Thay thế tội cố ý làm trái…
Được chỉnh sửa năm 2017, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018 với nhiều điểm đáng quan tâm như bỏ một số tội gồm hoạt động phí, kinh doanh trái phép, báo cáo sai trong quản lý kinh tế… Đáng chú ý, BLHS 2015 đã thay thế Điều 165 BLHS năm 1999 - “Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tội danh mới thuộc các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất; đấu thầu, đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất. Ngoài ra, có 7 tội danh được bãi bỏ hình phạt tử hình như cướp tài sản, đầu hàng địch, chống mệnh lệnh…
Người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ
Từ 1/1/2018, nhiều quy định mới về mặt tố tụng được áp dụng khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có hiệu lực. Bộ luật mới có nhiều sửa đổi, bổ sung với một số vấn đề chính như ghi nhận rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội; pháp nhân có quyền được bào chữa; mở rộng chủ thể người bào chữa – người được bào chữa và mở rộng quyền thu thập, đánh giá chứng cứ của người bào chữa… BLTTHS năm 2015 cũng quy định việc bình đẳng về vị trí ngồi giữa người bào chữa và công tố viên tại tòa.
Truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hằng tháng. Ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo.
Đáng chú ý, hành vi gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng BHXH, BHYT... đã bị xử phạt hành chính nhưng vi phạm tiếp sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền từ 200 đến 500 triệu hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Tăng lương tối thiểu vùng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ 1/1/2018 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Cụ thể, mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3,53 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng II; mức 3,09 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV (quy định cũ lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng).
Thu hồi ô tô “hết đát”
Quyết định 16/2015 của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định từ 1/1/2018, ôtô, mô tô và xe gắn máy “hết đát” sẽ được thu hồi, xử lý. Quy định áp dụng với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng ôtô, trừ ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô chuyên dùng.
Nhà sản xuất có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do đã bán ra thị trường Việt Nam và thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ và tổ chức xử lý theo quy định về quản lý chất thải... Người sử dụng có thể tự chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi…
Thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92
Theo quyết dịnh của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2018, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo ghi nhận, đến cuối tháng 12/2017, tại các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội..., việc chuyển đổi đã sẵn sàng. Xăng E5 đã hoàn toàn thay thế xăng khoáng RON 92 và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.
Siết định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho các sản phẩm giấy
Theo Thông tư số 24/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, từ ngày 10/1/2018 sẽ áp dụng quy định định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất giấy giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 đối với các sản phẩm: Giấy bao bì: được sản xuất từ nguyên liệu là giấy tái chế; Giấy Tissue (giấy vệ sinh các loại): được sản xuất từ nguyên liệu là bột giấy nguyên thủy, giấy tái chế; Giấy in, giấy viết và giấy phô-tô copy: được sản xuất từ nguyên liệu bột giấy nguyên thủy, giấy tái chế không khử mực hoặc sản xuất theo quy trình tích hợp từ nguyên liệu gỗ.
Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động bằng 60% mệnh giá
Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.
Người ngồi ghế sau của ô tô bắt buộc thắt dây an toàn
Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1/1/2018, người ngồi ghế sau trên ô tô có trang bị dây đai an toàn mà không sử dụng cũng bị phạt tiền. Mức phạt áp dụng cho cả người điều khiển và người ngồi tại vị trí có dây bảo hiểm mà không thắt là từ 100.000 - 200.000 đồng/người.
Vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có thể bị phạt 1 tỷ đồng
Có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Công trình vốn nhà nước phải sử dụng gạch không nung
Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng và có hiệu lực từ ngày 1/2/2018. Trong đó nêu rõ quy định những công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung. Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: Thành phố Hà Nội và TPHCM sử dụng 100%; các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Từ 1/1/2018, nhiều luật mới bắt đầu có hiệu lực gồm Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch.
Theo Xuân Ân (Tiền Phong)