Nỗi buồn làm mẹ từ thuở "vắt mũi chưa sạch"

16/02/2015 11:13:58

Ở cái tuổi mà người ta gọi là “vắt mũi chưa sạch” thì nhiều cô gái đã phải làm vợ, làm mẹ. Thậm chí có người phụ nữ chưa đầy 20 tuổi đã sinh đến 3 đứa con.

Ở cái tuổi mà người ta gọi là “vắt mũi chưa sạch” thì nhiều cô gái đã phải làm vợ, làm mẹ. Thậm chí có người phụ nữ chưa đầy 20 tuổi đã sinh đến 3 đứa con. Đó là nghịch cảnh vẫn thường xảy ra ở không ít dân tộc thiểu số, trong đó có huyện Sìn Hồ - tỉnh Lai Châu.

Cười kiểu... hồn nhiên

Đến chợ Sìn Hồ vào ngày thứ 7 sẽ bắt gặp không ít đôi vợ chồng tảo hôn ôm một con gà hoặc có khi chỉ là vài mớ rau đem bán. Bán xong họ sẽ mua mắm muối, ít thịt hoặc vài thứ đồ gia dụng lặt vặt khác. Nhiều bà mẹ tuổi 14 còn địu theo sau một đứa con nhỏ mặt mũi nhem nhuốc hoặc ngủ ngặt nghèo hoặc cầm một cây kẹo mút mát ngon lành. Cứ hỏi chuyện cưới xin, con cái và làm ăn thì họ chỉ ngượng nghịu lúc đầu. khi đã quen, họ kể vanh vách bằng chất giọng nơ nớ của người thiểu số.
 
Mã A Danh cưới Thào Thị Cô (14 tuổi) một cách thật khôi hài nhưng vẫn là cái nếp “truyền thống” của người vùng cao, đó là do bố của Danh “ưng cái bụng” cô bé Cô. Hai ông bố cầm chai rượu đến nhà nhau nói chuyện, chỉ ít ngày sau, đôi bạn trẻ thành vợ chồng, theo cái “lý” của bản Nà Ké (xã Hồng Thu) cho dù địa phương này chẳng đồng ý cho kết hôn.

Không khó để gặp những bà mẹ tuổi 14 địu theo sau một đứa con nhỏ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 
Hỏi Mã A Danh, có thích Cô không mà lại lấy làm vợ. Danh gãi đầu cười: “Bố thích thì con cũng thích mà. Cứ cưới về, thương nhau là thương nhau hết. Ở bản, ở xã thanh niên nào cũng thế thôi”. Lại hỏi: “Bố em thích chứ có phải em đâu. Lẽ ra em phải cưới cô gái nào em yêu thì mới hạnh phúc chứ?”. Danh trả lời: “Bố thích thì phải thích theo. Có khi đi hội xuân bắt được cô nào thì cưới cô đó. Tìm hiểu ít thôi mà cưới cho nhanh. Mau được làm bố mà.”

Cũng chỉ cần gia đình “ưng cái bụng” rồi đôi bạn trẻ Giàng A Sìn và Sùng Thị Dàng ở bản Sà Phìn (xã Xà Dề Phìn) cưới nhau. Cưới khi Dàng mới chỉ 14 tuổi, cái tuổi quá non nớt để làm một người mẹ, người vợ. Cưới nhau khi chưa đủ thời gian đề biết thích người con trai sẽ làm chồng mình. Chưa đủ nhận thức thế nào là một tổ ấm và mình cần gì ở nó. Dàng đang là học sinh lớp 7, Sìn vừa học xong lớp 9, hai bên gia đình gán ghép thế là thành đôi. Cưới nhau xong, công ăn việc làm chẳng có, đồi núi xã Xà Dề Phìn khô khốc, ruộng nương bố mẹ cho không đủ sinh hoa trái nuôi gia đình non nớt. Trong khi đó hai đứa con mau chóng “tòi” ra trong thiếu vắng của gia đình vợ dại, chồng chưa đủ sức nuôi vợ.

Ở xã Tả Phìn nổi tiếng với người phụ nữ tên Chẻo Mí On. On cưới chồng năm 15 tuổi, khi 22 tuổi, cô đã có 5 đứa con và trở thành một trong những người mẹ nhỏ tuổi sinh nhiều con nhất ở Sìn Hồ. Qua hỏi chuyện, chồng Mí On quanh năm đi làm quần quật cùng các anh chị ở trên nương và dường như chỉ có mỗi cái thú là làm cho vợ đẻ (!?) Khi đứa con trước còn đỏ hỏn thì đứa con sau đã chuẩn bị chào đời. Cái đói, cái nghèo cứ quấn riết lấy những mảnh đời là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết, nạn tảo hôn. “Em gặp anh ấy một lần ở chợ phiên, nói chuyên hợp thì cưới thôi. Ở đây, lớn rồi mà không có người yêu, không có chồng thì coi như là ế, xấu hổ lắm. Bạn bè em cũng thế cả mà!”, Mí On tâm sự.

Đến xã Pu Xam Cáp, một xã ở vùng thấp Sìn Hồ, kinh tế còn khó khăn cũng dễ dàng gặp những ông bố bà mẹ mặt còn búng ra sữa đã phải ẵm con, hoặc quần quật làm trên nương rẫy. Pu Sam Cáp là xã có tỷ lệ học sinh đến trường thấp nhất huyện và hàng năm, theo thống kê có khoảng 10 cặp bỏ học giữa chừng để cưới nhau. Lù Thị Dờ (bản Tỉa Tê) năm nay mới 28 tuổi nhưng đã sinh tới con thứ 5. Kinh tế khó khăn, con đông, lại suốt ngày đầu tắt mặt tối nên Dờ chưa bao giờ nghĩ sẽ cho con đến trường.

Những lời ru buồn trên rẻo cao

Lên Sìn Hồ đã có đường ô tô. Vào trung tâm các xã có đường xe máy. Cuộc sống người Sìn Hồ đã thay đổi. Cái chữ đã được dạy ở từng thôn bản nhưng những tập tục, nạn tảo hôn thì chưa thay đổi được là bao, dẫu các cấp chính quyền đã tập trung lực lượng ra tay. Người dân vẫn coi “phéo vua thua lệ làng”, bỏ qua quy định dựng vợ gả chồng mà làm theo tập tục từ bao đời. Tất cả đã sinh ra một hệ lụy là “buộc” những đứa trẻ phải làm cha làm mẹ quá sớm. Buộc những đứa trẻ phải sinh ra trong thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, sinh ra còi xương, suy dinh dưỡng. Hay đau buồn hơn là không thiếu trẻ chết ngay sau khi sinh ra. Nạn tảo hôn còn khiến cơ thể người các thế hệ sau cứ nhỏ dần, thấp dần do “giống không tốt”, chưa phát triển hoàn thiện đã phải sinh nở.

Người mẹ trẻ "một nách 5 con". Ảnh minh họa.


Thế nên có cán bộ nhìn cảnh đó thấy thảm thương, nói rằng đời người con gái trên rẻo cao Sìn Hồ không dài bằng tấm khăn của người Dao. Mới nứt mắt ra đã phải làm mẹ, làm vợ, chẳng có chút kiến thức gì để chăm mình chứ đừng nói đến chuyện con cái. Có gia đình nghĩ, dựng vợ gả chồng sớm cho con để đông con nhiều cháu, thêm người làm nương. Nhà này đua với nhà kia, dòng họ này đua với dòng họ kia và dồn trách nhiệm cũng như gánh nặng lên vai những đứa trẻ đang lớn. Ý nghĩ lạc hậu đó đã đẩy bà con vào cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Theo thống kê của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình tỉnh Lai Châu thì khoảng hơn 40% số cặp vợ chồng kết hôn ở vùng dân tộc thiểu số là tảo hôn. Và ở nhiều vùng trong đó có Sìn Hồ, các cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn ở UBND xã chỉ chiếm khoảng 20%. Số còn lại chưa đủ tuổi nên cán bộ tư pháp xã không làm đăng ký, nên họ sẽ không đến đăng ký nữa mà cứ cưới theo lệ làng, lệ bản. Việc tuyên truyền cũng vô cùng khó khăn, bởi ngay cả mộ số con của cán bộ cũng tảo hôn, vi phạm.

Về điều này, bà Tẩn Mỹ San, giám đốc trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ cho biết: “Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền vận động nhưng để thay đổi nhận thức của bà con là vô cùng khó khăn. Có khi đến nhà họ nói chuyện, họ nói rằng chúng tôi nói đúng, họ sẽ sửa. Sau khi chúng tôi về, lại đâu vào đấy cả. Nhiều cặp 7 năm sau mới đăng ký kết hôn, nhiều cặp chẳng cần đăng ký và cũng không đi làm giấy khai sinh cho con.”.

Đã đến lúc các cấp chính quyền cần có những kế hoạch lâu dài, tổng thể, thiết thực hơn nhằm xóa hủ tục đã ăn sâu vào máu bà con dân tộc thiểu số. Ngăn chặn tình trạng tảo hôn là một bài toán khó, bởi nhận thức của bà con còn quá lạc hậu. Nhưng chẳng lẽ, chúng ta chấp nhận để xuất hiện những bà mẹ “thiếu niên” làm tăng thêm số người đói nghèo? Chừng nào điều đó còn diễn ra thì hậu quả lâu dài không chỉ là vấn đề kinh tế, mà sâu xa hơn là chất lượng dân số sẽ đi thụt lùi.

Theo Vãn Tình (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật