Trong những ngày qua, hơn 10 gia đình tại Nghệ An và Hã Tĩnh đã làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng về việc người thân của họ mất tích tại Anh sau khi vụ việc 39 thi thể trong xe container.
Một số gia đình gần như tuyệt vọng, họ đã lập bàn thờ cho những người con xấu số của mình khi giấc mơ kiếm một cuộc sống tốt hơn vẫn chưa thực hiện được thì có thể bỏ mạng nơi xứ người. Và với những người ở lại, có thể họ sẽ trở thành những "con nợ" với số tiền quá lớn.
Bỏ ra tiền tỷ để được đi nước ngoài
Những gia đình có người thân mất tích tại Anh ở thời điểm hiện tại cho biết, để có thể đi Anh họ đã phải bỏ ra chi phí rất lớn, gần như vay mượn, cầm cố hết những gì có thể để có đủ tiền cho một suất đi "trời Âu".
Hình ảnh người vợ đầu tóc rối bời ôm đưa con 3 tháng tuổi ngồi khóc bên di ảnh chống khiến không ít người xót xa. Đó là trường hợp của gia đình ông Lê Minh T. có con trai là anh Lê Văn H. (28 tuổi), nghi ngờ là một trong số 39 nạn nhân trên chiếc xe container được phát hiện ở Anh.
Theo bố anh H. cho biết, hơn 3 tháng trước, anh H. quyết định rời nhà vào TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị sang châu Âu tìm kiếm việc làm, hi vọng cuộc sống sẽ bớt khó khăn.
Để xuất ngoại, gia đình anh H. đã phải cắm 2 sổ đỏ, vay mượn khắp nơi mới có đủ chi phí cho chuyến đi sang châu Âu của anh.
Hành trình đi trời Âu của anh H. sau khi xuất phát từ sân bay Tân Sân Nhất qua nhiều quốc gia như Malaysia rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp rồi đến Pháp, gia đình anh đã phải trả 22.000 USD cho người môi giới. Đi đến quốc gia nào, anh cũng đều cố gắng liên lạc về cho gia đình.
Sau khi sang đến Pháp, anh H. tiếp tục bỏ thêm 11.000 bảng Anh để nhờ người đưa qua nước Anh. Nhưng sau khi đến Pháp để chuẩn bị qua Anh, gia đình mất liên lạc với anh cho đến khi nhận được hung tin về chiếc xe chở 39 thi thể được phát hiện.
Cũng tương tự như gia đình ông T., gia đình ông Phạm Văn Th. (bố của Ph.Th.Tr.M., 26 tuổi, trú tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) cho biết, để T.M. có thể đi sang Anh, gia đình ông phải thanh toán tổng chi phí là hơn 950 triệu đồng, số tiền này sẽ được nộp làm 2 đợt.
Đầu tiên gia đình sẽ phải nộp 22.000 USD cho người đưa đi, sau đó nếu sang đến nơi sẽ có người đến nhà gọi điện thoại cho hai bên gặp mặt để đóng thêm số tiền còn lại.
Những tưởng sắp nhận được điện thoại báo bình an của con gái, gia đình ông lại nhận được những dòng tin nhắn đầy xót xa: "Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Con chết vì không thở được".
Vợ ông Thìn nói trong nước mắt: "Trà My thương bố mẹ, khi nào cũng mong muốn bố mẹ đỡ khổ nên đã đi làm khắp nơi. Sau khi đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản về, Trà My muốn sang Anh học nghề làm nails nên gia đình đồng ý".
Trong số những người mất tích ở Anh trùng với thời điểm phát hiện chiếc xe container chưa 39 thi thể, xót xa nhất có lẽ là gia đình ông Nguyễn Đình G. (trú tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) có trai là Nguyễn Đình L. (20 tuổi) hiện cũng đang mất tích ở Anh.
L. sinh năm 1999, năm nay mới 20 tuổi nhưng từ năm 18, L. đã phải xa gia đình, làm việc ở xứ người để giúp đỡ gia đình. Sau thời gian làm việc tại Trung Quốc, L. xin bố mẹ vay hơn 450 triệu đồng để qua Pháp làm việc. Nhưng phải mất gần 5 tháng (tới tháng 4/2018), L. mới có thể đặt chân lên đất Pháp với mong muốn gia đình có cuộc sống tốt hơn. Ở Pháp, L. thông báo với gia đình làm tại một nhà hàng ăn uống, nhưng thu nhập cũng không cao, L. quyết định sang Anh làm việc cùng bạn bè.
Giữa tháng 10/2019, L. gọi điện về thông báo cho gia đình sẽ đi qua Anh làm việc. Chi phí cho chuyến đi là hơn 300 triệu từ Pháp qua Anh. Ngày 21/10, L gọi điện thông báo đang ở chỗ bạn tại Paris (Pháp) và chuẩn bị qua Anh bằng ô tô. Sau cuộc điện thoại đó, gia đình không còn liên lạc được với L.
Đó mới chỉ là một vài gia đình trong số những gia đình làm đơn trình báo cơ quan chức năng về việc người thân mình đang mất tích ở Anh. Những gia đình còn lại không ai chắc rằng họ không phải cắm hết nhà cửa, vay mượn khắp nơi chỉ để có một suất đi "đổi đời".
Chờ đợi trong mỏi mòn và nỗi lo nợ nần
Giờ đây, khi mọi thông tin về những nạn nhân còn chưa được công bố, những gia đình ở Việt Nam có người thân mất tích ở Anh chỉ có thể chờ đợi. Nhưng trong sâu thẳm trong lòng họ dường như đã buông tay, chấp nhận hiện thực rằng người thân của họ đã không còn. Những di ảnh, bàn thờ lần lượt được dựng lên. Họ đau xót nhưng bất lực, bởi tất cả những vốn liếng họ có, tất cả đều đã đổ dồn cho ước mơ đổi đời bên kia lục địa.
“Nếu như điều tồi tệ nhất xảy ra, thì tôi cũng chỉ còn cách nhờ cậy nhà nước giúp đỡ để đưa con về chứ gia đình bấy giờ đã không còn biết xoay đâu ra” - ông T. chua xót nói.
Cũng giống như gia đình ông T., toàn bộ số tiền lo cho chuyến đi của T.M., ông Th. cũng phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cắm cả sổ đỏ.
“Nếu cháu là một trong số các nạn nhân tôi hy vọng rằng các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để gia đình có thể đưa cháu về trong thời gian sớm nhất”, ông Th. nghẹn ngào.
Gia đình của N.Đ.L. (20 tuổi), cũng đã lập di ảnh cho em.
Nhưng có một điều đáng nói trong vụ việc lần này, tất cả các gia đình có người mất tích ở Anh mặc dù đã trình báo lên cơ quan chức năng những thông tin về người thân mất tích nhưng họ đều không biết "nguồn" dẫn con em mình đi qua Anh là ai, đưa tiền cho ai, ở đâu. Có một vài thông tin nhưng tất cả vẫn chưa được cơ quan chức năng xác minh.
Về phía cơ quan chức năng cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan chức năng. Đối với một số đơn trình báo người dân gửi đến chính quyền địa phương về việc mất liên lạc với người thân, hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ.
Hiện chính quyền, công an hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng Bộ Ngoại giao đang khẩn trương xác minh làm rõ thông tin liên quan.
Theo Hạ Vũ (Helino)