XEM CLIP: Tình huống chó thả rông gây tai nạn cho người đi đường tại Thanh Hóa
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Phượng (31 tuổi, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường tiểu học Hùng Xuyên, Phú Thọ) gặp nạn khi đang trên đường đến lớp. Vụ việc xảy ra vào ngày 7/3, xe máy của cô Phượng bất ngờ va chạm với chó thả rông chạy ngang đường, khiến cô bị chấn thương sọ não nghiêm trọng.
Cô Phượng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để cấp cứu. Kết quả chụp CT-Scan sọ não cho thấy, nạn nhân bị vỡ xương sọ, tụ máu ngoài màng cứng thái dương trái, tụ máu dưới màng cứng bán cầu não phải.
Đến sáng 10/3, cô Phượng tạm thời qua cơn nguy kịch, nhưng phải cắt thuốc an thần và tiếp tục điều trị đặc biệt tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện .
Việc chạy xe máy bất ngờ va chạm với chó thả rông lâu nay đã khiến rất nhiều người trọng thương, thậm chí tử vong.
Cuối tháng 8/2022, tại tỉnh Phú Yên cũng xảy ra vụ TNGT do chó thả rông chạy ngang đường khiến một người tử vong tại chỗ. Theo đó, anh N.A.T. điều khiển xe máy BKS 78G1-XX đến Quốc lộ 1A (đoạn qua khu phố Mỹ Hòa, phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa) thì bất ngờ đâm vào con chó đang chạy trên đường. Cú va chạm mạnh khiến anh T. ngã xuống đường tử xong, phương tiện bị văng ra xa.
Hay như vụ việc xảy ra tại Km65+30 trên Quốc lộ 9 (đoạn qua xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vào ngày 6/5/2019. Thời điểm trên, 3 thanh niên là H.V.Đ., H.V.H. và H.V.P. đi trên xe máy BKS 74H1- 222.XX thì bất ngờ va phải chó chạy rông ngang đường.
Cú va chạm khiến xe máy mất lái, 3 thanh niên bị ngã xuống đường, nạn nhân H.V.Đ thiệt mạng trên đường đến bệnh viện còn 2 người khác bị thương.
Chủ vậy nuôi thả rông gây họa bị xử thế nào?
Liên quan đến tình huống này, việc thả rông chó gây tai nạn cho người tham gia giao thông, chủ sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác, có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và Trưởng công an cấp xã, phường.
Trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì người chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân. Cụ thể, vật nuôi gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác thì chủ phải bồi thường theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự tương đương với giá trị tài sản bị mất, bị hư hỏng và lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản này.
Trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác, chủ vật nuôi phải bồi thường các chi phí như cứu chữa, điều trị, tổn thất về tinh thần, thu nhập bị mất... cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự. Nếu dẫn đến chết người, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và cấp dưỡng cho bị hại theo khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự.
Để hạn chế việc chó thả rông gây tai nạn giao thông, ngoài nâng cao ý thức của chủ vật nuôi, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền và kiểm tra xử lý ngihêm các trường hợp vi phạm.
Theo Đình Hiếu (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/nhung-vu-cho-tha-rong-bay-nguoi-di-duong-gay-tai-nan-nghiem-trong-2119742.html