Bản Gia Khâu 2 chỉ cách TP. Lai Châu không mấy xa nhưng cuộc sống của bà con nơi đây còn nghèo khó lắm. Ngôi nhà đất ẩm thấp của bà Dua nằm cạnh đường cái dẫn vào bản. Hôm chúng tôi đến nhà, bà Dua vừa đi làm nương về. Nom người phụ nữ Mông được người dân nơi đây phong cho “danh hiệu” là người đẻ khỏe nhất đất Lai Châu già hơn tôi tưởng.
Bà ngồi buồn so bên cái bếp lạnh ngắt. Bộ quần áo bà mặc trên mình rách lả tả nhiều chỗ. Khuôn mặt bà hằn lên những nếp nhăn khắc khổ. Ánh mắt bà chứa đầy nỗi lo âu. Bà Dua nói tiếng phổ thông câu được, câu chăng, chúng tôi phải nhờ Trưởng bản Gia Khâu 2, ông Chang A Khua, làm người phiên dịch. Vừa xoa xoa đôi bàn tay vào nhau cho đám bùn đất rời khỏi kẽ tay, bà Dua mở đầu câu chuyện của mình bằng một lời nói đầy hoàn cảnh: “Tôi chưa kịp đun nước nên không có nước mời cán bộ”.
|
Người dân tộc miền núi vẫn sinh rất nhiều con. |
Ngày ông Di kéo bà về làm vợ, bà còn ngây ngô lắm! Thời gian đầu, thi thoảng dỗi chồng, bà còn bảo: “Tao về ở với bố mẹ đây. Không thích ở với mày đâu”. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đó bà đã làm dâu nhà người nên còn gặp nhiều bỡ ngỡ. Những e thẹn, ngượng ngùng rồi cũng dần trôi qua.
Hai năm sau, cái bụng của bà đã lùm lùm. Nghe các bà, các mẹ trong bản bảo là bà có thai thì bà mới biết là mình đang có một em bé ở trong bụng. Không như phụ nữ nơi khác, phụ nữ người Mông có bầu vẫn đi làm hùng hục trên nương, trên rẫy. Cuối năm 1976, bà Dua sinh hạ được đứa con trai đầu lòng. Bà Dua sinh con tại nhà, bà đỡ là người trong bản. “Lần đầu nghe tiếng khóc của trẻ tôi lạ lắm. Tôi lóng ngóng chẳng biết nuôi con kiểu gì”, bà Dua nhớ lại.
Đứa con trai đầu lòng được vợ chồng bà đặt tên là Sùng A Giàng. Cậu bé Giàng được một tuổi, bà Dua chưa kịp cai sữa thì đã thấy cái bụng của mình lại “sưng” to giống lần trước. Các bà mụ trong bản bảo, bà thuộc diện tốt máu nên lại có thai. Chồng bà biết tin này, vui như bắt được vàng vì nhà có thêm thành viên mới.
Riêng bà Dua lại rơi nước mắt. Bà biết mang nặng đẻ đau nào có sung sướng gì. Ngày ngày bà vẫn đi làm và phải đeo theo 2 đứa con: Đứa lớn đèo sau lưng, trước bụng là một em bé nữa chuẩn bị chào đời. Khi đó, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề, đứa con thứ hai của bà chào đời trong nỗi khốn khó.
Trời phú cho bà Dua sức khỏe, đứa con thứ hai chưa đầy tháng, bà đã cùng chồng đi cày, đi cấy được. Bọn trẻ cũng hồn nhiên như cây cỏ, ăn rồi lớn, chẳng bệnh tật gì. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, cuộc đời bà Dua trôi theo một cái mạch, đẻ, chửa và đẻ. Người ta đẻ 6-7 đứa con, có nếp, có tẻ đã là quá nhiều rồi, vậy mà chẳng hiểu sao, bà Dua lại đẻ một mạch dài không dứt. Đứa thứ nhất, thứ hai, thứ ba… rồi đến đứa thứ 10, bà cũng vẫn “mẹ tròn con vuông”.
Lũ trẻ lớn lên nheo nhóc, thiếu cơm ăn, áo mặc. Mùa đông ở trên núi lạnh cắt da cắt thịt, nhìn đàn con co ro bên hiên nhà, bà thương chúng lắm. Đứa lớn, đứa nhỏ bìu ríu, khóc lóc đòi ăn khiến bà rơi nước mắt. Bà tự nhủ lòng mình sẽ không đẻ nữa để có thời gian chăm sóc con cái.
Anh Giàng, con trai cả của bà, sinh năm 1976. Đến năm 18 tuổi, anh này cũng lấy vợ. Đời sống khó khăn nên ông bà cho anh Giàng ở riêng. Bà Dua còn nhớ như in cái ngày bà đẻ đứa con thứ 9 cũng là lúc đứa con dâu cả của bà sinh con. Cả hai mẹ con cùng đẻ khiến bà thêm phần ngượng ngùng.
Chẳng thế mà mỗi khi bà đi nương về muộn, cái Ly, thằng Dao vẫn sang bú sữa nhờ chị dâu. Bà Dua bảo, khi sinh đứa con thứ 10, bà tự dặn lòng dừng lại, thế nhưng chẳng hiểu sao ngoài 40 tuổi rồi bà vẫn cứ mang bầu. Mãi đến năm 2002 bà mới dừng việc chửa đẻ. Đứa con gái út là Sùng Thị Dở (SN 2002) là đứa con cuối cùng của bà, nâng tổng số con của ông bà lên 12 người.
Bà Dua đã vượt cạn 12 lần và mặc dù đông con, nhiều cháu nhưng bà vẫn phải làm quần quật. |
Mặt trời nơi miền sơn cước xuống nhanh, bà Dua đành cáo lỗi vị khách một lúc vì phải lo cho đàn lợn ăn, chúng đang kêu inh ỏi ngoài vườn, rồi bà lại tất bật nấu cơm tối. Bà làm mọi việc như một cái máy. Bà Dua thường nói với mọi người rằng, ông giời bắt bà phải đẻ nhiều và giờ lại bắt bà lao động cật lực để nuôi con. “Không làm thì mọi việc vẫn đến tay, chẳng nhờ ai được nên tôi phải cố”, bà Dua tâm sự.
Căn nhà heo hắt ánh lửa của bà Dua chẳng có thứ gì đáng giá. Bộ chăn màn, đám quần áo cũ vắt bên vách nhà đều đã ngả màu ố vàng. Bữa cơm chính của gia đình là rau và mèn mén.
Trong lúc đợi bà nấu cơm, tôi có hỏi: “Trong túi bà hiện giờ có đồng nào không?”. Câu hỏi của tôi như trút thêm nỗi buồn lên bà. “Chẳng có đồng nào đâu. Mỗi khi bán được tí ngô, tí thóc, đi chợ tôi chỉ dám mua ít mỡ, mắm, muối là hết thôi. Giáp Tết, Nhà nước hỗ trợ tiền ăn Tết, tôi mới có tiền đi chợ mua sắm”, bà Dua buồn rầu nói.