Từ đầu tháng 3 đến nay, phóng viên đã đến Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (Q.1) để tìm hiểu vụ việc này.
Muốn kéo dài sự sống: đưa tiền đây!
6h sáng 4-3, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Truyền máu huyết học. Lúc này, khu điều trị tổng hợp bắt đầu mở cửa cho thân nhân vào chăm sóc bệnh nhân. Đến 7h, toàn bộ thân nhân được yêu cầu ra ngoài để các bác sĩ, y tá, sinh viên thực tập thăm khám, điều trị cho bệnh nhân.
Khi bác sĩ N.L.M.T. đến giường của bệnh nhân N.H.D. (33 tuổi, ngụ TP.HCM), anh D. thắc mắc về tiền thuốc chích thì bác sĩ T. cho biết D. còn thiếu tiền chích thuốc lần trước.
Ngày 5-3, khi bác sĩ T. đến thăm khám, anh D. lo lắng hỏi có phải trả luôn 2 mũi thuốc chích giá 6 triệu đồng như những lần trước không thì bác sĩ T. trả lời: "Anh nghĩ là em tạm cất đi, lần sau đưa cũng được, không phải đợt nào anh cũng nhận. Em cũng biết rồi đó, trong này nhiều chuyện tế nhị".
Anh D. là một trong nhiều bệnh nhân liên tục bị bác sĩ T. "vòi" tiền chích thuốc mà không có hóa đơn chứng từ. Anh D. lấy hai tay ôm đầu khóc nấc một cách uất ức khi kể lại câu chuyện anh bị bác sĩ T. vòi vĩnh suốt nhiều tháng trời như thế nào.
Tháng 9-2018, khi anh D. được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dạng tủy cấp (một loại bệnh ung thư máu), bác sĩ T. thông báo cho anh biết sự sống của anh có thể chỉ kéo dài từ 3-6 tháng nữa. Sau đó, chính bác sĩ T. đã cho anh một niềm hi vọng khi bác sĩ nói có một loại thuốc chích có thể giúp anh tăng sức đề kháng và kéo dài sự sống.
Lúc đó, anh rất vui mừng và biết ơn bác sĩ. Bác sĩ T. cho hay giá mỗi mũi chích này là 3 triệu đồng, mỗi tháng anh D. nằm viện khoảng nửa tháng, mỗi tuần chích 2 lần. Từ khi bắt đầu điều trị bệnh đến nay, anh D. đã đưa tiền cho bác sĩ T. rất nhiều lần, anh không thể nhớ chính xác tổng số tiền đã bị bác sĩ này vòi vĩnh.
Lần nào anh cũng đưa tận tay cho bác sĩ. Không ít lần bác sĩ còn nhắc anh đếm lại tiền trước lúc đưa dù bác sĩ không đưa cho anh hóa đơn chứng từ nào.
Số tiền bác sĩ lấy của anh chính là số tiền vợ anh tần tảo bán từng ly cà phê tích cóp cho anh chữa bệnh. Đó cũng là số tiền vợ chồng anh dành dụm từ bao nhiêu năm về trước. Khi mắc bệnh, anh không những không làm việc được mà vợ anh cũng phải nghỉ việc để chăm anh.
Con gái duy nhất của anh hiểu hoàn cảnh gia đình, thương ba đã rơm rớm nước mắt, nhiều lần nói: "Hay con nghỉ học để dành tiền cho ba điều trị bệnh?"
Trong lúc điều trị ở Bệnh viện Truyền máu huyết học, anh D. cũng từng chứng kiến một nam bệnh nhân nghèo đã phải cúi mặt đến xin từng người một, hai trăm ngàn đồng để có tiền nộp cho bác sĩ T.. Không thể đếm được chính xác đã có bao nhiêu bệnh nhân bị "vòi" tiền như vậy.
Anh N., 26 tuổi, thân nhân của một bệnh nhân ngụ ở Khánh Hòa đang nằm điều trị tại bệnh viện, chia sẻ: "Gia đình tụi em toàn là nông dân ở quê khổ cực, lạ nước lạ cái lên TP chữa bệnh nên rất tin tưởng bác sĩ". Anh N. đã đưa cho bác sĩ T. tổng cộng 14,5 triệu đồng ngay tại phòng bệnh để mong người thân được kéo dài sự sống.
Còn bà N.T.D.H., thân nhân của bệnh nhân N.B.H.A., 15 tuổi, ngụ ở Bình Dương, kể A. nhập viện từ đầu tháng 2. Chân A. bị thâm đen. Bà hỏi thì bác sĩ T. kêu chích thuốc để dần dần bớt đen.
Sau nhiều lần đưa tiền cho bác sĩ T. mà không thấy có hóa đơn, bà ngỏ ý muốn nhận hóa đơn để về xin địa phương hỗ trợ phần nào chi phí thì bác sĩ T. trả lời nếu xin hóa đơn thì khỏi chích. Mỗi mũi chích có giá 3,5 triệu đồng.
Lạ một điều, bác sĩ T. lấy tiền của mỗi bệnh nhân với nhiều mức khác nhau, từ 3 đến 7 triệu đồng. Tất cả đều không hóa đơn, bệnh nhân xin được biết tên thuốc bác sĩ cũng không cho.
Trả lại tiền sau khi bị rượt chém
Sáng 14-3, sau khi chứng kiến những bệnh nhân nằm ngay kế bên đã đưa tiền cho bác sĩ T. nhưng vẫn tử vong, anh D. bức xúc mở tủ cá nhân của anh, cầm lấy con dao gọt trái cây tìm bác sĩ T. hỏi chuyện. Hành động này đã gây "náo loạn" cả bệnh viện.
Lúc này, ban giám đốc bệnh viện mới nắm được vụ việc và yêu cầu bác sĩ T. làm bản tường trình ngay sau đó.
Chiều 15-3, đại diện của Bệnh viện Truyền máu huyết học và vợ bác sĩ T. (cũng là nhân viên trong Bệnh viện Truyền máu huyết học) đã gửi lời xin lỗi tới ba bệnh nhân và thân nhân người bệnh, đồng thời trả lại toàn bộ số tiền mà bác sĩ T. đã lấy của ba bệnh nhân này, tổng cộng là 48,5 triệu đồng.
Bà Phan Vũ Anh, phụ trách phòng công tác xã hội của bệnh viện, đã thừa nhận lỗi của bác sĩ T.. Bà cho rằng bác sĩ T. đã đánh mất uy tín của chính ông và làm tổn hại đến cả ngành y tế. Điều mất lớn hơn chính là lòng tin của bệnh nhân và niềm tin đối với bệnh viện cùng đội ngũ y bác sĩ.
Đại diện bệnh viện cho biết từ vụ việc này phía bệnh viện sẽ siết chặt hơn việc ký xác nhận các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, thông qua thân nhân bệnh nhân kêu gọi ai là nạn nhân trong vụ việc thì liên hệ bệnh viện để được nhận lại tiền.
Sáng 17-3, khi chúng tôi hỏi bác sĩ T. đã lấy tiền của bệnh nhân từ bao giờ? Đến nay đã có bao nhiêu bệnh nhân bị thu tiền như vậy, ước chừng số tiền là bao nhiêu...? Bác sĩ T. đã từ chối trả lời những câu hỏi này. Bác sĩ T. thừa nhận sai lầm của mình và cho rằng đã khắc phục được một phần sai lầm này.
Sẽ trả lại tiền cho tất cả bệnh nhân
Ông Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM - cho biết chỉ đến khi bệnh nhân cầm dao đòi gặp bác sĩ T. thì ông mới biết vụ việc này. Ông đã yêu cầu bác sĩ T. làm bản tường trình. Tuy nhiên, bản tường trình này vẫn chưa đầy đủ nên ông đã yêu cầu bác sĩ T. tường trình lại một cách đầy đủ hơn.
Bác sĩ T. là cán bộ giảng dạy của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhà trường có ký hợp đồng cử bác sĩ T. qua Bệnh viện Truyền máu huyết học để thực hành từ năm 2012 đến nay. Sau những sai phạm của bác sĩ T., bác sĩ T. sẽ phải thôi việc tại bệnh viện. Bệnh viện cũng đã báo cáo về trường để đơn vị có hướng xử lý.
"Lúc đầu bệnh viện ứng tiền để trả lại cho 3 bệnh nhân mà bác sĩ đã lấy tiền. Ngay cả trong trường hợp gia đình bác sĩ không trả được, bệnh viện sẽ đứng ra để trả lại cho tất cả bệnh nhân bị bác sĩ T. lấy tiền.
Riêng với những bệnh nhân bị bác sĩ T. thu tiền đang nằm điều trị tại bệnh viện, bệnh viện sẽ tạo mọi điều kiện để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, bù đắp lại phần nào thiệt hại của bệnh nhân đã phải chịu trong thời gian qua" - ông Dũng nói và cho biết thêm đã báo cáo toàn bộ vụ việc này với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM.
Ông Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết bác sĩ T. chỉ là nhân viên hợp đồng của trường (6 tháng ký một lần).
Sắp tới hội đồng kỷ luật của trường sẽ họp, sau đó sẽ có kết luận và nhà trường sẽ có hướng xử lý. Tuy nhiên, trước những thông tin về bác sĩ T., nhà trường không thể chấp nhận một giảng viên như thế và hướng sắp tới sẽ cắt hợp đồng với bác sĩ này.
Chưa có loại thuốc kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư máu
Ông Phù Chí Dũng cho biết đến nay chưa có một loại thuốc nào kéo dài sự sống cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu như bác sĩ T. nói với bệnh nhân. Quy trình điều trị cho bệnh nhân trong bệnh viện rất nghiêm ngặt nên không thể đưa một loại thuốc nào đó (nếu có) chích thêm cho bệnh nhân.
Theo Thùy Dương - Tự Sang (Tuổi Trẻ)