Dọc các bản làng Cơtu, Xê Đăng, Bhnong miền núi Quảng Nam, chúng tôi ngỡ ngàng trước các cặp vợ chồng đang tuổi đến trường hồn nhiên cưới nhau và sinh con đẻ cái. Bác sĩ Lương Đình Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam, nói, hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn dai dẳng ở vùng cao nhiều năm nay, mới thống kê sơ sơ đã lên cả ngàn trường hợp. Hệ lụy của nó là nỗi đau nhức nhối, âm ỉ suốt bao thế hệ.
Các xã vùng cao của huyện miền núi Phước Sơn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Bhnong từ rất lâu đời. Mặc dù “cơn lốc” đào vàng đã cuốn qua đây, đường sá đã nối miền núi tiến kịp miền xuôi, nhưng hủ tục tảo hôn vẫn như những góc khuất ở những bản làng. Chúng tôi tìm đến nhà Hồ Thị Hí ở thôn 2 xã Phước Thành. Hí tay bế con, ánh mắt vẫn ngơ ngác như đứa trẻ, rụt rè kể chuyện. Hí sinh năm 2001, năm nay vừa 14 tuổi, nhưng con gái giờ đã ở tuổi bồng nách. Năm ngoái, nghỉ hè về làng, Hí có bầu với Hồ Văn Song (19 tuổi, người cùng làng).
Ngoài Hí, tại xã Phước Thành còn có 2 trường hợp nữ sinh khác cùng độ tuổi phải nghỉ học để lấy chồng. Sang xã bên - Phước Lộc - cũng lại 2 em vừa mang bầu, bỏ học. Thảm hơn, là các em đều bị lừa. Phó Chủ tịch xã Lưu Huyền Thoại thở dài, kể: “Các em về nghỉ hè, gặp công nhân lên đây làm công trình thủy điện, giao thông, thế là yêu đương nhăng nhít. Đến khi các em có bầu thì các thủ phạm lại cao bay xa chạy, để lại hậu quả chình ình ra đó, cuối cùng các em vẫn là người chịu thiệt thòi. Đau lắm”.
Cô giáo Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, cho biết, đầu năm học này, có đến 6 em nữ sinh không ra lớp. Trường về nơi ở của các em điều tra, thì hóa ra các em có bầu nên bỏ học. Cụ thể, có 3 em lớp 9, các lớp 10, 11, 12 mỗi lớp 1 em. Ngoài ra, còn có 2 em ở xã Phước Chánh nộp hồ sơ vào lớp 10 của trường nhưng chưa kịp đi học thì đã có bầu. “Tình trạng này năm nào cũng xảy ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tăng tỉ lệ học sinh bỏ học của nhà trường. Mặc dù trường cũng đã có các biện pháp tuyên truyền, phối hợp địa phương, đoàn đội, nhưng hủ tục tảo hôn, bắt vợ bắt chồng đã mang nặng, ăn sâu trong đời sống của đồng bào, không phải chỉ nhà trường có thể giáo dục, ngăn chặn được” - cô Thứ nói.
Vấn nạn
Tình trạng tảo hôn xảy ra ở tất cả các huyện miền núi Quảng Nam, kéo dài từ nhiều năm nay. Huyện Bắc Trà My, Nam Trà My hầu hết dân số là người dân tộc Xê Đăng, Cadoong, Mơ Nông, Kor…, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở thành vấn nạn nóng bỏng. Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bắc Trà My vừa tiến hành khảo sát thực trạng tảo hôn trên 116 trường hợp ở tất cả 12 xã, thị trấn, đưa đến kết quả “giật mình”: Ở 11 xã có nạn tảo hôn, có 98 người đã và đang kết hôn trước tuổi qui định, trong đó có 24 nam và 75 nữ. Hầu hết những trường hợp tảo hôn đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, làm nông, trình độ học vấn dưới lớp 10. Bình quân tuổi kết hôn của nam giới 18,4 tuổi và của nữ giới 15,7 tuổi, cá biệt có trường hợp nữ chỉ mới có 12 tuổi, phổ biến tuổi kết hôn ở nữ giới khoảng 14 - 15 tuổi. Đáng nói, có 18 người kết hôn cận huyết thống (con cô - cậu - dì), trong đó 10 nam giới và 8 nữ giới.
Bác sĩ Lương Đình Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã trở thành vấn nạn đáng báo động ở toàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi, và không hề có dấu hiệu giảm Thống kê chưa đầy đủ trên toàn tỉnh: Số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2010 lần lượt là 199 và 12; 2011 là 194 và 7; 2012 là 231 và 9; 2013 là 235 và 5; 2014 là 325 và 12; riêng năm 2015 đến nay đã có 256 trường hợp tảo hôn và 7 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các huyện núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang…
Nhiều hệ lụy đã xảy ra do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, như bỏ học, giảm chất lượng dân số, hệ lụy xã hội…, trở thành nỗi đau dai dẳng, âm ỉ suốt bao thế hệ. Bác sĩ Hải kể, trong 3 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (con cô cậu và con chú bác) xảy ra ở Phước Sơn năm 2014 đều để lại hậu quả đau lòng: 4 em bé sinh ra thì 1 em mất lúc 7 tuổi, 2 cháu khuyết tật bẩm sinh.
Những kế hoạch khẩn cấp
Ở các “điểm nóng” huyện Bắc Trà My và Phước Sơn, hàng trăm trường hợp tảo hôn mỗi năm, trong đó nhiều trường hợp sinh đẻ ở độ tuổi 14 - 15, đã khiến chính quyền địa phương phải gấp rút lên phương án điều tra khảo sát, ngăn chặn, giảm thiểu nạn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Đinh Thúy Mai - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phước Sơn, nêu một nghịch lý, là từ trước đến nay chưa có một chương trình, nguồn tiền nào dành cho việc ngăn chặn tảo hôn. Trung tâm đã phải lồng ghép nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân - Gia đình vào các chương trình khác.
“Đến giữa năm nay, trước thực trạng nhức nhối về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn, trung tâm mới đề nghị và được huyện đồng ý, triển khai xây dựng đề án khảo sát, giảm thiểu nạn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, và kêu gọi tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ nguồn kinh phí thực hiện. Dẫu muộn còn hơn không” - bà Mai nói.
Ông Đỗ Thanh Tân - Phó Ban Dân tộc tỉnh, nói, theo khảo sát của ban, những nguyên nhân diễn ra tình trạng tảo hôn là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục như hứa hôn, cưỡng ép hôn vẫn còn tồn tại. Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đem lại những tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên. Sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý con em của các bậc phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng bỏ học dẫn đến tảo hôn. Ở hầu hết các địa phương xảy ra tảo hôn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế.
“Phải thừa nhận rằng, thực trạng trên kéo dài còn có nguyên nhân chủ quan do sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên tại nhiều địa phương còn hạn chế” - ông Tân nói.