Những lý giải quanh việc “ế” ấn đền Trần

16/02/2017 14:47:00

Khác với cảnh hỗn loạn tại Lễ Khai ấn đền Trần năm ngoái, năm nay, lượng ấn phát ra được cho là bị "ế" vì ngay sau Lễ Khai ấn vài giờ, số lượng người đến xin ấn khá ít...

Khác với cảnh hỗn loạn tại Lễ Khai ấn đền Trần năm ngoái, năm nay, lượng ấn phát ra được cho là bị "ế" vì ngay sau Lễ Khai ấn vài giờ, số lượng người đến xin ấn khá ít...
 
Lễ hội đền Trần năm nay không còn cảnh cướp lộc vì lễ trong các ban thờ đã được Ban Tổ chức dọn sạch ngay sau Lễ Khai ấn. Ảnh: Lê Hiếu
 
Giảm vì không còn lộc để cướp?

Đến với Lễ hội đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) năm nay, phần đông du khách ghi nhận không khí trật tự và văn minh hơn hẳn mọi năm. Trao đổi với chúng tôi về công tác tổ chức Lễ hội đền Trần 2017, bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần 2017 cho biết: Năm nay, thành phố triển khai nhiều biện pháp tổ chức nên ngay từ những ngày đầu, lễ hội đã khắc phục được tình trạng lộn xộn, phản cảm tái diễn ở các năm trước.

Năm ngoái, người dân cả nước không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh ngay sau Lễ Khai ấn, hàng nghìn người dân lao vào cướp lộc trên các ban thờ và kiệu ấn. Khi không còn lễ để cướp thì người dân trèo lên để quẹt tiền vào thanh gỗ linh thiêng trên bàn thờ trong đền Thiên Trường. Rút kinh nghiệm, năm nay, Ban Tổ chức lên phương án cùng với Ban Quản lý đền Trần, ngay sau khi làm Lễ Khai ấn xong thì dọn hết đồ lễ ra khỏi ban thờ. Cùng với đó, các biện pháp tuyên truyền cũng được tiếp cận đến nhiều người dân hơn, nên lượng người đến Lễ hội đền Trần năm nay được cải thiện hơn so với các năm trước. Đêm khai ấn cũng không xảy ra tình trạng cướp lộc. Lượng người xin ấn được cho là giảm đáng kể.

Cùng với đó, Ban Tổ chức lễ hội đã thực hiện nhiều phương án, như tăng cường lực lượng an ninh với hơn 2.000 người, tạo thành 5 vòng bảo vệ và 23 chốt tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Các hiện tượng tiêu cực như bán ấn giả, ăn xin, ăn mày... được khắc phục triệt để. Tuy nhiên, hiện tượng chặt chém khách vẫn diễn ra khá phổ biến. Khi chúng tôi thắc mắc về giá cả, vì sao đắt hơn ở Hà Nội thì người bán hàng hồn nhiên trả lời: "Đang dịp "chim sẻ vào mùa", chị cho chúng em kiếm tí. Cả năm mới có mấy ngày lễ này chứ đâu kinh doanh được cả năm như các ngành khác".

Không cản trở phóng viên tác nghiệp

Lễ hội đền Trần năm nay đông, nhưng lượng người xin ấn giảm hơn mọi năm. Ảnh: Lê Hiếu
Lễ hội đền Trần năm nay đông, nhưng lượng người xin ấn giảm hơn mọi năm. Ảnh: Lê Hiếu

Hỏi về thông tin, số lượng ấn được đóng trong Lễ Khai ấn đền Trần sẽ được phát cho khách "VIP", bà Phạm Thị Oanh khẳng định, Ban Tổ chức và Ban Quản lý đền Trần không dám làm điều này. Bà Phạm Thị Oanh cho biết: "Số lượng ấn trong Lễ Khai ấn chỉ có 9-10 chiếc. Làm lễ xong là đặt ở đền chùa trong khu di tích chứ không có chuyện bán hay phát ra bên ngoài. Bởi số lượng ấn dành để phát cho người dân đã được Ban Tổ chức chuẩn bị riêng rồi".

Qua cuộc trao đổi này, bà Phạm Thị Oanh cũng phản hồi lại thông tin Ban Tổ chức Hội khai ấn đền Trần cản trở tác nghiệp của nhiều phóng viên được đăng tải trên một số tờ báo. Bà nói: "Tôi đã đọc bài viết đó và cho kiểm tra lại sự việc báo nêu. Thực tế, Ban Tổ chức không cản trở phóng viên đến tác nghiệp tại lễ hội, nhưng vì khuôn viên của đền rất nhỏ mà lượng người đến lại quá đông nên tại lễ dâng hương, chỉ những người có thẻ đại biểu và giấy mời của Ban Tổ chức phát trước đó mới được vào trong sân đền Thiên Trường. Với báo chí, chúng tôi dành hẳn một khu tác nghiệp riêng và trước đó đã phát thẻ tác nghiệp cho những phóng viên đã đăng ký với Văn phòng UBND thành phố. Phóng viên nào chưa đăng ký từ trước mà hôm đó mới đến thì Ban Tổ chức không thể chuẩn bị được".

Trước đó, chúng tôi cũng đã thông tin về việc chưa đến Lễ Khai ấn, nhưng ấn đền Trần đã được bán ra. Điều này được anh Cường - hành nghề xe ôm tại đền Trần cho biết, từ hôm mùng 8 tháng Giêng, sau khi tham dự phiên chợ Viềng truyền thống (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), du khách đã đến đây để "xin ấn". Thông thường thì ấn được đóng sẵn từ trước đó và chỉ được phát ngay sau Lễ Khai ấn mới "chính thống" nhưng có lẽ do lo ngại cảnh chen lấn xô đẩy nên người dân kết hợp về "xin" luôn. Theo anh Cường, đây cũng chính là lý do khiến cho đêm khai ấn được giảm tải hơn, tránh được cảnh tranh cướp như mọi năm.

Năm nay, Lễ hội đền Trần Thái Bình cũng được ghi nhận là lượng khách đến tham dự giảm hơn so với các năm trước. Lý do được cho là ở đây không có Lễ Khai ấn như ở đền Trần Nam Định. Trước đó, Bộ VH, TT&DL yêu cầu Lễ hội đền Trần Thái Bình dừng lại việc khai ấn đề nghiên cứu thêm, bởi dư luận khá bức xúc về việc có quá nhiều địa phương làm Lễ Khai ấn cùng lúc. Chính vì vậy mà du khách đến với Lễ hội đền Trần Thái Bình khá thư thái, không phải chứng kiến cảnh chen lấn xô đẩy, cũng không có cảnh chặt chém du khách.

Theo Minh Nhật (Giadinh.net.vn)