Ông Nguyễn Văn Nam vẫn chưa hết buồn rầu khi em gái không được địa phương tổ chức lễ mai táng |
Không được làng lo lễ an táng vì vi phạm hương ước
“Ở thôn bên có một người từ nơi khác đến không may tử vong trên địa bàn dù không phải người địa phương nhưng còn được các ban ngành lo an táng.
Còn em tôi là công dân của địa phương, lại là người khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo nhưng chỉ vì vi phạm hương ước mà các ban ngành không ngó ngàng gì tới thật là đau lòng", ông Nguyễn Văn Nam (61 tuổi, anh trai bà Lê) buồn rầu nói.
Theo ông Nam, cái chết của bà Lê làng đã không thông báo trên loa như những đám tang bình thường khác, đến cả kèn trống, xe tang... để lo đám gia đình ông cũng không được mượn của làng mà phải tự tìm nhờ dịch dụ hỏa táng.
Theo ông Nam, sau khi em gái ông mất thì trưởng thôn Chùa là ông Nguyễn Văn Khúc có gọi ông lên thông báo gia đình ông và em gái còn nợ nhiều khoản tiền đóng góp trong thôn như: bão lụt, tình nghĩa, hội xuân, môi trường... nếu đóng hết thì thôn sẽ tổ chức tang lễ cho em gái ông.
Theo trưởng thôn Khúc, số tiền mà gia đình ông Nam đang nợ là 1.860.000 đồng còn bà Lê nợ 1.716.000 đồng.
Tuy nhiên, ông Nam chưa đồng ý đóng góp với lý do một số công trình trong thôn như: xây mương, đổ cấp phối đường ngoài đồng... thu chi chưa hợp lý. Vì thế, trưởng thôn cho rằng theo hương ước của làng thì gia đình ông phải tự lo tang lễ.
“Em chồng tôi bị tật từ nhỏ. Hàng ngày cô ấy đi xe lăn lên chợ Gió, chợ Thắng mua ít hàng về bán cho mẹ già và trẻ em kiếm cái sinh nhai qua ngày. Người cũng đã chết rồi gia đình tôi cũng chỉ biết tủi phận” - bà Nghiêm Thị Quyền (60 tuổi, chị dâu bà Lê) xúc động nói.
Lý giải về việc thôn không tổ chức tang lễ cho người khuyết tật, trưởng thôn Nguyễn Văn Khúc nói: “Tôi với người mất cũng là anh em trong họ hàng. Không thể tổ chức được tang lễ như những công dân khác cho bà Lê bản thân tôi cũng buồn lắm".
Theo ông Khúc, trước khi quyết định tổ chức hay không tổ chức tang lễ, ông đã hỏi ý kiến cán bộ trong thôn cũng như xin ý kiến chủ tịch UBND xã là ông Trần Quang Hán.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Hán khẳng định rằng việc không làm lễ an táng cho bà Lê là do thôn thực hiện theo hương ước của làng Chùa chứ ông không chỉ đạo gì về việc này. "Việc đặt ra hương ước là từ các cụ, người dân trong thôn và họ thực hiện với nhau", ông Hán nói.
Nhiều điều của hương ước trái pháp luật
Trong mục 5 về việc thu hồi nợ ghi trong “Hương ước làng Chùa” chỉ duy nhất chữ ký của ông phó thôn và bây giờ là trưởng thôn Nguyễn Văn Khúc có nội dung các cán bộ phải kiên quyết khi thu hồi nợ. Nếu gia đình nào trốn tránh sẽ không xác nhận chuyển đi, chuyển đến, con em đi học và các chế độ khác.
Nội dung trong mục 5 về việc thu hồi nợ ghi trong “Hương ước làng Chùa” |
Vào tháng 11-2014 đồng chí chủ tịch UBND huyện đã có quyết định phê duyệt quy ước 58 thôn của 5 xã khác nhau, trong đó có cả quy ước của thôn Chùa.
Cuốn “Quy ước thôn Chùa” sửa đổi, bổ sung 2014 được UBND huyện phê duyệt không hề có nội dung nào nhắc đến chuyện khi người dân không thực hiện những hương ước của làng thì chính quyền địa phương sẽ không tổ chức mai táng.
Được biết, hương ước mà thôn Chùa đang thực hiện là văn bản lưu trữ trong làng, cứ 6 tháng một lần trưởng thôn lại đọc cho bà con nghe nội dung hương ước trên để mọi người cùng cam kết thực hiện.
Hương ước, quy ước là để mọi người đoàn kết "Quy ước được xây dựng trước tiên đã được nhân dân trong thôn thống nhất trên cơ sở hướng dẫn từ cơ quan chức năng chuyên môn. Khi được ký ban hành phải được Phòng Tư pháp thẩm định nội dung xem có vi phạm pháp luật không, sau đó Phòng Văn hóa mới tham mưu cho chủ tịch UBND huyện quyết định phê duyệt. Những quy ước, hương ước đi trái với quy định của pháp luật sẽ bị hủy bỏ. Hương ước là để mọi người đoàn kết hơn, giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa chứ không phải để quy định rằng buộc về kinh tế” - ông Trần Văn Vĩ - trưởng Phòng Tư pháp huyện Hiệp Hòa cho biết. |