Những trường hợp nào học sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng?

01/10/2020 07:27:27

Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học và hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định được ban hành nhằm thu hút những sinh viên giỏi, thực sự tâm huyết làm việc và cống hiến trong ngành giáo dục, đồng thời giúp sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, đảm bảo cấp đúng đối tượng và mục tiêu hỗ trợ đào tạo sư phạm.

Nghị định áp dụng đối với sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi (gọi tắt là sinh viên sư phạm).

Theo đó, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Cụ thể, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học và hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Những trường hợp nào học sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng?
Sinh viên học sư phạm sẽ nhận được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Ảnh minh họa: Q.A

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Với mức hỗ trợ này, sinh viên sư phạm sẽ yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên trong suốt cả quá trình đào tạo.

Nghị định hướng dẫn chi tiết về các trường hợp sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn kinh phí và sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí. Đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm: Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; 

Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định; Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, những ưu đãi mà sinh viên sư phạm nhận được trong quá trình học tập cũng là một phần tăng sức hút vào ngành sư phạm, đặc biệt là những sinh viên giỏi. Tuy nhiên, để tạo sức hút, nâng cao chất lượng đào tạo, chuyện không chỉ riêng của ngành giáo dục, mà của nhiều ngành khác nữa trong việc đầu tư hiện đại hóa các trường sư phạm thì có chính sách tăng lương, đãi ngộ với các giáo viên...

"Trước đây, ngành sư phạm rất có giá, thu hút được nhiều sinh viên giỏi theo học. Tuy nhiên, những năm gần đây cho thấy sức hút đã giảm mạnh vì nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến hiện trạng sinh viên ra trường đối diện với không tìm được việc làm, mức lương thấp. Vì thế, nhiều sinh viên có học lực giỏi luôn chọn vào các trường quân đội, công an, các ngành dễ xin việc, lương cao. Do đó, ngoài ưu đãi về học phí, sinh hoạt phí, các sinh viên sư phạm khi ra trường có năng lực phải được bố trí công việc, đảm bảo về thu nhập để các nhà giáo yên tâm với nghề, không phải làm thêm, dạy thêm" - GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm. 

Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)