Ông Mai Trọng Khoa - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu Bệnh viện Bạch Mai - cho hay ông từng chủ trì ba cuộc hội chẩn chuyên môn để tìm phương pháp điều trị cho bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1985, bác sĩ của khoa cơ xương khớp.
Bác sĩ Hạnh mắc một loại ung thư khá hiếm gặp là ung thư vỏ tuyến thượng thận. Khi phát hiện mắc bệnh, bác sĩ Hạnh mới nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú được một năm và mới có một con nhỏ.
"Có thể bác sĩ Hạnh đã lựa chọn hi sinh, khi phát hiện bệnh thì Hạnh mới có một con, nhưng cô ấy nghĩ mình sẽ ra đi sớm nên đã từ chối điều trị ngay thời điểm ấy để sinh thêm một đứa con, cho con có chị có em đỡ đần nhau khi mẹ không còn".
"Chúng tôi cũng đã cảnh báo các nguy cơ nhưng Hạnh vẫn chọn con thay vì chọn cách điều trị ngay cho mình. Sau khi Hạnh sinh con thứ hai, bệnh lại tái phát và đầu năm 2018 bác sĩ Hạnh đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức" - ông Khoa chia sẻ.
Trang cá nhân của nhiều đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai hôm nay đã dành những lời chia sẻ tới bác sĩ Hạnh và gia đình, người đã ra đi rất trẻ ở tuổi 33.
Khác với các nghề nghiệp khác, nghề bác sĩ cần thời gian học rất dài, mất rất nhiều công sức mới có thể làm việc độc lập. Bác sĩ Hạnh đã dành sáu năm học y khoa, ba năm học bác sĩ nội trú và đã vững vàng ở vị trí một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai.
Các đồng nghiệp sẽ nhớ mãi nụ cười của bác sĩ Hạnh hôm 28 tết Mậu Tuất, đúng một ngày sau ca mổ kéo dài 7 giờ. Khi ấy bác sĩ Hạnh nói "các anh chị yên tâm, em sẽ vượt qua". Nhưng rồi điều kỳ diệu đã không đến...
Theo L.Anh (Tuổi Trẻ)