Ảnh hưởng lượng mưa cuối năm 2017 ít kèm thời tiết nắng nóng, lượng nước bốc hơi nhanh, hơn tháng qua, nhiều hồ thủy lợi ở Ninh Thuận cạn khô hoặc nằm dưới mực nước chết, không đủ nước tưới cây trồng cũng như nước uống cho đàn gia súc.
Hạn hán đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sản xuất, chăn nuôi của người dân Ninh Thuận.
Tại vùng tâm hạn của Ninh Thuận, hai thôn Đồng Dày và Tham Dú (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) vốn được hưởng lợi từ nguồn nước tưới từ hồ chứa nước Phước Nhơn nhưng nay cũng không còn cầ cự nổi do hồ đã xuống quá mực nước chết, chỉ còn vài vũng nước cạn.
Thiếu nước, nắng hạn kéo dài khiến vùng Đồng Dày - Tham Dú khô khốc.
Để có nước, người trong vùng phải tự đào ao lấy nước nhưng giờ các ao đều cạn, mặt ao nứt nẻ. Nhiều đồng cỏ, rừng cây lá thấp chết khô, cháy nắng.
Đi khắp vùng, đâu đâu cũng gặp cảnh những đàn bò, đàn cừu ốm trơ xương, liêu xiêu tìm cây cỏ để ăn nhưng cũng không còn, tìm ao nước để uống nhưng cũng không có.
Xuống lòng ao cầm ống nước đặt bơm trước đó giờ không đến một tấc nước, ông Tà In Mai (thôn Đồng Dày) nói: "Trời không mưa, ao cạn, giờ không biết lấy nước đâu mà tưới, cứu sống đám cây trồng".
Tại vùng hạn xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), lòng hồ Ông Kinh cũng đã cạn nước hoàn toàn, người dân thậm chí mở đường chạy xe qua lại ngay trong lòng hồ.
Hàng trăm ống nước đặt vào lòng hồ lấy nước tưới cho vùng canh tác nho, hành tỏi, nước uống cho đàn gia súc ở phía chân hồ nay thành vô tác dụng.
Để có nước tưới cho cây, cho gia súc uống, nhiều hộ dân đã đào ao sâu ngay trong lòng hồ tìm nước mạch.
Trên mái taluy thân hồ nhiều máy bơm bằng nhiên liệu dầu nằm phơi nắng, chờ mưa để lòng hồ có nước bơm về phía hạ lưu tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp.
Hết cách, người dân phải lùa từng đàn cừu vào lòng hồ mong tìm ngọn cỏ sót lại cho cừu ăn, tìm các ao, vũng nước nhỏ cho cừu uống.
Anh Nguyễn Hữu Mộc (thôn Mỹ Tường 1) cho biết hồ Ông Kinh cạn nước từ hơn tháng trước, anh phải đào ao để lấy nước mạch bơm hơn 700m về tưới hơn 2ha nho.
"Đến nước mạch giờ cũng kiệt. Tôi phải đóng giếng khoan sâu 70-80m cách ao hơn 1km hút bơm về chứa trong ao, rồi từ ao này bơm tăng cấp mới có nước về vườn nho", anh Mộc nói.
Ngồi bên ao, chị Nguyễn Thị Văn cũng lo lắng cho biết ao vừa đào xong bơm lấy nước tưới cây trồng được vài ngày nay cũng đã muốn cạn.
Hạn hán đã gây hậu quả trực tiếp đến các hộ nuôi cừu. Bà Katơ Thị Nính, một hộ nuôi cừu cho biết ao đã khô nứt nẻ, không còn giọt nước nào cho đàn cừu 40 con uống.
"Ao cạn, hằng ngày tôi phải chở nước hơn 5km về rẫy cho cừu uống. Thiếu nước, thiếu cỏ, mới mấy ngày qua mà đã 5 con lăn ra chết" - bà Nính nói.
Tương tự, 20 con trong đàn cừu chăn thả ở thôn Đồng Dày của bà Nguyễn Thị Thuận (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) cũng lần lượt gục ngã.
Không còn đồng cỏ, cây lá thấp cho cừu ăn, nhiều hộ đành mua rơm cho cừu ăn. Nhưng thiếu ăn, thiếu uống, cừu cứ suy kiệt dần rồi chết, trong đó có cả cừu nái sắp đẻ.
Những người chăn đàn cừu thuê cho trại nuôi cừu với số lượng lớn khoảng 1.000 con của ông Trần Cao Hòa thì cho biết qua bảng theo dõi hằng ngày, đến nay trại nuôi cừu của ông Hòa đã có đến 100 con chết.
"Ngày nào tôi cũng phải chế nước vào bình cho mấy con cừu bị kiệt sức uống, không chúng chỉ có nước chết", chị Đạo Thị Hăng, người làm thuê ở trại ông Hòa, nói.
Không còn nguồn nước tưới để canh tác cho ba sào ruộng, hằng ngày, để có tiền trang trải các khoản cho gia đình, chị Lê Thị Hồng phải đến vũng nước cạn ngay lòng hồ Phước Nhơn để mò cua, bắt ốc kiếm sống.
"Tôi lội nước từ sáng sớm đến trưa để bắt cua, ốc mang về Phan Rang bán. Cố lắm mỗi ngày cũng được hơn 100.000 đồng. Có chút ít chi tiền chợ, cho cháu đi học", chị Hồng kể.
Thiếu cỏ cho đàn bò ở nhà ăn, chị Chamaléa Thị Xuất cũng phải đi mua rơm ép thành bó lăn về chuồng để dành cho bò, cừu ăn.
Phơi mình trên những đồng đất khô khốc giữa trời nắng rát da rát thịt, chị nói không sợ mình gục xuống, chỉ lo đám bò đói, khát mà chết thì lúc đó cả nhà mình mới... chết!
Theo Minh Trần (Tuổi Trẻ)