chia sẻ: "Tôi được xem như người mẹ thứ hai, vậy nên nếu không xem xét kỹ mà giao con thì sẽ vô tình bỏ con mình thêm lần nữa. Vậy là tội cho con lắm".
Chiều tối 24-3, nói về việc nữ chủ tịch phường phải làm gì trong lúc có nhóm người đến nhà quỳ lạy để xin lại bé gái, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), cho rằng việc nhận nuôi những cháu bé bị bỏ rơi hay những cháu có hoàn cảnh tương tự làm con nuôi là điều rất tốt và nhà nước luôn khuyến khích mọi người nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều có thể nhận nuôi con nuôi.
Trong trường hợp bà Nh. nhận đứa bé bị bỏ rơi làm con nuôi đúng quy định của pháp luật thì bà hoàn toàn có thể tiếp tục nuôi đứa bé này dù cho tòa án có xác định trong nhóm người kia có cha, mẹ ruột của cháu bé. Ngược lại, nếu việc nhận con nuôi của bà Nh. không đúng quy định pháp luật thì phải cần đến phán quyết của tòa án nhân dân để xác định anh N. và chị K.có đủ điều kiện là cha, mẹ ruột của cháu bé hay không.
Cũng theo luật sư Thăng, Luật Nuôi con nuôi luôn bảo vệ những người nhận nuôi con nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu bà Nh. làm đúng theo quy định thì chắc chắn quyền nuôi cháu bé sẽ thuộc về bà. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng chỉ có cha, mẹ ruột của cháu bé mới có thể tạo thành một gia đình đầy đủ theo đúng nghĩa của nó. Chúng ta "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" và trong trường hợp này thì cha, mẹ của cháu bé này cũng đã cố gắng khắc phục, sửa chữa lầm lỗi của mình… thì cũng đáng trao lại cho họ cái quyền mà họ đã từng gạt bỏ là điều nên làm.
Theo Vân Du - Công Tuấn (Nld.com.vn)