Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa

04/05/2019 07:13:06

Cơn bão ma túy quét qua, "cướp đi" của nơi đây sự êm đềm, tươi vui, cướp đi những người đàn ông, đạp đổ, xéo nát những cảnh ấm êm, để lại đây những đói nghèo, cô như và góa phụ.

Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi từ 15/4 đến 19/4 vừa qua, trên địa bàn Nghệ An, lực lượng chức năng đã phá được 2 vụ án lớn về ma túy với tổng số lượng lên đến hơn một tấn các loại ma túy khác nhau, gây chấn động cả nước. 

Lượng ma túy lớn này được vận chuyển từ Lào về Việt Nam rồi có thể được tiêu thụ trong nước hoặc chuyển sang một nước thứ 3, số lượng khổng lồ đó đã nói lên phần nào tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy ở địa phương này. 

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa
Toàn cảnh bản Xốp Mạt, thủ phủ ma túy một thời của Nghệ An.

Ngược QL7 về vùng biên giới Việt - Lào miền tây xứ Nghệ, ẩn sau vẻ đẹp tươi xanh mướt của núi rừng, ma túy đang len lỏi vào sâu những ngóc ngách, tàn phá những bản làng yên bình nhất. Ở đây có những "bản không chồng", những "bản mồ côi" vì hệ lụy của cơn "bão trắng" ma túy quét qua, những đàn ông trai tráng theo nhau dính vào nghiện ngập, tù tội rồi bỏ lại toàn đàn bà và trẻ nhỏ.

Thủ phủ ma túy một thời

Bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) nằm cạnh dòng Nậm Nơn hiểm trở, tựa vào dãy Pù Lôm hùng vĩ và nép mình dưới tán rừng già, có đường tiểu ngạch đi biên giới, lại có đường độc đạo nối ra QL7 về xuôi. Cảnh vật nên thơ là vậy nhưng cũng vì sự "thiên thời địa lợi" đó mà nơi đây đã từng là thủ phủ ma túy đầu tiên của cả một vùng. Các "ông trùm" đưa ma túy từ Lào về, biến nơi đây thành chợ, vừa bán ma túy cho người trong vùng, vừa xé lẻ để phân tán ra khắp nơi trong cả nước.

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 1
Con đường vào bản nằm bên dòng Nậm Nơn hiểm trở, dựa vào dãy Pù Lôm hùng vĩ.

Người bên ngoài vào bản phải đi hơn 10km đường độc đạo, vì thế nên mỗi lần thấy công an có động tĩnh thì các băng đảng tội phạm đã có đủ thời gian để tẩu tán mất dạng. Cũng vì sự khó khăn đó, ma túy đã tồn tại gần như công khai và tàn phá nơi đây trong suốt một thời gian dài, hệ lụy để lại không hề nhỏ. 

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 2
Ở đây còn rất nhiều ngôi nhà tạm bợ.

Ông Vi Văn Phúc, chủ tịch xã Lượng Minh cho biết, cao điểm những năm 2008, cả xã có trên 250 người nghiện được xác định, số người chết, số người nhiễm HIV và số người bị bắt liên quan đến ma túy tăng lên từng ngày. Nhiều gia đình cả mấy thế hệ đều bị bắt hoặc chết vì ma túy, nhiều đứa trẻ trở nên bơ vơ nheo nhóc không nhà. 

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 3
Dân bản có hơn 20 người đi làm công nhân, còn lại chủ yếu kiếm sống bằng nghề nuôi gia súc, thế nhưng số lượng gia súc chia bình quân không đủ 1 con/ 1 người.

"Xốp Mạt là điểm nóng, mặc dù đã xóa bỏ được ma túy nhưng tiếng tăm có đến tận bây giờ. Các con nghiện vùng khác vẫn còn lui tới đây. Cả xã hiện tại có trên 120 người nghiện, đã xác định 12 điểm bán lẻ ma túy, tuy nhiên rất khó truy bắt.

Ngày trước bản Xốp Mạt ở bên kia cầu treo, rất khó tiếp cận, vì thế mà các trùm ma túy có đất lộng hành. Để "cách ly" dân bản với ma túy, chính quyền địa phương đã quyết định chuyển toàn bộ bản Xốp Mạt từ bên kia cầu sang bên này cầu, vừa gần với chính quyền, lại xa con đường lên đỉnh Pù Lôm. Nhiều lần dân bản có đề đạt muốn quay về vị trí cũ, những xét nếu quay về thì tình trạng nghiện ngập lại có nguy cơ tái diễn nên xã nhất quyết không cho", ông Phúc nói.

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 4
Người đàn ông này mới thụ án ma túy 14 năm trở về, căn nhà gần như khó có khả năng che mưa nắng.

Trưởng bản Xốp Mạt Lô Văn Phê cho biết, hiện bản chỉ có 44 hộ nhưng đang có 13 người phải chấp hành án phạt tù. Có nhiều người vì liên quan ma túy mà đã chết, tan cửa nát nhà. Ngay sát nhà vị trưởng bản này đã có 4 người chết vì ma túy, để lại ba đứa trẻ không còn cha mẹ.

Khó khăn của bản là rất thiếu việc làm, khó có khả năng cải thiện đời sống của cư dân. Toàn bản hiện đang có hơn 20 thanh niên đi làm công nhân bên ngoài, tuy nhiên công việc không ổn định, đi về thường xuyên. Dân bản chủ yếu là chăn nuôi gia súc gồm lợn, dê, bò nhưng chia bình quân mỗi người chưa nổi một con, thu nhập không thể cao lên được.

Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 5
Những người phụ nữ ở đây thường có nét mặt đăm chiêu trong khi những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa.

Dạo một vòng quanh bản, trừ những công trình phúc lợi được nhà nước xây dựng hoặc được các tổ chức tài trợ, hầu hết các căn nhà đều trông nghèo nàn, lụp xụp. Theo thống kê thì hiện bản chỉ có 44 hộ nhưng có đến 26 hộ nghèo, có thời điểm, cả bản chỉ có một hộ thoát nghèo. 

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 6
Những căn nhà không có gì đáng giá.

Ở đây, người ta ít gặp cảnh đàn ông đi lại, tụ tập hay làm việc, phần thì nghiện nên đã chết, phần thì đang bị tù, phần nữa thì đã đi làm ăn xa. Cảnh phổ biến là những phụ nữ địu con, những bà già ắm cháu, những đứa trẻ nô đùa.

Ghé vào hỏi chuyện một nhóm phụ nữ đang ngồi cùng nhau, chưa kịp nói gì thì một người đã nhanh nhảu trả lời "đừng chụp ảnh rồi lại nói chúng tôi là bản không chồng nữa nhé". Cái danh không mấy hay đó đã gắn với họ bao nhiêu năm nay, họ quen, nhưng không hề muốn nghe lại.

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 7
Bố mẹ đã mất vì ma túy, đứa trẻ đang ở cùng bà ngoại.

Những người phụ nữ này vẫn chưa thể hiểu tại sao đàn ông trong bản lại đua nhau nghiện, rồi tụ tội, chết chóc, để lại họ cô quả với đói nghèo. Có những người phụ nữ, mất chồng vì ma túy, không có kế sinh nhai nên lại nhắm mắt đưa chân rồi chính mình cũng dính án. Kệt cục, đến khi quay về, nền nhà cũ chẳng còn, con cái ly tán cũng chẳng biết đã đi đâu, về đâu, phận đời nghiệt ngã, đen bạc.

Cũng là một nạn nhân của ma túy khi con dâu vướng vòng lao lý, bà Lương Thị Hồng đã phải mang 2 đứa cháu về nuôi. Không chỉ riêng cháu ruột mình, bà còn nhận nuôi thêm hai đứa trẻ mồ côi không máu mủ khác, tất cả cũng là nạn nhân của ma túy.

Nhắc đến hành động của mình, bà chỉ cười, không muốn chia sẻ. "Chúng nó khổ quá, ruột ra hay không, chỉ cần nuôi được thì mình nuôi, thương lắm, chúng nó có tội tình gì, không biết rồi sau này sẽ ra sao nữa", bà Hồng cảm thán.

Những người phụ nữ ở thủ phủ ma túy một thời: Đừng gọi chúng tôi là bản không chồng nữa - 8
Bà Hồng đang cưu mang 4 đứa trẻ mồ côi trong đó có hai đứa vốn chẳng phải máu mủ ruột rà, tất cả đều là nạn nhân của ma túy.

Bão ma túy đã qua khi không còn ghi nhận trường hợp nghiện mới ở Xốp Mạt, thế nhưng hệ lụy nó để lại thì không biết bao giờ mới dứt. Hình ảnh cô vợ trẻ địu con trên lưng, mắt nhìn xa xăm chờ chồng, những đứa trẻ ngây thơ nheo nhóc bên những khoảng sân đất đỏ. Bản vẫn hoang vu giữa vùng biên nghèo khó.

Theo Bá Cường (Trí Thức Trẻ)