Vào mùa xuân năm 2011, trong suốt gần nửa tháng trời, chúng tôi sống trong tâm trạng lo âu, phấp phỏng và luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào để đưa tin lai dắt cụ rùa Hồ Gươm lên chữa bệnh.
“Cô đơn bên… Tháp Rùa!”
Đó là status trên cửa sổ Yahoo Messenger của đội phóng viên được giao nhiệm vụ "trực chiến" chúng tôi.
Bắt đầu bước sang những ngày đầu của tháng 3 nhưng trời lạnh như cắt. Đêm đầu tiên có thông tin lai dắt cụ rùa, chúng tôi đợi đến 22h thì nhận được tin báo đến nửa đêm, khi dân đã vãn sẽ tiến hành đưa đồ ăn vào lồng để 'cụ' tự vào, tránh tổn thương.
Anh em “đội rùa” lấy một quán cà phê trên đường Bảo Khánh làm “bản doanh”, vì từ đây ra hồ rất gần. Một lý do khác, quán này có nhiều ổ điện để có thể đảm bảo nguồn cho máy tính hoạt động 24/24.
Chuẩn bị nơi chữa thương cho cụ rùa. |
Tại đây, chúng tôi kính cẩn thắp hương cầu an, cầu sức khoẻ cho cụ, xin cho cụ qua khỏi đợt ốm nặng đó. Chúng tôi nghiên cứu phương án đặt một máy quay ở đây để có hình ảnh từ góc “độc” nhất, nhưng không thể nên ngậm ngùi trở về.
Ngày 3/3, nhận được thông tin sẽ tiến hành “vây bắt” rùa Hồ Gươm đưa đến nơi chữa trị nên 21h, chúng tôi có mặt tại Hồ Gươm. Tuy nhiên phải đợi đến 2h sáng ngày 4/3, lực lượng làm nhiệm vụ mới làm việc.
Đưa bể chữa thương cho cụ rùa ra chân tháp. |
Tiếp cận "cụ rùa"
Những ngày tiếp theo vẫn là sự chờ đợi. Bất cứ thông tin nào (dù là thông tin vỉa hè), vẫn phải đeo bám và không cho phép rời xa “trận địa ven hồ”.
Chiều 7/3/2011, một lãnh đạo khẳng định 'chưa “vây bắt cụ rùa” thời điểm này'. Nhưng đến 5h sáng 8/3, chuông điện thoại đổ báo tin: "Sáng nay “vây bắt” rùa”.
Chúng tôi lên đường rất nhanh. Hồ Gươm tờ mờ sáng mới lác đác những người dân phố cổ đi tập thể dục. Một chiếc xe bán tải chở những bó lưới xuất hiện. Vậy là chính xác.
5h30 sáng. Công nhân tiến hành tháo lưới. 7h30, hai chiếc thuyền chở lưới xuất phát khi có tín hiệu phát ra từ bộ đàm: “Phát hiện tăm cụ rùa ở khu vực gần chân tháp, mạn đường Lê Thái Tổ…”. Tim chúng tôi loạn nhịp. Hồi hộp. Vội vã, khẩn trương. Mắt không rời mặt hồ.
"Đội rùa" chúng tôi được tường thuật trực tiếp tại hiện trường, có video chuyển thẳng cho bạn đọc xem nên càng cần tìm vị trí tốt để thực hiện.
Phân công nhiệm vụ xong, mấy anh em tìm chỗ đứng. Trở ngại đầu tiên là lực lượng bảo vệ đòi thẻ nhà báo mới cho qua hàng rào an ninh. Trong đám phóng viên có người chưa có thẻ vì chưa đủ thời gian công tác. Vậy là phải thuyết phục, nhờ vả, thậm chí còn viện đến cả nước mắt mới được vào.
8h sáng, lực lượng công binh xuất hiện. Lúc này, người dân có mặt quanh hồ ồ lên, xô đổ hàng rào để mong nhìn cho rõ. Phóng viên các báo chen nhau để có được vị trí đẹp. Lúc này để đứng vững cũng vô cùng khó khăn. Chỉ cần một người xô, cả đám phóng viên gần sẽ bị ngã nhào xuống nước…
|
Rải lưới để lai dắt cụ Rùa. |
Chụp được ảnh, phóng viên phải cố len ra, chạy đến đồn an ninh của BQL Bảo vệ hồ Gươm để gửi ảnh về bằng mọi cách.
Đến 13h, khi cụ rùa đã được lai dắt vào lưới, chúng tôi mới cảm thấy mồ hôi đầm đìa. Dân chúng hò reo phấn kích. Quên đói, quên lạnh, quên mệt, chúng tôi cố gắng để bạn đọc có thể nhìn rõ nhất cảnh tượng này. Thế nhưng, chưa được 1 phút, cụ rùa đã nhẹ nhàng xé lưới đi mất, trước sự hẫng hụt của tất cả mọi người.
Đám đông tiếc nuối. Còn nhóm phóng viên gần như không đứng vững. Lúc này mới nhận ra, đã hơn 8 tiếng làm việc liên tục, chúng tôi không ăn, không uống, không đi... toilet.
Đến ngày 3/4, việc lai dắt cụ rùa thành công để chữa bệnh đã làm những PV theo dõi cũng cảm thấy hạnh phúc. Không phải vì những khó khăn đã dừng ở đây mà vì chúng tôi biết rằng, cụ rùa sẽ được chăm sóc, chữa trị, để cụ sẽ vẫn là biểu tượng, là niềm tin về truyền thống chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Khi 'cụ rùa' mất, tôi bỗng nhớ đến những ngày tác nghiệp này. Nhớ cả những vết thương khi cố thoát lưới, không chịu chữa bệnh của cụ, và bỗng nhớ đến câu thơ:
Theo Kiên Trung - Thu Lý (VietNamNet)