Tôi ra Nha Trang (Khánh Hòa), thấy người Trung Quốc (TQ) đầy nghẹt. Ban đầu cũng mừng, nghĩ rằng đất này ăn nên làm ra vì khách du lịch đông kín thế kia thì kinh tế sẽ phát triển mạnh, người dân khấm khá. Thực sự, ngày trước Nha Trang là "thiên đường" của khách Nga, giờ dường như người Nga đã "nhường chỗ" cho người TQ.
Nhưng ở đó 3-4 hôm thì lại thấy lo lo bởi không như mình nghĩ, người TQ qua Nha Trang nhiều như thế song không phải ai cũng là dân đi du lịch. Rất đông trong số họ ở lại, bằng nhiều cách. Từ trung tâm Nha Trang đến các xã ngoại ô của thành phố này đều có người TQ lưu trú. Họ ở lại để cư trú và làm ăn lâu dài.
Tất nhiên, làm ăn hợp pháp thì không nói làm gì. Những hoạt động kinh doanh của họ có dấu hiệu không rõ ràng mới đáng nói. Và, đáng lên án hơn, nhiều người Việt đã tiếp tay cho người TQ lách luật, ví dụ trong các giao dịch dân sự như mua bán bất động sản, chuyển nhượng cổ phần, nhằm kiếm "hoa hồng". Kể cả Văn phòng Thừa phát lại (tưởng như rất am hiểu luật pháp) cũng đứng ra làm vi bằng cho các trường hợp người Việt đứng tên cho người TQ mua bán nhà đất.
Người Việt đứng tên giùm người TQ trong hợp đồng mua nhà đất tại Việt Nam là trái pháp luật Việt Nam. Biết vậy nhưng người ta vẫn làm. Vì lòng tham mà bất chấp mọi bất ổn. Tiếp tay cho người nước ngoài tích sản theo kiểu đó là không thể chấp nhận.
Tôi về Đà Nẵng và Hội An, du khách TQ cũng ken đặc, nhiều nhất là các khu vực ven biển Đà Nẵng. Lợi ích từ nguồn khách này đối với địa phương sở tại hẳn ai cũng biết song mặt trái của nó cũng không ít. Vấn đề là cách kiểm soát, cách ứng xử của chúng ta; là tinh thần dân tộc của chúng ta.
Ấy là chuyện treo biển nhà hàng, quán ăn, khách sạn toàn bằng tiếng Hoa hoặc chữ tiếng Hoa rất to còn chữ tiếng Việt rất bé; là chuyện in phiếu tính tiền toàn bằng tiếng Hoa (tên món ăn, giá tiền) nhưng lại đối với thực khách hàng người Việt; là chuyện mở quán và dán thông báo "chỉ đón khách TQ"; là tình trạng hàng hóa, sản phẩm chỉ niêm yết giá bằng tiếng TQ... Ông chủ của những cơ sở kinh doanh ấy đều nắm quy định pháp luật (vì đã được biết khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh), đều biết làm như vậy là trái pháp luật nhưng họ vẫn làm.
Sao có thể như vậy được? Chỉ có thể giải thích là do tham lam và thiếu sự tự tôn dân tộc. Trên đất của mình, bãi biển của mình mà ngập người TQ, lại hàng hàng lớp lớp biển hiệu, bảng chỉ dẫn... bằng tiếng Hoa, và rất ồn ào tiếng nói cười của họ từ sớm đến khuya..., tưởng như là ở xứ của họ. Trong khi đó, ngoài khơi xa kia, biển đảo vẫn tiếp tục ngày đêm trào lên những cơn sóng bộn bề, réo gọi và nhắc nhở chúng ta về chủ quyền, về lòng yêu nướckhông thể nào quên!
Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc bắt đầu từ những việc làm rất nhỏ. Những chuyện đáng buồn kể trên là trái với tinh thần đó, hay nói cách khác là ý thức công dân rất kém.
Để xảy ra như vậy không chỉ là lỗi của những người dân có liên quan đó mà còn do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương, vừa thiếu sâu sát vừa cạn tầm nhìn. Chuyện diễn ra sờ sờ trước mắt, đừng trả lời là do "hoạt động tinh vi" nên không biết, không nghe, không thấy...
Chúng ta thường xuyên tuyên truyền và giáo dục công dân về trách nhiệm xã hội và tinh thần ái quốc song thực ra, chính đội ngũ cán bộ mới cần phải được giáo dục kỹ lưỡng hơn về chuyện này. Cán bộ tốt thì mới làm gương được cho dân.
Phiếu tính tiền (dành cho thực khách Việt) toàn bằng tiếng Hoa của một nhà hàng ở Đà Nẵng
Theo Nguyễn Ngọc (Nld.com.vn)