Nữ bác sĩ và ký ức đứng giữa nhà xác nghe báo tin mừng

08/03/2022 08:22:18

Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại hôm ấy, sau khi người hiến tạng được tẩm liệm, chuẩn bị về quê nhà, điện thoại chị vang lên: "Chị Thu ơi, tim bệnh nhân nhận tạng đập rồi". 

Người đứng giữa hai bờ cảm xúc

Đó là khoảng năm 2009, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện đề tài “Kết quả thực hiện tiêu chuẩn cho thận để ghép ở người chết não”. Mục tiêu mong ước là tìm hiểu ý kiến gia đình bệnh nhân mất vì tai nạn giao thông, về việc hiến tạng cứu người.

Nếu nhận được ý kiến đồng thuận, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp nhận thận để ghép.

“Khi đó, hiến tạng để cứu người vẫn còn là việc làm lạ lẫm, dị thường. Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh sẽ thông báo khi có người bệnh chết não. Chúng tôi rất căng thẳng, cố gắng chuẩn bị thật chu đáo để tránh sự tức giận, bức xúc, trách mắng của người nhà.

Người ta chịu trả lời giúp 1-2 câu hỏi là mừng lắm rồi”.

Nữ bác sĩ và ký ức đứng giữa nhà xác nghe báo tin mừng
TS. BS Dư Thị Ngọc Thu trước di ảnh một người hiến tạng.

Năm 2010 là thời điểm chị không bao giờ quên. Hôm ấy, người mất sau vụ tai nạn giao thông là 2 bà cháu, bị xe tông khi sang đường. Cháu bé tử vong tại chỗ. Người bà được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù được điều trị tích cực nhưng bà không qua khỏi và chết não.

Nhận tin, nhóm bác sĩ Thu có mặt, tiếp cận và đặt vấn đề xin người nhà hiến thận. Như mọi lần, họ chuẩn bị tâm lý nghe lời trách khi gia đình đang trong tình cảnh thương tâm.

Một điều bất ngờ đã xảy ra! Gia đình bệnh nhân chẳng những không từ chối mà đồng ý ngay. 

“Lúc đó tôi mới biết, nạn nhân là một nữ bác sĩ, đã nghỉ hưu. Khi còn sống, bà rất hay làm từ thiện và giúp đỡ mọi người. Vì vậy, cô con gái tin rằng mẹ mình sẽ vui với quyết định hiến tạng cứu người.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhận được lời đồng ý”.

Mọi thứ bất chợt trở nên bối rối vì bất ngờ và biết ơn. Các bác sĩ nhanh chóng có mặt, huy động máy móc để làm các chẩn đoán xác định bệnh nhân đã chết não. Đồng thời, thẩm định chức năng cơ quan có thể hiến được hay không. Đây là quy trình khoa học và đảm bảo tính pháp lý.

Tuy nhiên, người nhà nghĩ rằng vì đồng ý hiến tạng nên bệnh nhân mới được quan tâm như thế. “Nếu bác sĩ làm như vậy từ đầu, chắc mẹ sẽ không chết”, họ nói vậy.

“Mình đau lòng lắm, nhưng đặt mình ở trong hoàn cảnh đó thì sẽ hiểu được”, bác sĩ Thu tâm sự. 

Năm 2014, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập. Bác sĩ Thu là người phụ trách. Chị cũng là người trực tiếp gặp gia đình nạn nhân, sẻ chia, vận động và “xin” tạng - một nhiệm vụ đầy khó khăn khi đối diện với đau thương.

Nữ bác sĩ và ký ức đứng giữa nhà xác nghe báo tin mừng - 1
"Tôi đã từng đứng ở nhà xác. Một bên đau thương, một bên reo mừng".

“Tôi đã từng đứng ở nhà xác trong một buổi chiều, người hiến tạng được tẩm liệm, chuẩn bị đưa về nhà cùng gia đình. Khi đó, ê-kíp ghép tim ở bệnh viện gọi sang reo vui: 'Chị Thu ơi tim đập lại rồi chị ơi'. Trái tim người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận.

Một bên rộn tiếng cười hạnh phúc vì vừa cứu được một con người. Một bên đau thương vì mất mát. Mình đứng ở giữa, biết nói gì đây...?”.

Thế nhưng, chị tâm niệm, mình được giao trách nhiệm trao đi phần quà thiêng liêng mà người hiến để lại cho đời. Một tạng ghép thành công là công sức và tâm huyết của cả hàng chục con người, trong đó có người hiến và người thân.

“Từ thời điểm gia đình ký đơn đồng ý hiến tạng, chỉ có nhân viên y tế mới được tiếp cận với người hiến tạng.

Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi không chỉ bảo vệ tạng hiến, mà bằng tất cả sự trân trọng, phải bảo vệ người hiến, trao trả họ về với gia đình trong trạng thái hình hài trọn vẹn nhất. 

Từ trang phục, nghi lễ tôn giáo đều được thực hiện chỉn chu theo nguyện vọng. Chuyện tâm linh, tôi không biết có không, nhưng khi mình làm việc với sự trân trọng, chuẩn mực, thì mọi chuyện trôi chảy. Người hiến cũng sẽ vui lòng”.

Chị đã lựa chọn sống giữa những cảm xúc chênh vênh đó và gắn bó cuộc đời với ghép tạng từ người hiến sau khi qua đời. Từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận 61 thận, 1 khối tim phổi, 10 lá gan, 9 trái tim, 41 giác mạc được hiến tặng từ người chết não, tim ngừng đập. 

Nữ bác sĩ và ký ức đứng giữa nhà xác nghe báo tin mừng - 2
Bác sĩ Thu và đồng nghiệp chuẩn bị đưa người hiến tạng về nơi tổ chức tang lễ. Ảnh tư liệu. 

Mong mỏi 20 năm sẽ hoàn thiện hệ thống ghép tạng

Sau khi thành lập Đơn vị điều phối, bác sĩ Thu và đồng nghiệp có trong tay tài sản vô giá: trên 26.000 lá đơn đăng ký hiến tặng sau khi mất. Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, những lá đơn vẫn đổ về qua email, facebook.

“Tấm thẻ đăng ký hiến tạng đầu tiên, số 01 là của PGS Nguyễn Trường Sơn, số 02 là GS Trần Ngọc Sinh, số 03 là của tôi. Ngày đó thấp thỏm không biết mình làm được không.

Nhưng nay, có những bạn trẻ đếm từng ngày cho đủ 18 tuổi để được quyền đăng ký. Có những cô chú nói đó là tâm nguyện rất lâu rồi. Chúng tôi còn nợ đến 2.000 thẻ chưa phát hành kịp vì thiếu nhân sự và dịch bệnh”.

Đó là minh chứng rõ nhất cho thấy sự thay đổi nhận thức lớn lao trong cộng đồng về hiến tạng cứu người.  Thế nhưng, số tạng ghép được từ người hiến chết não rất ít.

Bác sĩ Thu chỉ lên lớp hồ sơ xung quanh phòng làm việc.

Nữ bác sĩ và ký ức đứng giữa nhà xác nghe báo tin mừng - 3
Một góc hồ sơ chờ ghép tạng (màu vàng) tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Màu xanh là đơn đăng ký hiến tạng.

“Đây là hồ sơ chờ ghép tạng của bệnh nhân. Có người đăng ký ghép gan hơn 10 năm chưa được…

Gần 10 năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhiều người được nối dài sự sống, nhận thức cộng đồng thay đổi. Thế nhưng, đó chỉ là những bước đầu chập chững”.

Trải lòng về những ca ghép tạng xuyên Việt đã cứu sống không ít bệnh nhân đang cạn kiệt hy vọng, bác sĩ Thu thẳng thắn, mỗi một ca thành công, chị lại càng trăn trở.  

“Mỗi chuyến chuyển tim, gan, phổi đi xa gần 2.000 km, chúng tôi thực lòng rất sợ. Nếu máy bay bị hoãn khoảng 1-2 giờ, trái tim người hiến có thể bị loại bỏ. Những ca ghép tạng xuyên Việt vừa qua, chúng ta đã may mắn khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Nhưng không ai may mắn mãi mãi”.

Bác sĩ Thu lý giải, trên thế giới, dù có máy bay chuyên dụng, việc vận chuyển tạng được thực hiện trong bán kính tối đa 500 km. Mạng lưới điều phối được thiết lập với hệ thống quản lý cấp Quốc gia, vùng, bệnh viện. 

Nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, các bệnh viện trong hệ thống đều có thể tổ chức tiếp nhận tạng khi có người hiến. Ngoài ra, hệ thống vận chuyển chuyên dụng bằng máy bay hoặc phương tiện ưu tiên riêng.

“Trong khi đó, chúng ta đi máy bay dân dụng, chậm chuyến là bình thường.

Nếu có người hiến chết não ở tỉnh xa, ví dụ như ở Kiên Giang năm 2018, chúng tôi đi lại, mang mẫu về TP.HCM xét nghiệm đã mất nửa ngày.

Và mỗi lần như thế rất tốn kém nhân lực, tiền bạc, chất lượng tạng hiến bị ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra là phải có hệ thống quản lý, vận hành, đào tạo hoàn chỉnh nếu muốn phát triển một hệ thống hiến - ghép tạng chuẩn mực”.”.

Nữ bác sĩ và ký ức đứng giữa nhà xác nghe báo tin mừng - 4
Phút tri ân người hiến tạng trước ca phẫu thuật. 

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ngành ghép tạng cũng gặp khó khăn không nhỏ. Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ nhận 3 trường hợp hiến tạng của người mất (ghép được 6 thận, 2 tim, 2 gan, 4 giác mạc). Người chờ ghép vẫn rất đông, có người hiến nhưng không thể thực hiện vì thiếu nhân sự, giãn cách xã hội.

Bác sĩ Thu và đồng nghiệp vô cùng sốt ruột.

“Dịch bệnh do virus là một trong những chống chỉ định. Ngay cả khi vào đợt cúm mùa, chúng tôi ghép cũng rất cẩn thận. Nếu bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mà mình không biết, sau ghép lại phải dùng thuốc ức chế miễn dịch thì virus sẽ bùng lên”.

Tuy nhiên, gian nan lớn nhất là hoàn thiện Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Sau 15 năm Luật được ban hành, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Một hệ thống quản lý cũng đang được xây dựng để bảo đảm tính minh bạch và công bằng của hoạt động hiến và ghép tạng. TS Dư Thị Ngọc Thu rất kỳ vọng sự thay đổi này trong tương lai. 

Chị cũng chia sẻ, cần thúc đẩy thiết lập mạng lưới Trung tâm điều phối quốc gia, vùng, bệnh viện . Khi danh sách người chờ, người hiến được quản lý và sẵn sàng, sẽ không còn chuyện vận chuyển tạng đi xa gần 2.000 km với nhiều nguy cơ.

“Có hàng chục ngàn người suy tạng ở đất nước mình, đa phần là người nghèo, chờ đợi một tạng hiến phù hợp. Nếu tất cả cùng chung tay, Việt Nam cần 20 năm nữa để có được hệ thống ghép tạng chuyên nghiệp, khoa học như các quốc gia khác.

Đó là hành trình rất khó khăn, nhưng chúng tôi luôn hy vọng”.

Theo Linh Giao (VietNamNet)