Tháng 4/2022, Thanh tra tỉnh Phú Thọ ban hành kết luận thanh tra chuyên đề mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và một số đơn vị đã có nhiều sai phạm liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có sự việc phải đến mức xem xét xử lý hình sự do liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Cụ thể, năm 2020 - 2021, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ ký 8 hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm với Công ty Việt Á. Giá trị hợp đồng là hơn 8 tỷ đồng.
Theo Thanh tra tỉnh, việc mua sắm này được ông Trần Gia Phú ,Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ "dẫn mối". Sau đó, ông Trần Gia Phú được Công ty Việt Á chi "hoa hồng" số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Sau khi Thanh tra vào cuộc, ông Phú xin nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty Việt Á.
Tương tự ông Phú, ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bình Phước vào tháng 12/2021 cũng nhận quà của Công ty Việt Á. Sau khi nhận quà, ông báo cáo tổ chức và xin nộp lại số quà trên cho cơ quan chức năng.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy, trong vụ Việt Á, nếu bị can thừa nhận hành vi phạm tội và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đó là những tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình.
Theo luật sư, CQĐT xác định có một số bị can đã nhận tiền "bôi trơn" từ Công ty Việt Á. Đây là số tiền do phạm tội mà có, là thu nhập bất hợp pháp nên người nhận số tiền này phải nộp lại cho cơ quan tố tụng để sung công quỹ nhà nước.
Trường hợp bị can tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra thì đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS.
Trường hợp người phạm tội không trực tiếp bồi thường thì có thể thông qua người bào chữa, những người tiến hành tố tụng để nhờ người thân thích bồi thường thay thì cũng có thể được xác định là tình tiết người phạm tội tự nguyện bồi thường.
Trường hợp người thân thích tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thay mà không có ý kiến trước đó của bị can, bị cáo thì tình tiết này cũng có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Ngoài tình tiết nêu trên, Bộ luật hình sự còn quy định rất nhiều các tình tiết khác có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác như: Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ...
Tuy nhiên, có những vụ án, mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng xét thấy tính chất mức độ phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, gây ra hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị cáo vẫn có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, vụ Việt Á là vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước đối với nhân dân.
Bởi vậy, với những đối tượng chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc. Pháp luật sẽ khoan hồng đối với những người biết ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm của mình và có hướng sửa chữa, khắc phục những lỗi lầm đã gây ra.
Theo T.Nhung- Đức Phong (VOV.vn)