“Ðặt gạch” giữ chỗ?
Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tính toán, nếu đồng ý cho chia phần vốn dự phòng sẽ thiếu khoảng 155 ngàn tỷ đồng trái với qui định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền càng thiếu tiền thêm, các dự án mới cũng không có nhiều tiền để thực hiện.
Theo ĐB, các tờ trình của Chính phủ ngoài phương án phân bổ, chia dự phòng chung không có thuyết minh bổ sung nguồn hay phương án cắt giảm điều chỉnh các dự án để tạo nguồn triển khai các dự án dự kiến sử dụng dự phòng. Nếu phân bổ dự phòng thì mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 sẽ là 372 nghìn tỷ đồng, trong khi chỉ thu xếp được 217 nghìn tỷ đồng. “Quyết tâm thực hiện thì hệ quả sẽ là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin cho khi cam kết chi vượt khả năng thu xếp tiền”, ĐB Hàm lo ngại.
Đề cập đến việc bố trí vốn các dự án khởi công mới, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) băn khoăn, liệu Chính phủ có đảm bảo giải ngân hết số vốn này nếu được giao trong giai đoạn 2016 - 2020 không? Trong khi quá trình chuẩn bị đầu tư mất hàng năm và thời gian thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 1,5 năm.
“Liệu có tình trạng, mặc dù biết là chưa khả thi nhưng nhiều địa phương vẫn cứ xin đưa vào danh mục để giữ chỗ, chuẩn bị cho giai đoạn sau?”, bà Hoa đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ, bố trí số vốn phù hợp cho các dự án khởi công mới.
Còn phải giải quyết nợ
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, nhưng không thể làm được vì không có tên trong danh mục dự án. Theo Bộ trưởng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 mới tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước.
Trong 9.600 dự án triển khai chỉ có 400 dự án mới được khởi công, còn lại là trả nợ và thanh toán cho các dự án chuyển tiếp. Đặc biệt, theo ông Dũng, trong nhiệm kỳ vừa qua đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông và hiện nay vẫn đang còn nợ trên 20 nghìn tỷ đồng. “Như vậy, còn phải giải quyết tiếp trong nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông”, ông Dũng nói.
Trước băn khoăn về việc thuyết minh của Chính phủ thiếu thuyết phục, Bộ trưởng lý giải rằng, việc phân bổ khoản dự phòng là dự kiến trước kế hoạch để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Nếu không chuẩn bị trước thì không thể có dự án để khi có nguồn lực là có thể phân bổ ngay, giải ngân ngay.
“Nếu phân bổ hết vốn dự phòng này, so với kế hoạch được phê duyệt, chúng ta thiếu 155 nghìn tỷ đồng. Nhưng đang có rất nhiều dự án không triển khai được. Mỗi một năm, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt quanh 80%, như vậy đang còn khoảng 20% không giải ngân hết”, ông Dũng nhấn mạnh, việc phân bổ dự phòng chung ở thời điểm hiện nay là cần thiết.
Nhà thầu nợ đọng triền miên
“Nợ cũ không đòi được, trong khi đó nhà thầu vẫn tiếp tục phải vay tiền để thực hiện các dự án mới. Trong nhiều trường hợp, nhà thầu vừa là con nợ vừa là chủ nợ, như một vòng luẩn quẩn và rất nhiều nhà thầu đã lâm vào cảnh nợ đọng triền miên, đứng trước nguy cơ phá sản. Đây cũng là nguyên nhân khiến quỹ lương cho người lao động bị giảm, tranh chấp, kiện tụng phức tạp kéo dài”, ĐB Mai Thị Phương Hoa nói về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo Thành Nam (Tiền Phong)