Nụ "cây tiền tỉ" chữa bách bệnh - Thần dược hay độc dược?

30/08/2015 16:39:53

Nụ hoa tam thất trong “top” của các loại “thần dược” được cho là chữa được nhiều bệnh nan y. Tuy nhiên, nhiều người dùng bị ngộ độc đang là dấu hỏi lớn với loại "thần dược" này?

Nụ hoa tam thất trong “top” của các loại “thần dược” được cho là chữa được nhiều bệnh nan y. Tuy nhiên, nhiều người dùng bị ngộ độc đang là dấu hỏi lớn với loại "thần dược" này?

Vào “mùa săn lùng”

Lần theo địa chỉ trang web, chúng tôi liên hệ theo số 0214.2xxx78 thì được kết nối với một thương lái giới thiệu là Giàng Seo Châu (Si Ma Cai, Lào Cai).

Châu cho biết: “Tôi vừa mới chào bán nhưng đã cháy hàng. Nhiều khách ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, TP.HCM đều gọi điện về hỏi tìm mua. Mỗi người đặt 1-2 kg, thậm chí lên tới 5-10 kg nhưng chủ vườn không đủ bán. Chỉ trong lần thu hoạch đầu tiên, 30kg nụ tươi của một số nhà vườn được tôi trực tiếp đặt cọc, thu mua từ lúc ươm mầm đến nay đã bán hết.

Nhiều thành phẩm của hoa tam thất được bày bán trên thị trường nghi nhiễm độc tố.
 
Giá thu mua tại vườn dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/kg. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi tẩm, sấy để bảo quản chuyển đi, đến tận tay người mua cũng rơi vào 900 nghìn đến 1 triệu đồng/kg. Khách ở xa phải chịu thêm phí vận chuyển. Hiện, tôi còn nợ khách 20 đơn hàng. Một tuần nữa mới được thu lứa thứ hai. Tuy nhiên, sản lượng không còn nhiều nên dự tính nhiều khách phải chờ tới năm sau".

Cũng theo anh Châu, nụ tam thất để lâu dễ bị thâm và chỉ giữ tươi trong khoảng 10 ngày. Vì thế, sau khi khách đặt hàng, chủ vườn sẽ chia làm các túi nhỏ hút chân không và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thời gian vận chuyển vào TP.HCM khá lâu nên nhiều khách phải chấp nhận lấy hàng sấy khô nhưng giá không đổi.

Việc nụ hoa tam thất năm nào cũng luôn trong tình trạng cháy hàng đươc Lò Y Mây – một chủ vườn ở Lào Cai lý giải: “Chúng tôi trồng cây từ khoảng tháng Giêng năm trước, đến đầu tháng Sáu năm sau cây sẽ cho hoa. Thường thì vào tháng Bảy, tháng Tám, cây sẽ cho hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch lần đầu không đáng kể, chỉ từ năm thứ hai, thứ ba trở đi cây mới cho năng suất. Tam thất có giá trị kinh tế tương đối cao nên trên này nhiều người vẫn gọi vui là loại "cây tiền tỉ". Hiện, sản phẩm này cả dạng khô và tươi, cung không đủ cầu".

Được người bạn thân giới thiệu mối bán nụ tam thất tươi ở Lào Cai, chị Lê Kiều Oanh (Phú Xuyên, Hà Nội) đặt mua ngay 2kg với giá 1,8 triệu đồng.

Chị hớn hở khoe: “ Mình có chị bạn cùng cơ quan quảng cáo là sản phẩm này dùng khá hiệu quả, tiền đắt thì xắt ra miếng mà. Trước đây mình thường mua bột tam thất ở cửa hàng đông y hoặc trên mạng với giá 1 triệu đồng/kg, nhưng thật giả lẫn lộn. Tuy nhiên, nghe bác sỹ tư vấn nếu người bệnh sử dụng nụ tươi sẽ có tác dụng tốt gấp 2 lần. Năm nay mình chỉ tranh mua được có thế. Mình đã đặt hàng chờ lứa năm sau sẽ mua khoảng 5kg về dùng dần".

Bị bệnh về gan nên chị Thu Huyền (Đông Anh, Hà Nội) thường xuyên sử dụng các sản phẩm chế biến từ cây tam thất. Tuy nhiên, giá bán trên thị trường chênh nhau khá lớn khiến chị không yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Chị chia sẻ: “Tìm được nguồn hàng đã khó, mua được mối bán nụ tươi trên Lào Cai lại càng khó hơn. Trong chuyến du lịch Sa Pa, tôi ghé qua chỗ bạn học cũ nhờ mua được 5kg hoa tam thất bao tử tươi về sắc nước uống. Rất ít nơi ở Việt Nam trồng được tam thất, trong khi nụ sấy khô nhan nhản trên thị trường với mức giá khác nhau. Thậm chí có nơi bán 150.000 đồng/kg, nghe thấy mà sợ. Cầm trên tay hàng tươi còn nguyên cuống tôi mới thực sự yên tâm".

Bí ẩn nguồn cung hàng phế phẩm

Do nguồn cung khan hiếm, trên thị trường thảo dược, nụ hoa tam thất có giá bán cao ngất ngưởng. Lợi dụng điều đó, đám con buôn đã tạo ra một thị trường “ảo” với các sản phẩm “thần dược” thả nổi, bát nháo. Gần đây, đang rộ lên nguồn tin rằng, có rất nhiều sản phẩm nụ hoa tam thất, nhất là các thành phẩm sấy khô hoặc dạng bột đang bị trà trộn nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, không những kém chất lượng mà trong quá trình sơ chế còn được tẩm ướp các loại dung môi bảo quản. Quá trình sắc uống, những dung dịch này sẽ tan trong nước gây hại cho người sử dụng.

Để làm rõ thực hư, PV đã mua một túi nụ hoa tam thất khô loại 500g tại một cửa hàng ở Thái Thịnh (Hà Nội) với giá 550.000 đồng, được người bán khẳng định là “chính hãng 100%”. Sau đó, PV tiếp tục mua một túi có cùng trọng lượng tại một cửa hàng ở Hà Đông (Hà Nội) với giá 150.000 đồng để so sánh. Bằng quan sát cảm quan thì hai sản phẩm gần như giống nhau, nhưng sau khi bóc túi để kiểm chứng thì lại có nhiều điểm nghi vấn. Điểm dễ nhận thấy nhất đó chính là túi có trị giá 150.000 đồng, nụ bé hơn và có xen lẫn nhiều màu, chủ yếu là màu trắng và dường như được sơ chế qua nhiều công đoạn.

Đem nghi vấn quay lại cửa hàng ở Thái Thịnh, PV được giới thiệu gặp anh Lê Minh Thành – nhân viên kinh doanh của cửa hàng. Anh Thành cho biết: “Nếu người mua ham rẻ, không cẩn thận rất có thể sẽ mắc bẫy. Thực tế trên thị trường có rất nhiều thành phẩm của mặt hàng này, giá cả cũng dao động. Tuy nhiên, tôi khẳng định, những sản phẩm rẻ tiền đều bị pha trộn hàng Trung Quốc, có tẩm độc tố của chất bảo quản. Người mua nếu không tinh ý thì dễ bị tiền mất tật mang”.

Khi PV thắc mắc tại sao hàng Trung Quốc lại có giá rẻ hơn mà nguồn hàng lúc nào cũng có, trong khi hàng Việt lại luôn khan hiếm, anh này cho biết thêm: “Theo như tôi được biết, bên Trung Quốc người ta trồng khá phổ biến loại cây này với quy mô lớn. Mỗi nhà vườn hàng năm cho thu hoạch đến cả chục tấn. Số lượng lớn, lại rất khó bảo quản, nên người ta thường ướp một loại dung môi để chiết xuất một phần dưỡng chất của loại hoa này lúc đang tươi, sau đó sấy khô. Với người Trung Quốc, họ thường mua các thành phẩm của nụ hoa tam thất dưới dạng nước đóng chai, các sản phẩm khô sẽ tuồn sang Việt Nam thuộc hàng “phế phẩm”. Hàng tồn kho sẽ được tiếp tục tẩm một loại hóa chất bảo quản để chống mốc rồi tuồn về Việt Nam. Những sản phẩm này không những không có giá trị chữa bệnh mà ngược lại còn gây nguy hại cho người sử dụng”.

Để tìm hiểu thêm, PV đã liên hệ với bác sỹ đông y Nguyễn Hữu Trường, Giám đốc phòng Chẩn trị y học cổ truyền Y Tâm Đường, TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Trường thì: “Các chất dùng để bảo quản dược liệu nói chung đều có hại. Nhưng muốn bảo quản chúng được lâu thì bắt buộc phải dùng các hóa chất đó. Trong y dược, người ta cũng cho phép sử dụng với một liều lượng quy định nhưng nhiều nơi, người ta quá lạm dụng thuốc, cộng với kho bãi không đảm bảo, ẩm ướt, phải tăng liều lượng khiến dược phẩm đó trở nên nguy hiểm. Phương pháp đưa chất bảo quản vào thảo dược thường bằng cách thông hơi diêm sinh hoặc thông hơi lưu huỳnh cho thăng hoa hoặc cho lưu huỳnh khô vào phía dưới thùng chứa, dùng lửa đốt cho dược phẩm ngấm lưu huỳnh. Tuy nhiên, nếu dùng với lượng vừa phải thì theo tính toán đủ ngày tới tay người sử dụng, số lưu huỳnh sẽ bay hơi hết, hầu như không gây hại cho con người”.

Giá trị đích thực của nụ hoa tam thất

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, Giám đốc phòng Chẩn trị y học cổ truyền Y Tâm Đường, nụ hoa tam thất là loại dược liệu quý. Cây tam thất trong y học còn được gọi là sâm tam thất, kim bất hoán, điền thất nhân sâm (danh pháp Panax pseudoginseng), là một loài thực vật có hoa trong họ Cuồng cuồng. Theo dược thư cổ thì hoa tam thất vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, điều hòa chức năng của tạng can, hạ huyết áp và an thần. Vì thế, thường được dùng để chữa các chứng như cao huyết áp, rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, tai ù, viêm hầu họng cấp tính, tiêu viêm, giảm béo. Ngoài ra, có tác dụng lợi sữa cho phụ nữ mới sinh. 

>> Dùng nhân sâm, tam thất quá liều có bị liệt dương?
>> Sâm Ngọc Linh làm từ... tam thất Trung Quốc

Theo Trung Dũng (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật