Từ 15/6, người vi phạm giao thông có thể đăng ký với cảnh sát giao thông để nộp tiền phạt qua bưu điện rồi nhận lại giấy tờ tại nhà. Ảnh minh hoạ: Bá Đô |
Chiều 15/6 tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó từ 15/6, người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ tại nhà.
Người vi phạm nếu chọn nộp phạt qua bưu điện sẽ đăng ký với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện. Sau đó, họ có thể đến bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ).
Khi nhận được tiền nộp phạt, cảnh sát sẽ chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm sẽ theo phương thức ưu tiên. Bưu điện Việt Nam cũng cam kết đảm bảo chuyển phát nhanh chóng, chính xác, an toàn tới tận tay người nhận.
Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện và tỉnh thành khác là 3-5 ngày.
Phát biểu tại buổi ký kết hợp tác, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc nộp tiền và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện sẽ mạng lại nhiều tiện ích đối với người vi phạm. Đặc biệt là sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức, việc nộp phạt qua bưu điện rất thuận tiện, phù hợp với những người vi phạm giao thông tại địa bàn xa nơi đang sinh sống. Việc nộp phạt qua bưu điện cũng giúp cơ quan công an, kho bạc cũng bớt được áp lực trong quá trình xử lý các thủ vi phạm hành chính cho từng người vi phạm.
Hai năm trước, Cục CSGT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) từng thoả thuận hợp tác phối hợp thực hiện dịch vụ chuyển phát Giấy đăng ký xe từ cơ quan công an tới tay các công dân. Việc này đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các dịch vụ chuyển phát thủ tục hành chính công, sự chuyên nghiệp hóa trong chức năng hoạt động, tạo sự tiện ích cho người dân...
Theo Bá Đô (VnExpress.net)