Trong quan niệm của đồng bào Mông ở miền Tây Nghệ An, lứa tuổi 13 – 14 tuổi được xem là tuổi “đẹp” nhất để lập gia đình. Con gái từ 16 – 18 tuổi nếu chưa có con trai đến “dạm ngõ” thì đã có thể xem là ế. Cũng chính bởi quan niệm ấy nên nhiều học sinh đang học cấp II, thậm chí có những em chỉ mới học lớp 6, lớp 7 đã rục rịch lấy chồng.
Nữ sinh Trường Trường PT DTBT THCS Nậm Típ, Kỳ Sơn, Nghệ An tham gia trồng rau tự túc thực phẩm trong quá trình học tại trường. |
Trước Tết, Cử Y Rùa (Trường PT Dân tộc bán trú THCS Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An) không còn đến lớp. Các thầy cô tìm hiểu thì mới biết, Rùa nghỉ học để lấy chồng. Cử Y Rùa là con út trong gia đình có 6 chị em ở bản Ngã Ba (xã Huồi Tụ). Rùa cũng là người “muộn chồng” nhất trong nhà dù ở thời điểm lấy chồng, Rùa mới 15 tuổi. Muộn chồng nhất nhưng Rùa cũng là người may mắn nhất trong gia đình bởi sau khi lấy chồng, em không phải quá vất vả việc nương rẫy như các chị của mình mà được gia đình hai bên giúp đỡ mở cho một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa. Trong khi các bạn đang bận rộn với bài vở thì Rùa đang chờ đứa con đầu chào đời…
Thầy Võ Đình Hào – Phó Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Nậm Típ (Mường Ải, Kỳ Sơn, Nghệ An) kể, năm học vừa qua, có hai học sinh nữ ở bản Pủng nghỉ học. Các em được bố đến trường xin phép nghỉ học, lãnh đạo nhà trường hỏi nguyên do mới biết, các em nghỉ học để lấy chồng. Dù khuyên ngăn hết lời, động viên lẫn thuyết phục, nài nỉ nhưng các thầy cô cũng không thể giữ chân được học sinh. “Bố mẹ cũng bảo đi học lấy thêm cái chữ nhưng nó không chịu. Nó thích lấy chồng thì phải để cho nó lấy thôi”, phụ huynh nói với ban giám hiệu nhà trường.
15 năm bám trụ với các ngôi trường vùng biên, thầy Hào không thể quên được câu chuyện khi thầy đang công tác tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn). “Đợt đó cũng sau Tết, không thấy em Vừ Y T. (lớp 6) tới trường, hỏi các bạn cũng không ai biết nên tôi xuống bản, vào nhà em để tìm hiểu. Đến nhà mới biết, em T. đã lấy chồng, nhà chồng không cho đi học nữa. Ít tháng sau, tôi tình cờ gặp Vừ Y T., sau lưng em là một chiếc bế (gùi mang hàng hóa), cái bụng lùm lùm, tôi hiểu, con đường trở lại trường của T. đã khép lại”, thầy Hào lắc đầu buồn bã khi học trò của mình trở thành thiếu phụ khi mới bước sang tuổi… 13!
Lấy chồng khi 15 tuổi, Và Y Hủa khi đó đang là học sinh lớp 9 Trường PT DTBT Na Ngoi, Kỳ Sơn. Làm mẹ quá sớm, thiếu kiến thức sống nên Hủa không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con, dẫn tới con bị nhiễm trùng uốn ván, phải đi cấp cứu ở bệnh viện. |
Theo thống kê, mỗi một năm Trường THPT Kỳ Sơn có từ 80 – 100 học sinh bỏ học. Riêng từ đầu năm học đến nay, đã có khoảng 20 trường hợp và nhiều em trong số đó bỏ học để lấy chồng. Một số em dù lấy chồng nhưng vẫn được gia đình tạo điều kiện cho đi học lại, tuy nhiên số này không nhiều. Có trường hợp đi học lại được một thời gian ngắn thì nghỉ học do mang thai hoặc điều kiện gia đình không thể tiếp tục tới trường.
... Đến bị “trộm” làm vợ
Nếu như các nữ sinh người Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn nghỉ học lấy chồng bởi quan niệm của sắc tộc mình thì không hiếm trường hợp nữ sinh người Thái ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị “trộm vợ”. Và khi đã bị “trộm vợ”, con đường học hành của các em cũng chấm dứt bởi gánh nặng lo toan cho gia đình.
Đưa cho tôi xem công văn gửi lãnh đạo huyện và lãnh đạo các xã, thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 (Quỳ Hợp) xót xa nói: “Năm học 2015-2016 có các em Lương Thị Ly, Hà Thị Nam đều sinh năm 1999, học lớp 10C4, nghỉ học. Tiếp đó là hai em Lô Thị Vui lớp 11A4, Sầm Thị Tươi lớp 12C4. Năm 2016-2017 có thêm ba nữ sinh nữa là em Lô Thị Xuân Vui (SN 2000), Lô Thị Tuyến (SN 1999) và Hà Thị Dịu (SN 1999) bị "trộm" về làm vợ. Trong số 3 em này chỉ có em Lô Thị Tuyến hiện vẫn đang đi học".
Trường THPT Quỳ Hợp3, nơi mỗi năm có 3-4 nữ sinh nghỉ học lấy chồng. |
Đầu năm 2017 này, em Lương Thị Quý (trú bản Piêng Tăng, xã Châu Thành, Quỳ Hợp), học sinh lớp 10C1 Trường THPT Quỳ Hợp 3 cũng nghỉ học. Tìm đến nhà Quý, bà Lô Thị Hồng - mẹ Quý cho biết, em đã lấy chồng, chồng em là người ngoài Bắc. Sau khi theo chồng về quê thì Quý cũng nghỉ học luôn.
“Trộm vợ” vốn được xem là mỹ tục của người Thái ở Quỳ Hợp. Việc “trộm vợ” được thực hiện khi hai bên nam nữ có tình cảm với nhau. Các nữ sinh được nhắc tới ở trên cũng bị “trộm” sau khi nảy sinh tình cảm với người đi trộm vợ. Tuy nhiên, vào thời điểm bị “trộm”, các em đang là học sinh, chưa đến tuổi kết hôn, chưa có nhiều kiến thức về cuộc sống nên khi làm vợ, làm mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều lo toan, gánh nặng cuộc sống…
Khi bị bắt về nhà trai và làm thủ tục cúng bái rồi thì các nữ sinh này coi như đã có chồng nên thường có tâm lý cam chịu, buông xuôi, không muốn đi học hoặc không được đi học lại.
“Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức, tuyên truyền phổ biến Luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, thành lập các câu lạc bộ hay phân công lực lượng “cắm chốt” ở các khu ký túc xá của các nữ sinh để ngăn chặn hay can thiệp kịp thời các vụ “trộm vợ” nhưng hàng năm, vẫn xảy ra tình trạng nữ sinh nghỉ học lấy chồng. Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi lên các cấp ban ngành về trường hợp các em học sinh của trường bị “trộm” về làm vợ và sẽ nhờ đến pháp luật để xử lý những trường hợp “trộm vợ” khi nữ học sinh chưa đến tuổi kết hôn” - thầy Đạt cho biết thêm.
Theo Hoàng Lam (Dân Trí)