Các tượng đài thường là nơi đặt PokeStop hoặc Gym trong game Pokemon Go. |
"Không hiểu sao thời gian gần đây, trước cửa nhà tôi xuất hiện các thanh niên lạ mặt, đôi khi đi thành từng nhóm, tay cầm điện thoại giơ giơ vuốt vuốt gì đó, xong sau đó một lúc thì bỏ đi. Ban đêm nhiều hơn ban ngày, thậm chí tới khuya vẫn có người. Do quá lo lắng cho sự an toàn của mình và các con, tôi đã trao đổi với chồng thì mới biết những người này đang chơi game Pokemon gì đó", chị Thanh Phương, sống tại quận 10 (TP HCM) chia sẻ.
Cũng giống như chị Phương, anh Duy (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP HCM) cho hay gần đây nhà anh cũng thường xuyên gặp những người lạ trước cửa nhà. Tuy nhiên, cậu con trai cho hay nhà anh là nơi đặt PokeStop và những người này đến để quay vật phẩm miễn phí.
Tương tự hai trường hợp trên, chị Ngọc Phượng (đường Tú Xương, quận 3, TPO HCM) phản ánh, khoảng một tuần trở lại đây, phía ngoài nhà chị luôn có rất nhiều người cười nói, la hét, thậm chí cãi vã ầm ĩ vì một điều gì đó. Sau khi những đám người này rời khỏi, họ để lại rất nhiều rác như túi nilon, chai nước, ly nhựa… buộc chị và người nhà phải ra dọn dẹp. Qua bản đồ Pokemon Go, cạnh nhà chị Phượng là một phòng Gym trong game.
Không chỉ tại nhà dân, các địa điểm có phòng Gym trong game Pokemon Go đều có nhiều người qua lại. Anh Duy, bảo vệ của một tòa nhà nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) cho biết, chỗ anh có khá nhiều người dừng chân. "Có một vài thời điểm trong ngày, đặc biệt là buổi tối, rất nhiều thanh niên tụ tập và gây ồn ào. Chúng tôi buộc phải ra giải tán đám đông để tránh cản trở xe cộ ra vào tòa nhà", anh Duy cho biết.
Thế nhưng, không chỉ các tòa nhà mới có nhiều người tụ tập. Tại các địa điểm như Bảo tàng Bến Nhà Rồng (quận 4), miếu thờ hòa thượng Thích Quảng Đức (quận 3), Nhà thờ Đức Bà (quận 1), Nghĩa trang liệt sĩ Nhà Bè (quận 7)… đều là điểm Gym trong game này. Các bạn trẻ đến đây chơi phần lớn đều ồn ào dù đây đều là những nơi tôn nghiêm, cần giữ phong thái đàng hoàng, đứng đắn.
Người chơi Pokemon Go xả rác tại các PokeStop và Gym sau khi rời đi. |
Không chỉ Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới cũng ghi nhận các trường hợp tương tự. Theo The Guardian, không hiếm các danh lam thắng cảnh được chọn làm điểm PokeStop hay Gym của Pokemon. Bảo tàng Holocaust ở Washington DC (Mỹ) là một ví dụ. Người quản lý ở đây lên tiếng: "Việc đặt PokeStop tại bảo tàng đã khiến mọi thứ bị xáo trộn. Việc chơi game bên ngoài nơi tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít là không hề thích hợp".
Theo BuzzFeed, tại khu vực Rhodes (ngoại ô Sydney, Australia), mỗi đêm có không dưới 1.000 người truy bắt Pokemon, gây nên tình trạng hỗn loạn. Người tham gia có đủ các thành phần, từ người chơi game đến bán sạc dự phòng dạo. Họ hút thuốc, uống rượu, xả rác bừa bãi… Thậm chí có thành phần quá khích, khiến cảnh sát phải rất vất vả mới giải tán được.
Mới đây, một người đàn ông có tên Jeffrey Marder, sống tại New Jersey (Mỹ) đã đâm đơn kiện hai nhà sản xuất Pokemon Go là Niantic Labs và Nintendo vì Pokemon Gym và PokeStop được đặt tại nơi ở của ông ta mà chưa có sự đồng ý, khiến cuộc sống của ông bị đảo lộn. Người này cho biết, gia đình liên tục bị gõ cửa làm phiền chỉ vì điểm Pokemon Gym và PokeStop ở sau vườn.
Không phải ngẫu nhiên mà Pokemon Go bị cấm tại Iran, cũng như bị giới hạn tại các khu vực khác. Kể từ khi tựa game này ra mắt, đã có khá nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó có việc phá hoại dữ liệu bản đồ, lo ngại vấn đề an ninh hay gây tai nạn khi đang tìm kiếm Pokemon.
Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)