“Khi phong tỏa là làm sát sàn sạt”
Sáng 24/8, ông Đinh Tiến Dũng nhận được báo cáo về một số ca dương tính được ngành y tế phát hiện tại hai phường Văn Chương, Văn Miếu thuộc quận Đống Đa. Ngay lập tức, ông xuống địa bàn.
Đến nơi, toàn bộ khu vực và các tuyến phố đã được phong tỏa chặt với các chốt kiểm soát, dây và rào dựng khắp các tuyến phố; công an, bộ đội, dân phòng và các lực lượng khác có mặt khắp nơi. Không khí rất nặng nề.
Ông Dũng cùng vài cán bộ lẳng lặng đi bộ vào các ngõ, xóm để kiểm tra trực tiếp. Khi quay trở ra, ông được báo cáo hàng trăm chiến sỹ công an, quân đội đã được huy động để trực phong tỏa, bên cạnh lực lượng tại chỗ.
Quanh thời điểm đó, mỗi ngày Hà Nội phát hiện hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng, các chùm lây nhiễm đang gia tăng và đe dọa lây lan dù Thủ đô đã thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Cộng với tình hình dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, tâm thức xã hội ở Thủ đô căng như dây đàn.
Nghe báo cáo như vậy, ông Dũng nói: “Các anh chỉ để dân phòng và người dân tự quản lý, còn lực lượng chính quy thì rút về, để lại vài người giám sát, nhắc nhở thôi. Nếu tập trung hàng trăm nhân sự thì làm sao đủ người khi giả dụ có 5 điểm như thế này bùng phát!”.
Nghe chỉ đạo vậy, các lực lượng chính quy rút về. Trong khi đó, chính quyền quận chỉ phong tỏa toàn bộ 2 phường Văn Miếu và Văn Chương với khoảng 20.000 người, rất nhỏ so với tổng số dân 367.000 người trong toàn quận.
Ông Dũng nói với Tuần Việt Nam: “Phương châm của tôi khi phong tỏa là làm sát sàn sạt. Một là khoanh vùng phải thật hẹp, hai là truy vết thật nhanh, ba là xét nghiệm thật rộng. Cách làm đó không biết có đúng không nhưng nhìn chung là hiệu quả”.
Chỉ đạo của Bí thư tại hai phường Văn Chương, Văn Miếu trên thực chất là nhất quán trong công tác phòng chống dịch ở Hà Nội, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát hồi cuối tháng Tư.
Chủng Delta với hệ số lây nhiễm quá cao đã làm xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp, có chùm không rõ nguồn lây, có chùm trong khu dân cư đông đúc, chùm các ca bệnh liên quan tới chợ đầu mối, chợ dân sinh, trong cơ quan/công sở, liên quan tới chuỗi cung ứng.
Từ ngày 27/4 đến 15/9, Hà Nội ghi nhận 4.116 ca, trong đó 1.310 ca ngoài cộng đồng, 1.795 trong khu cách ly, 749 trong khu phong tỏa…
Cô lập dứt điểm từng điểm đỏ
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, một trong những người vất vả nhất trong hệ thống ở Thủ đô, nói: “Từ quan điểm của Bí thư và Thường trực Thành ủy, chúng tôi nhất quán là các chùm ca bệnh đều được xử lý nhanh gọn, thu hẹp phạm vi phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ khu vực ổ dịch không để lan rộng. Tất cả nỗ lực đó nhằm tránh gây áp lực, khó khăn lên đời sống, sinh kế của người dân”.
Bà Hà giải thích, ngành y tế Hà Nội phân vùng nguy cơ tới cấp xã, phường và thậm chí thu hẹp thành các điểm đỏ để phong tỏa. Ví dụ, khu vực Khương Trung là điểm phong tỏa, tại đó người dân phải cách ly nghiêm trong nhà, không được mở cơ sở mua bán, dịch vụ.
Các điểm phong tỏa được giám sát dịch tễ chặt chẽ; 2-3 ngày phải lấy mẫu xét nghiệm và 5-7 ngày lấy mẫu sàng lọc cộng đồng. “Những điểm đỏ nguy cơ rất cao thì được ưu tiên công sức vào đó để xử lý dứt điểm”, bà giải thích.
Dần dần, các điểm đỏ nguy cơ cao được thu hẹp bằng xét nghiệm rộng, còn địa bàn quận Thanh Xuân vẫn mở bình thường.
Các chống dịch này là nhất quán ở tất cả quận, huyện. Trên toàn Thành phố, ngành y tế vẫn thực hiện điều tra truy vết triệt để.
Trong một bản báo cáo gửi Thủ tướng gần đây, Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đưa Thủ đô về nhóm địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, Thành phố đã triển khai thần tốc kế hoạch tiêm chủng và xét nghiệm. Sau 1 tuần thực hiện, đến nay Thành phố chỉ còn 31 vùng nguy cơ cao và rất cao; 591 vùng xanh và các vùng khác; 27/30 quận, huyện, thị xã là vùng xanh và vùng nguy cơ; chỉ còn 3 quận nguy cơ rất cao và nguy cơ.
Cho đến gần đây, Hà Nội chỉ còn 9 chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), Văn Miếu, Văn Chương (Đống Đa); Minh Khai (Hai Bà Trưng), Thanh Liệt (Thanh Trì), chung cư A1-A4-A5 Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Thụy Hương (Chương Mỹ), Liên Phương (Thường Tín). Tuy nhiên, các chùm ca bệnh này cũng đã được kiểm soát tốt và đang thu hẹp dần.
“Thành phố đang xếp ở nhóm nguy cơ theo phân loại của Bộ Y tế nhưng tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, bà Hà nhìn nhận.
Đốm lửa nhỏ khoanh chặt sẽ không có đám cháy lớn
Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc làm việc với lãnh đạo Hà Nội ngày 19/7 đã yêu cầu Thành phố ưu tiên cấp bách cho phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
"Tôi đề nghị ưu tiên số 1 là quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu. Những chỗ nào an toàn trong phòng, chống dịch thì tổ chức sản xuất kinh doanh cho tốt nhưng ưu tiên số 1 vẫn là phòng, chống dịch. Chúng ta quyết tâm bảo vệ bằng được sự an toàn, an ninh cho nhân dân và đặt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong một cuộc gặp khác, ông tỏ ra sốt ruột: “Có một khu phố có F0 thôi mà phong tỏa luôn cả xã, cả phường; có một xã thôi mà phong tỏa luôn cả huyện. Tôi hỏi, phong tỏa để làm gì thì không thấy đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp. Phong tỏa 14 ngày rồi có F0 lang thang trong cộng đồng, lại phong tỏa, rồi lại phong tỏa nữa”.
Rất may, Thủ đô đã không làm theo cách này. Nếu Hà Nội hốt hoảng phong tỏa rộng “lửa nhỏ khoanh to” khi chưa có vắc xin thì an toàn cho nhà quản lý, nhưng sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp muôn trùng khó khăn, sinh kế của dân bị đe dọa.
Hà Nội cũng không ép buộc doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” một cách cực đoan, cơ học. Nhờ đó mà khoảng 5.500 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở 88 khu công nghiệp, cụm công nghiệp không bị đứt gãy sản xuất. Khi phát hiện ca bệnh, các doanh nghiệp tự chịu sàng lọc và hoạt động tiếp.
Kết quả là trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thủ đô tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, một mức tăng khá ấn tượng so với nhiều tỉnh khác.
Tuy nhiên, cái giá phải trả của gần 2 tháng phong tỏa là rất lớn đối với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sinh kế và việc làm của người dân. Nhiều người đã kiệt quệ sau 2 tháng trời đằng đẵng.
Dù sao, thời điểm khó khăn, rủi ro nhất của Hà Nội quanh trung tuần tháng 7, đầu tháng 8 đã qua. Lúc đó, mỗi ngày Hà Nội đón hàng chục chuyến bay từ TP.HCM, địa phương đã bùng dịch, và đón tới 64 ngàn chuyến xe chỉ riêng qua trạm Pháp Vân. Phường Văn Chương, Văn Miếu chỉ nằm trong hàng chục điểm mà Bí thư Hà Nội có mặt, thúc giục, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô.
Thời điểm khó khăn đó qua đi nhưng ảnh hưởng của nó cũng như kinh nghiệm điều hành từ đó là rất lớn đối với lãnh đạo và người dân Hà Nội.
Hà Nội đã mở lại từ ngày 21/9 khi đã phủ gần hết mũi vắc xin thứ nhất cho cư dân nhưng thách thức của dịch bệnh chắc chắn vẫn còn và cần cảnh giác.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói: “Tôi tự đánh giá, điều may mắn là hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền và nhân dân Thủ đô có ý thức và trách nhiệm chống dịch rất tốt. Các đốm lửa nhỏ nhờ đó đã bị cô lập, dập tắt chứ không bị loang ra thành đám cháy”.
Ông Dũng nhìn nhận: “Tuy nhiên, Hà Nội là thủ đô nên giao thương với cả nước trên mọi phương diện như hàng không, đường bộ, đường thủy. Đó là điều rất khó khăn cho chống dịch nhưng Thủ đô quyết tâm không để bùng dịch”.
- Kết quả tiêm chủng: Đến 15/9, các quận, huyện, thị xã đã tiêm 5.424.259 mũi (4.924.015 mũi 1 và 500.244 mũi 2); các bệnh viện Trung ương đã tiêm 986.271 mũi (725.566 mũi 1; 260.705 mũi 2). Số mũi 1 đã tiêm 5.649.581 (4.924.015 + 725.566) tương ứng với 5.649.581 người trên 18 tuổi được tiêm (đạt 93,8%), tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%. Trong thời gian tiếp theo, tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng, đảm bảo bao phủ toàn bộ mũi 1 cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1.- Kết quả xét nghiệm: Từ ngày 8-15/9, Hà Nội đã lấy 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch (kế hoạch lấy 5005.452 mẫu: 3.302.505 mẫu PCR, 1.701.947 mẫu test nhanh). Đã phát hiện 21 ca dương tính.
Theo Tư Giang - Lan Anh (VietNamNet)