Ngày 25/10, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn xác xơ sau lũ lịch sử. Nhiều mái nhà sụp đổ, trường học lấm lem bùn đất, tường rào xiêu vẹo khiến người dân nơi đây thất thần, đau khổ.
Sau lũ, người dân bắt đầu chật vật để ổn định cuộc sống, bởi ai cũng gần như trắng tay, đều mang trong người một nỗi đau. Nhưng có lẽ, đau đớn nhất sau lũ có lẽ là gia đình anh Hoàng Văn Đức và chị Ngô Thị Thơm ở xóm 3 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy.
Lũ đã lấy mất đi hai người con trai của anh chị là cháu Hoàng Văn Quân (10 tuổi) và cháu Hoàng Văn Quý (6 tuổi). Mất hai con, cả anh Đức và chị Loan như người không hồn, khiến ai nấy nhìn vào không kìm được giọt nước mắt.
Mấy hôm nay, căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh luôn có người đến chia buồn, động viên. Anh Đức buồn bã đứng bên di ảnh hai con, cúi đầu cảm ơn tấm lòng của mọi người, cạnh đó chị Loan nằm gục trên chiếc giường cũ, hai người thân luôn túc trực bên cạnh.
Ngồi bên con gái, bà Trần Thị Doan (70 tuổi, mẹ chị Loan) cho hay, chị là con thứ 5 trong gia đình 7 chị em, từ nhỏ đều ngoan ngoãn chăm chỉ làm ăn. Năm 2009, chị lập gia đình cùng với anh Đức, năm 2010 sinh đứa con đầu lòng, rồi năm 2013 sinh thêm cậu con trai thứ 2.
Đôi bàn chân anh Đức vốn tàn tật từ nhỏ nên đi lại khó khăn, dù vậy vì con, hai vợ chồng anh đều chăm chỉ làm ăn, cố gắng lo cho hai đứa.
Nhớ lại thời khắc kinh hoàng mất đi hai người cháu ngoại, bà Doan cho hay, hôm đó là 18/10 trời mưa rất lớn, căn nhà của con gái ngập sâu.
Thấy không an toàn, vợ chồng anh Đức đã nhờ người chú sống gần đó chở hai con trai sang nhà bà nội để tá túc vì nhà bà nội cao hơn.
Người chú dùng chiếc thuyền nhỏ chèo hai cháu đi, nhưng vừa đi cách nhà 200 mét thì thuyền lật, hai con trai anh Đức bị nước cuốn. Lúc này một vài người nhìn thấy nên đã hô hào ứng cứu.
"Lúc đó chú của cháu chơi vơi giữa dòng nước sau bám được thuyền, còn hai cháu tôi chìm, mọi người cứu nhưng không kịp. Khi đưa lên bờ hai cháu đã mất, bố mẹ hai cháu lúc đó, đau đớn, gào khóc khàn cả cổ", bà Doan nghẹn ngào.
Nén nỗi đau, anh Đức cho hay, thời điểm nghe tin con gặp nạn, hai vợ chồng anh chạy ra nhưng nước lũ cao không làm gì được. Hàng xóm lặn xuống một lúc sau mới tìm thấy, đưa cả hai lên thuyền đến nơi khô ráo, tiến hành hô hấp nhưng không kịp.
"Họ báo tin cả hai con tôi mất, vợ với tôi đau đớn lắm, cả hai chạy ra với con nhưng mọi người can ngăn không cho ra", anh Đức nói.
Thi thể cả hai cháu sau đó được đưa lên nhà bà nội, phải ngày hôm sau mới có quan tài để bỏ thi thể. Đêm 19/10, nước ngày một dâng cao, vợ chồng anh Đức cùng người thân không thể nào ngủ, nước ngập tới đâu, mọi người lại lấy ghế kê hai chiếc quan tài để không đụng nước.
Đến ngày 20/10, thi thể hai em được người thân để trên thuyền đem đi chôn trong mưa rét. Nhà ngập nước, di ảnh của hai con trai anh Đức vẫn phải để bên nhà bà ngoại, 3 ngày trước nước rút gia đình anh mới đưa được về nhà.
Anh Huynh, hàng xóm với anh Đức, người trực tiếp xuống cứu và chôn cất hai cháu bé đến nay vẫn bàng hoàng.
Anh cho hay, nỗi đau của gia đình anh Đức như thảm cảnh của xóm mình, hôm ấy nhìn hai vợ chồng anh Đức ôm con giữa trời mưa lạnh ai nấy đều khóc cạn nước mắt.
Từ ngày mất con, chị Loan không ăn không ngủ, người sụt cân, chỉ biết nằm gục trên giường. Đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt hốc hác.
Người thân luôn phải túc trực, động viên và ép chị ăn. Những lúc nhớ con, chị Loan chỉ biết úp mặt vào chăn khóc nức nở.
Anh Đức từ ngày đó cũng tiều tuỵ, ủ rũ, ngày ngày đứng cạnh bàn thờ con để cảm ơn những người đến chia buồn. Khi khách về, anh buồn bã ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn về di ảnh hai con.
Căn nhà cấp 4 anh Đức đang sống vừa xây được mấy năm, hiện vẫn còn vay hơn 150 triệu đồng. Trong nhà, chẳng có tài sản gì đáng giá, 10 năm lấy nhau cứ ngỡ sẽ hạnh phúc khi anh chị có được hai người con nhưng giờ đây chẳng còn gì.
Theo Ngọc Thắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)