Từng uống thuốc chuột tự vẫn
Trong ngôi nhà nhỏ, lụp xụp nằm trên phố Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), hằng ngày, bà Nở phải khóa trái cổng bởi, ngộ nhỡ chẳng biết lúc nào chị Bích lên cơn có thể bỏ đi mất.
Trong 10 người con của bà Nở thì có đến 3 người con gái “mất tích” không rõ lí do dù bà và gia đình đã gắng hết sức tìm kiếm.
Trải qua bao sóng gió của cuộc đời, người mẹ già nay đã chai sạn với nỗi đau. Khi nhắc về số phận mình, bà Nở không còn khóc nữa, có lẽ, bà đã cạn nước mắt. Tâm thế của bà lúc nào cũng sẵn sàng về thế giới bên kia để sum họp với ông. Thế nhưng, bà vẫn còn nỗi lo cánh cánh về những đứa con điên dại của mình.
Bà Nở kể, năm 2002, sau khi ông Phong chồng bà đột tử, trong một phút suy nghĩ nông cạn, bà đã uống thuốc chuột tử tự. May mắn là hàng xóm phát hiện và đưa bà đi viện cấp cứu kịp thời.
Từ bệnh viện trở về, nhìn những đứa con đang trưởng thành của mình suốt ngày chỉ cười nói lảm nhảm, không tự chăm sóc được cho bản thân, bà Nở chỉ biết ngửa mặt than trời. Bà từ bỏ ý nghĩ tự tử, tiếp tục gắng gượng sống để lo cho mấy đứa con.
Tuổi về già, không còn tiếp tục đi bán rau được nữa, bà Nở phải đi ăn xin để lấy tiền nuôi thân và con.
Có lần, bà ngồi ăn xin ở cổng chùa và bị lực lượng chức năng bắt nhốt vì tưởng người già, lang thang cơ nhỡ. Bị nhốt khoảng 10 ngày, được thả ra, bà Nở về nhà thì thấy chị Bích đã phát điên, đập phá mọi thứ trong nhà. Vội vã nhờ người đưa con vào trại, từ đó, bà không còn đi đâu nữa, 2 mẹ con ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
10 đứa con lần lượt phát bệnh điên
Tôi gặng hỏi về việc những người con của bà phát bệnh như thế nào? Bà Nở chỉ im lặng, đôi mắt bà lim dim như đang nhắm nghiền lại.
Không gian đang im lặng, bất thình lình, từ trong màn, chị Bích chui ra ngồi tọt xuống dưới nhà và bắt chuyện với chúng tôi. Chị nói rành mạch những gì xảy ra trong quá khứ với bản thân và gia đình mình khiến chúng tôi không nghĩ chị là một người điên.
Thấy vậy, anh Thứ (hàng xóm) lên tiếng: “May cho chú rồi, đến đúng hôm con bé này (chị Bích) không phát bệnh nên nó vẫn nhớ và kể được hết mọi thứ, chứ bình thường nó cứ ở nhà một thời gian rồi lại chuyển vào trại tâm thần”.
Chị Bích bắt đầu kể, chị gái cả tên Thái (SN 1965) hồi đang học cấp 3 thì phát bệnh, cười cười, nói nói lảm nhảm cả ngày. Rồi bỗng một ngày chị mất tích, cả nhà đi tìm khắp nơi nhưng không thấy.
Chị cả xảy chuyện chưa lâu thì anh trai thứ 2 là Phạm Văn Hoàng (SN 1966) đang học cấp ba cũng phát bệnh. Thế là từ đó, anh Hoàng chuyển khẩu hẳn vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo (nay là Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo).
Bẵng đi một dạo, đến cuối những năm 80 thì chị gái thứ 5 là Phạm Thị Dung (SN 1971) và thứ 6 là Phạm Thị Kim Cúc (SN 1973) cũng đang yên đang lành thì lần lượt phát bệnh rồi cũng đi biệt tăm. Người thì đồn bị bắt cóc, kẻ thì đoán bị đuối nước trôi sông...
Khoảng đầu những năm 90, chị gái thứ 3 là Phạm Thị Tuyết Lan (SN 1968) đang bình thường cũng phát bệnh điên. Chị phải vào trại tâm thần chữa bệnh. Hai năm sau, bệnh tình thuyên giảm, chị xây dựng gia đình với một người đàn ông ở Hải Phòng. Không lâu sau đó, chồng chị mất nên bệnh tình chị tái phát và ngày càng nặng. Vậy là chị Lan lại theo bước anh trai thứ 2, vào hẳn Trại tâm thần Vĩnh Bảo.
Chị gái thứ 4 là Phạm Thị Tâm (SN 1970) thấy các anh chị em mình cứ lần lượt bị điên, sợ tiếng xấu đồn xa nên cũng vội vã đi lấy chồng. Thế nhưng, không may là cả 2 người chồng đầu của chị đều nghiện ngập mà chết. Chị đi bước nữa nhưng cũng lấy phải người chồng cờ bạc. Bị chồng ruồng bỏ, chị ngẩn ngơ, ôm con đi tha phương cầu thực ở đâu không ai hay.
Năm 2002, khi ông Phong (chồng bà Nở) đột nhiên qua đời. Đau đớn thay, người con gái thứ 7 là Phạm Thị Hoa (SN 1976) khi chứng kiến bố mất cũng đã gào thét đến điên dại. Chị suốt ngày chửi bới, đêm ngày không ngủ, đi lang thang. Vậy là bà Nở thêm một lần phải đưa con vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo.
Chồng chết, 7 đứa con cũng người điên, người mất tích khiến bà Nở tuyệt vọng. Những tưởng trời thương, để lại 3 đứa con cho bà Nở nương tựa tuổi về già, thế nhưng, chuỗi bi kịch của bà chưa dừng lại ở đấy.
Con trai thứ 8 là anh Phạm Văn Đức (SN 1978) trong một lần ra ngoài đi làm thêm kiếm tiền nuôi mẹ và em thì bị một nhóm du côn đánh đến chấn thương sọ não. Khi tỉnh dậy, anh không còn như người bình thường nữa mà trở nên ngây dại. Cực chẳng đã, bà Nở lại tiếp tục phải đưa con vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo.
Vào đây, anh Đức uống nước tẩy rửa nhà vệ sinh suýt chết, may mắn được các bác sĩ đưa đi rửa ruột kịp thời. Tuy nhiên sau đó, anh lại treo cổ tự tử.
Sau khi anh Đức qua đời, đến lượt người con trai thứ 9 là anh Phạm Văn Hậu (SN 1980) phát bệnh. Trong một lần lên cơn, anh đập phá đồ đạc và phóng hỏa đốt nhà. May mắn, hàng xóm phát hiện nên dập lửa kịp thời. Trại tâm thần Vĩnh Bảo lại một lần nhận thêm một người con của bà Nở.
Vào đây chữa trị một thời gian, bệnh tình anh Hậu thuyên giảm nên được về nhà. Cuộc sống khó khăn, anh Hậu xin mẹ vào Nam làm nghề đánh giày và giờ ở hẳn trong đó. Thu nhập chẳng đáng là bao nên anh Hậu cũng không giúp đỡ gì được mẹ và em.
Riêng về phần mình, chị Bích chẳng biết đi đâu nên ở lại Hải Phòng với mẹ. Từng là một người con gái xinh đẹp, có người yêu nhưng bệnh điên đã lấy đi của chị tất cả. Bây giờ, cuộc sống của chị chỉ bó gọn hoặc ở nhà hoặc là vào trại tâm thần.
Khi tôi hỏi về mong ước của mình là gì? Chị Bích không trả lời. Ánh mắt chị nhìn xa xăm, hướng về phía cửa.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)