Những "manh mối" ban đầu của vụ trao nhầm con 42 năm trước

10/03/2016 00:31:33

Từ khi gia đình đưa thông tin lên truyền thông, đã có người “giấu tên” cung cấp số CMND cũng như địa chỉ 3 người phụ nữ ở quận Ba Đình sinh cùng ngày chị Trang.

Từ khi gia đình đưa thông tin lên truyền thông, đã có người “giấu tên” cung cấp số CMND cũng như địa chỉ 3 người phụ nữ ở quận Ba Đình sinh cùng ngày chị Trang.

Những ngày này, câu chuyện về người phụ nữ bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà Hộ sinh quận Ba Đình đang gây nhiều sự chú ý của dư luận. Bởi tất cả đều đang chờ vào một phép màu để rồi giấc mơ “Như chưa hề có cuộc chia ly” sẽ thành hiện thực.
 
Clip: Nỗi niềm và những lo lắng của người mẹ có con bị trao nhầm
 
9h sáng ngày 9/3, khi chúng tôi tìm tới ngôi nhà tại Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), nơi chị Tạ Thị Thu Trang (SN 10/10/1974) – người con trong câu chuyện “trao nhầm”, cùng chồng đang tất bật cho việc bán đồ ăn sáng.

Giấu nỗi buồn, chị Trang vẫn tất bật với công việc "kiếm cơm" của gia đình


Và, lúc kể lại câu chuyện của buổi chiều định mệnh đúng sinh nhật lần thứ 41 của mình, khi được mẹ nói cho biết sự thật về “huyết thống” giữa chị và gia đình, chị đã khóc rất nhiều.

Vốn là người mạnh mẽ, “đanh đá” nhất nhà, nhưng chị vẫn bị sốc.

Chị nhớ lại: “Mẹ (bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – PV) đã ôm lấy tôi mà khóc. Rồi mẹ bảo tôi rằng: “Con biết không con không phải con của mẹ, mẹ không đùa đâu, đó là sự thật. Con cứ bình tĩnh để mẹ nói. Con không có lỗi và mẹ cũng không có lỗi, đây là duyên trời. Mẹ nói cho con biết vì giờ mẹ già rồi, mai kia mẹ có chết mẹ không ân hận.

Lúc nào trong lòng mẹ cũng canh cánh. Mẹ có lỗi với 2 gia đình là gia đình bố mẹ đẻ của con và gia đình bên nhà chồng của mẹ.

Mọi người nghĩ mẹ để thất lạc người thân của họ. Còn bên gia đình của con sẽ nghĩ mẹ để con lưu lạc thế này mà họ không hề biết được...”, nói tới đây, chị lại khóc.

Mỗi lần kể lại câu chuyện cuộc đời mình, chị Trang lại khóc

Lấy lại bình tĩnh, chị Trang chia sẻ tiếp với chúng tôi. Chị bảo, từ ngày chị biết nhận thức mọi thứ xung quanh mình, chị đã được bố mẹ và các anh chị em yêu thương hết mực. Tình yêu ấy chị không hề chê trách gì, dù có lúc chị cũng nghe phong thanh tin chị bị “trao nhầm”, hay diện mạo “1 mình 1 kiểu” của chị trong gia đình có 4 anh chị em.

Nhưng chính tình yêu thương mà gia đình dành cho mình nên chị để ngoài tai những thông tin ấy.

Chị cùng chị gái lục tìm lại giấy tờ

“Tôi sợ đối diện sự thật. Tôi luôn tự dối lòng mình rằng, những gì mẹ nói là không phải dù tôi biết cuối cùng sự thật vẫn là sự thật”, đó là tâm sự của người phụ nữ bị thất lạc gia đình hơn 40 năm qua.

Và niềm mong mỏi duy nhất của chị lúc này là: “Tôi mong qua truyền thông, người con gái cùng ngày sinh với tôi nhưng cùng huyết thống với mẹ tôi khi đọc những tâm sự này sẽ tìm được về cội nguồn.

Còn người sinh thành ra tôi cũng như họ hàng sẽ tới gặp tôi. Dù họ là ai tôi cũng muốn sớm được gặp họ, gặp lại những người thân yêu ruột thịt của mình. Họ không có lỗi và có lẽ họ cũng không biết con của mình đang bị lưu lạc”.

Chị Trang (hàng đứng, thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình khi còn trẻ

Cũng theo tiết lộ của gia đình, bà Mai Hạnh đã từng 2 lần đi thử ADN và biết được chính xác chị Trang không phải là con của mình. Đồng thời, bà cũng âm thầm gửi đơn lên các cơ quan chức năng để mong tìm được vận may. Câu chuyện và tâm sự ấy được bà giãi bày như sau:

“Ngày 10/10/1974, tôi sinh 01 cháu gái ở nhà Hộ sinh Ba Đình (Hà Nội) địa chỉ ngõ Phan Huy Ích, Ba Đình (nay là nhà Hộ sinh 12 Lê Trực, Ba Đình). Các cháu sau khi sinh được đánh cùng số vào chân mẹ và con.

Tôi được đánh số 33 nhưng lần đầu tiên khi nhận con cho bú, tôi phát hiện chân con tôi lại là số 32. Tôi thắc mắc cháu số 32 không phải là con tôi, các chị hộ lý bế cháu số 32 đi tìm nhưng không có cháu nào số 33.
 
Hộ lý trả lời do tắm số bị mờ đi và khẳng định cháu số 32 là con tôi và không tìm nữa.

Trong linh cảm tôi thấy cháu không phải là con tôi, có lẽ do những người đẻ trước tôi đã nhận nhầm hoặc cố tình tráo đổi con tôi. Lúc đó họ đã ra viện. Do nhà Hộ sinh không lưu ý và quản lý chặt chẽ nên mới không tìm thấy số 33. Lúc đó tôi mới ngoài 20 tuổi, cũng chẳng nghĩ được nhiều và sự khẳng định của nhà Hộ sinh số 32 là con tôi nên tôi nhận con.

Với tình mẫu tử của người mẹ, tôi yêu thương chăm sóc con hết mực, hi vọng không có sự nhầm lẫn nào. Nhưng thật đáng tiếc, cháu càng lớn càng lộ rõ nét mặt, chiều cao chẳng giống ai trong gia đình: bố, mẹ, anh chị em, họ tộc nội ngoại.

Tôi bị những nghi ngờ, lời ra tiếng vào của gia đình họ mạc. Cũng rất may chồng tôi hiểu và rất tin tưởng vào sự chung thủy của vợ nên không có nghi ngờ gì cả. Hai vợ chồng chỉ biết dồn hết tình yêu thương chăm sóc cháu nên người và mong rằng nếu có sự nhầm lẫn thật thì cầu mong người khác đang nuôi con mình họ cũng yêu thương chăm sóc nên hết mực như mình.

Nay đã 42 năm, sự việc nhầm con với tôi vẫn không thể nào quên được. Tôi rất muốn bằng mọi cách tìm lại cháu để biết cuộc sống thực của đứa con mình đã mang nặng đẻ đau.

Nên tôi đã tìm đến thử ADN, kết quả Trang không phải là con tôi. Tôi vô cùng sốc và suy sụp, đau đớn. Tôi luôn đặt câu hỏi, không biết con gái tôi giờ này ở đâu và cuộc sống của con thế nào?

Từ khi biết chính xác con tôi bị lạc mẹ, tôi buồn bã và sút hơn 10kg rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể.

Thương mẹ các con tôi đều đồng lòng phải tìm cội nguồn đích thực cho hai cháu mà nhà Hộ sinh Ba Đình do thiếu trách nhiệm đã làm thất lạc và làm đảo lộn cuộc sống của gia đình tôi.

Rồi số phận của hai đứa trẻ không được bú đúng dòng sữa đích thực người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra các cháu và còn những hệ lụy trong xã hội như đã từng xảy ra: Anh lấy nhầm em...”.

Những manh mối

Và phải trải qua rất nhiều lần đấu tranh tư tưởng, thậm chí “cãi” lại lời người chồng quá cố, bà Mai Hạnh mới quyết định nói cho con gái biết sự thật.

Theo tìm hiểu của gia đình bà Mai Hạnh, ngày 10/10/1974, trên toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 400 trẻ sơ sinh được sinh ra, riêng quận Ba Đình có 4 bé gái.

Càng lớn chị Trang càng khác nét so với mọi người trong gia đình. Trong ảnh, chị Vân (chị gái chị Trang - PV) đang chia sẻ về sự khác nét của em gái cùng phóng viên.

Từ khi gia đình “mạnh dạn” đưa thông tin lên truyền thông, đã có người “giấu tên” cung cấp cho gia đình chị Trang số chứng minh nhân dân cũng như địa chỉ của ba người phụ nữ ở quận Ba Đình sinh cùng ngày với chị Trang.

Cũng thêm thông tin được chia sẻ, chị Trang có 1 vết bớt còn in hằn trên cánh tay phải của mình.

“Tôi còn 1 nốt ruồi nữa ở giữa trán nhưng đã bị tẩy đi. Tôi nghĩ đó cũng là 1 vài chi tiết để gia đình có thể từ đó nhận ra tôi”, chị Trang nói.
 

Vết bớt trên tay phải của chị Trang

Đó là những “manh mối” ban đầu được gia đình hết sức kì vọng. Và qua những “manh mối” đó, họ cũng mong sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để “những cuộc chia ly” như thế này sẽ sớm được “thu về 1 mối”.

“Tôi không kiện ai, không trách ai, chỉ muốn xin danh sách những bé sinh cùng đợt với Trang để mong tìm lại con của tôi cũng như bố mẹ đẻ cho Trang. Và tôi cũng muốn “minh oan” cho mình vì đã từng có những lời đồn ác ý nói rằng, tôi có con riêng”, đó là tâm sự gửi về của bà Mai Hạnh khi bà đang ở đất nước Anh xa xôi để du lịch.
 
>> Sở Y tế Hà Nội lên tiếng việc trao nhầm con 42 năm trước
>> Cuộc sống của người con gái bị trao nhầm ở bệnh viện 42 năm
>> Chuyện như phim giữa Hà Nội: Gia đình hơn 40 năm nuôi “nhầm” con

Theo Nguyễn Huệ (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật