Chiều 27/6, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam đã ghi nhận biến chủng phụ của Omicron là BA.5, có khả năng sẽ lấn lướt các biến chủng cũ, có nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn và biểu hiện nặng hơn
Ông Phan Trọng Lân thông tin, tại Việt Nam, 2 tháng qua đã ghi nhận 142.000 ca mắc Covid-19, tỉ lệ chết/mắc giảm thấp. “Hiện nay, biến thể phụ phụ BA.2 của Omicron vẫn chiếm ưu thế. Mới đây, qua giải mã trình tự gene đã phát hiện biến thể phụ BA.5 xuất hiện tại Việt Nam. Điều này đã được cảnh báo trước đó, việc xâm nhập chủng mới là tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh thế, thực hiện bình thường mới. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của các biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Lân cho biết.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay biến thể BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1/2022. Qua các giai đoạn dịch bệnh, có thể thấy dịch trở nên nặng hơn với các biến thể lây lan nhanh kèm tăng nguy cơ nhập viện (như biến thể Delta) khi các chiến lược áp dụng trong các đợt dịch trước phát huy hiệu quả không cao như mong đợi.
Các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục được đánh giá. Các chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn, và có biểu hiện nặng nhưng chưa được nghiên cứu bài bản nên chưa chính thức công bố. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2. Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Dù vậy, để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ.
Ông Phan Trọng Lân nhận định, trên thế giới số ca mắc chưa ổn định, lúc tăng, lúc giảm. Con số thống kê ca mắc còn liên quan đến chiến lược xét nghiệm của từng quốc gia và có sự không đồng đều trên các khu vực. Cụ thể như tại châu Phi, Tây Thái Bình Dương hiện đang có sự gia tăng số mắc, tử vong.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thấp với chủng lưu hành vẫn là BA.2 biểu hiện nhẹ; tỷ lệ tiêm chủng dần mức cao hơn. Việt Nam có chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao với hình thức tiêm chủng đa dạng, tiêm chủng ngay tại nhà…
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Theo ông Lân, chuyện xâm nhập biến chủng mới là tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại… Khi có xâm nhập chủng mới, ông Lân cảnh báo có thể có nguy cơ lấn lướt chủng cũ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ, cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc-xin Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh. Các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.
Mới đây, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng. Theo đó, biến chủng này có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho nền y tế. Hồi tháng 3/2022, WHO đã bổ sung biến chủng BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát trong khi ECDC liệt hai dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”.
CC (Nguoiduatin.vn)