Video: Nhiều đoàn lãnh đạo đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Đến cuối giờ chiều ngày quốc tang đầu tiên 20-3, gần 200 đoàn khách tới viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất.
Ngoài những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, người dân... còn có những người bạn đến tiễn ông, lặng lẽ ghi vào sổ tang những dòng kỷ niệm...
Có những người bạn là học sinh miền Nam bật khóc trước linh cữu người bạn, người anh. Cho tới chiều tối, những đoàn tới viếng vẫn còn xếp hàng dài phía ngoài cổng, chờ được vào viếng vị thủ tướng mà họ yêu mến.
Sinh nhật cuối cùng
"Chỉ mới cách đây 3 tháng", kỷ niệm cuối cùng với ông Sáu Khải được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động ghi lại.
Ông Phiêu nhớ rất rõ từng chi tiết: "Ngày 23-12-2017, anh và tôi cùng tới chơi ở nhà anh Nguyễn Minh Triết. Hai chúng ta rất bất ngờ và rất xúc động, anh Triết và tôi cùng anh đi thăm lại chiến khu Đ, địa đạo Củ Chi, sau đó còn đi canô trên sông Đồng Nai thăm lại một số cơ sở cách mạng, chúng ta cùng xúc động kể lại những năm tháng cùng nhau trong cuộc chiến đấu.
Thật bất ngờ, anh Nguyễn Minh Triết tổ chức mừng sinh nhật tôi và anh (tuy sinh nhật của anh còn hai ngày nữa 25-12-1933, và tôi vào ngày 27-12-1931).
Tuy anh hơi mệt nhưng anh rất vui, hồ hởi, thấy tình bạn, tình đồng chí bên nhau rất nồng ấm. Đây mãi mãi là một kỷ niệm sâu sắc không phai mờ trong tôi và các anh em...".
Những dấu ấn kỹ trị của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải |
Ông Nguyễn Minh Triết, người đã tổ chức buổi sinh nhật cuối cùng ấy, ngồi lặng rất lâu trước cuốn sổ tang mới viết được mấy dòng: "Mới cách nay 3 tháng, anh em mình còn vui sinh nhật tại nhà em. Thế mà nay anh đã ra đi, để lại bao niềm đau nỗi nhớ. Nhớ về anh người lãnh đạo tài năng đức độ, người đồng chí, người anh gần gũi yêu thương...".
Kết thúc lá thư xưng em, ông ghi tên mình giản dị: Sáu Phong.
Vị thủ tướng có tấm lòng nhân hậu
Những câu chuyện về ông Sáu Khải gần gụi, bước ra từ đồng ruộng, hết sức thông cảm với người nghèo còn rất dài.
TS Cao Kiên Cường, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, kể: "Tôi gọi bác Sáu Khải là thầy. Thầy tôi đã dạy tôi từ 20 năm trước: Hãy làm thế nào cho con cháu chúng ta bớt khổ. Tôi tự thấy mình mới chỉ làm được vài việc nhỏ bé. Con đường để thực hiện điều đó còn dài phía trước mặt, mà học trò lại mất thầy rồi...".
"Làm thế nào cho con cháu bớt khổ" là những gì mà ông đã làm cả đời, cả khi đương chức thủ tướng lẫn khi về hưu ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét ông Phan Văn Khải là "nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã cống hiến trọn đời mình, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định nguyên Thủ tướng là nhà lãnh đạo đức độ tài năng, người con ưu tú của quê hương Củ Chi đất thép anh hùng, có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Cũng là một người thuộc thế hệ sau, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thì ghi nhớ mãi trong lòng hình ảnh Thủ tướng có tấm lòng nhân hậu, luôn vì dân vì nước, là một trong những nhà lãnh đạo tài giỏi có tinh thần đổi mới. "Chúng tôi luôn ngưỡng mộ và nhớ về đồng chí Thủ tướng tài ba mà gần gũi".
Những bước đi bền bỉ
Đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc viết trong sổ tang: "Thủ tướng Phan Văn Khải - vị thủ tướng của cải cách thể chế, người chủ trương phát triển khu vực kinh tế tư nhân, người đã trả lại tên cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng xã hội quan trọng này trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước".
Ông Chín Đào (Phan Minh Tánh) không viết vào sổ tang, nhưng sau nén nhang tiễn biệt, những câu chuyện về quãng thời gian đầy khó khăn sau ngày thống nhất với người đồng chí Phan Văn Khải tràn về.
Cùng học lý thuyết về kinh tế kế hoạch ở Liên Xô, đối diện với thực tiễn đầy gian khó thời bao cấp khiến TP.HCM thiếu từng hạt gạo, các ông đã nhận ra những sai lầm. "Nhưng lúc ấy tình thế khó lắm, thấy sai đó mà nói ra có dễ đâu" - ông Chín Đào nhắc lại.
Ông Phan Văn Khải là một trong những người đã không chỉ nói mà còn bắt tay vào sửa sai, dù chức vụ của ông khi đó chỉ là phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM, thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Cùng với những người thủ lĩnh dũng cảm, quyết đoán Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, ông Phan Văn Khải lặng lẽ mà kiên nhẫn đi những bước đầu tiên của đổi mới và bền bỉ đi tiếp trong những chức vụ, nhiệm vụ tiếp sau ngày càng cao của mình. "Quyết liệt làm" là chữ cửa miệng của ông.
Sự đồng lòng của cả Thành ủy, chính quyền TP.HCM lúc ấy đã thuyết phục được trung ương, mở đường cho những chính sách "mở cửa".
Biết lắng nghe và sẵn sàng sửa đổi
"Để trở thành một thủ tướng được đánh giá là thành công đâu có dễ dàng, nhất là với người có tính cách lặng lẽ, bình dân như ông Sáu Khải. Tôi cho rằng một trong những nét nổi bật ở ông là biết lắng nghe và sẵn sàng sửa sai" - ông Sáu Quang (Nguyễn Chơn Trung) kể về người anh - đồng chí của mình.
Ngày ông Phan Văn Khải làm thủ tướng, ông Nguyễn Chơn Trung làm trưởng Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM.
Một ngày kia, khi nhận được nghị định tăng thuế doanh nghiệp trong các khu chế xuất từ 10 lên 30%, các doanh nghiệp xôn xao, rục rịch tính chuyện bỏ đi, ông Nguyễn Chơn Trung tức tốc xin gặp Thủ tướng: "Khi mời các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư làm khu chế xuất, chúng ta đã cam kết giữ thuế 10% trong 50 năm. Nay mới 10 năm mà anh tăng lên 30%, như vậy thì ai đầu tư?".
Không lâu sau đó, nghị định này đã được rút lại.
Lần khác, lại có ban trình lên xin xem lại cơ chế "một cửa" vốn đã được ban hành từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông mang ra hỏi các trí thức, doanh nghiệp. Sau phân tích, ông lại gật đầu: "Cái đó là kéo lùi tiến bộ. Không được".
Sau những câu chuyện về thời ông Khải làm thủ tướng, ông Sáu Quang lặng lẽ đọc thêm một bài thơ ông đã tặng anh chị Sáu những năm ông Sáu Khải xa nhà, công tác tại Hà Nội: "Gần đào mà chẳng quên mai/ Anh đi công tác lâu ngày xa quê/ Nước non nặng một lời thề/ Anh còn đi mãi chưa về với em".
Lần này thì ông Sáu sẽ về với bông mai của ông, với bà Sáu. Về hẳn.
Theo Phạm Vũ - Mai Hoa (Tuổi Trẻ)