1. Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
Các giấy tờ này bao gồm giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các giấy tờ cần kiểm tra còn có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ liên quan khác.
Như vậy, khi bị CSGT dừng xe để tuần tra kiểm soát, nếu được yêu cầu xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD thì người tham gia giao thông bắt buộc phải chấp hành.
2. Công an xử lý vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020, lực lượng công an có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong rất nhiều lĩnh vực.
Trong mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính và mẫu biên bản vi phạm hành chính được ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP luôn yêu cầu phải có các thông tin liên quan đến người vi phạm bao gồm: Tên, giới tính, quốc tịch, ngày sinh, nghề nghiệp, nơi ở hiện tại, số định danh cá nhân/CMND/CCCD/hộ chiếu.
Do đó, khi tiến hành lập biên bản vi phạm hoặc ra quyết định xử phạt hành chính, chiến sĩ công an sẽ yêu cầu người vi phạm xuất trình CMND hoặc CCCD. Lúc này, người vi phạm có nghĩa vụ phải chấp hành yêu cầu lực lượng chức năng.
3. Trường hợp Công an kiểm tra cư trú
Theo Điều 25 Thông tư 55/2021/TT-BCA và khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020, công an cấp xã có quyền tiến hành kiểm tra cư trú định kì, định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Khi thực hiện kiểm tra cư trú, công an xã có quyền kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú, thu thập, cập nhật, khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.
Lúc này, từng cá nhân, thành viên hộ gia đình bị kiểm tra cư trú phải xuất trình giấy tờ tùy thân là CMND hoặc thẻ CCCD còn hạn kèm sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
4. Kiểm tra giấy tờ, tang vật đối với người phạm tội quả tang
Khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008 đã quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Công an xã như sau:
Như vậy, khi bắt được cá nhân vi phạm pháp luật quả tang, lực lượng công an xã hoàn toàn có quyền kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người đó. Lúc này cá nhân vi phạm pháp luật phải có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của công an xã là xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD.
Phải mang theo CMND, CCCD và CCCD gắn chip khi đi lại, giao dịch
Theo quy định tại Điểm 3 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA: Công dân được sử dụng CMND, CCCCD và CCCD gắn chip của mình làm giấy tờ tùy thân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch. Mọi công dân phải có trách nhiệm mang theo và xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Do đó, công dân được sử dụng CMND, CCCD và CCCD gắn chip của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch. Đồng thời có nghĩa vụ xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, trường hợp không xuất trình được CMND/CCCD khi có yêu cầu kiểm tra sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Có phải không mang CMND/CCCD ra đường sẽ bị “bắt”?
Một số trường hợp không xuất trình được CMND/CCCD khi có yêu cầu kiểm tra đã bị giữ lại, điều này khiến không ít người cho rằng không mang CMND/CCCD sẽ bị “bắt” - tạm giữ hành chính. Tuy nhiên đây là nhận định hoàn toàn không chính xác.
Chỉ có 05 trường hợp sau đây bị tạm giữ hành chính theo Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP, cụ thể:
- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Như vậy, ngoài các trường hợp nêu trên, người không mang CMND/CCCD sẽ không bị tạm giữ hành chính mà công an chỉ mời về để xác minh nhân thân.
Mang theo CMND, CCCD và CCCD gắn chip nhưng bị hỏng, rách, hết hạn thì sẽ bị phạt
Căn cứ theo Điều 21, 23 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, người sử dụng CMND, CCCD phải đi đổi sang CCCD gắn chip mới nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi đối với người sử dụng CCCD.
- CMND hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp (hướng dẫn bởi Mục 2 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA).
- CMND/CCCD bị hư hỏng không sử dụng được.
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng.
- Xác định lại giới tính, quê quán.
- Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD/CMND.
- Bị mất thẻ CCCD/CMND.
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Người sử dụng CMND, CCCD thuộc một trong các trường hợp trên đều sẽ phải làm lại thẻ CCCD gắn chip mới để sử dụng. Nếu không đổi có thể sẽ bị phạt vì lý do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, mức phạt áp dụng với các vi phạm trên là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
PN (Nguoiduatin.vn)