Để tình trạng bổ nhiệm người nhà kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường
Tuần qua, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc, đã có nhiều phát ngôn đáng chú ý của các chính khách, các vị đại biểu Quốc hội về những vấn đề dư luận quan tâm.
Góp ý vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều 30/5, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang rất hào hứng với hình tượng lò cháy ngùn ngụt, nhưng chúng ta cũng phải mong muốn ngày nào đó lò phải vào bảo tàng. Bởi lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, một số ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn về nạn chạy chức, chạy quyền và việc bổ nhiệm con ông cháu cha khiến dư luận bức xúc.
“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bộn trí tuệ”, mà bây giờ trí tuệ còn rớt xuống thứ 5, thứ 6 rồi. Trường hợp nào cũng nói quy trình đúng nhưng đến con người cụ thể lại có chuyện này chuyện nọ. Tôi cho rằng, không thể có quy trình đúng mà đưa ra những con người vào vị trí sai, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Như thế công bằng xã hội, con em của những người khác lấy gì có cơ hội để kiếm được việc làm và phát triển được khả năng của mình?.
Nếu vấn đề này không được xử lý tốt mà còn để kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường và lòng tin của người dân đối với xã hội, với Đảng, Nhà nước sẽ giảm đi. Tôi tin rằng với chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, những vấn đề này sẽ được bộc bạch, phơi bày ra và được xử lý một cách rốt ráo, tốt hơn, lấy lại lòng tin của nhân dân”, một ĐBQH chia sẻ.
Luân chuyển có đúng Quy định số 98 của Bộ Chính trị?
Một trong những vụ được các ĐBQH cũng như dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua đó là việc bổ nhiệm con trai ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí Thư tỉnh ủy Lào Cai.
Cụ thể, ông Nguyễn Quang Bình (sinh năm 1985) là kỹ sư xây dựng, thạc sĩ quản trị kinh doanh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai quyết định điều động tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát, khóa XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 và được HĐND huyện Bát Xát bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện Bát Xát.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, việc bổ nhiệm con trai ông được các đơn vị chức năng của tỉnh, Ban tổ chức tỉnh ủy làm chặt chẽ, đúng quy trình chứ không có chuyện nhân nhượng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành thì ông Nguyễn Quang Bình không thuộc đối tượng cán bộ luân chuyển.
Theo điều 2 của quy định thì quan điểm, nguyên tắc luân chuyển là chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).
Về đối tượng luân chuyển được quy định cụ thể gồm: Bí thư tỉnh uỷ, huyện uỷ và tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh án TAND cấp tỉnh, cấp huyện; Cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện; Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như vậy, ông Nguyễn Quang Bình không phải là lãnh đạo thuộc diện nêu trên vì chức vụ Giám đốc Ban quản lý nguồn vốn ODA thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai.
Qua cách trả lời của ông Vương Trinh Quốc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cao, người phát ngôn của tỉnh Lào Cai thì ông Nguyễn Văn Bình có đủ điều kiện về trình độ, năng lực và nằm trong quy hoạch giai đoạn 2015-2020 vào vị trí phó giám đốc sở, ngành và tương đương. Thông tin trên là rất chung chung vì quy hoạch chức danh chỉ có quy hoạch cụ thể chức danh là Phó Giám đốc Sở chứ không thể có “ngành và tương đương”.
Luân chuyển nhưng các quyết định điều động, bầu chức danh chưa nêu rõ
Nếu như điều chuyển ông Bình về huyện theo diện luân chuyển thì vẫn theo Quy định số 98 của Bộ Chính trị, sau lỗ hổng luân chuyển từ vụ án Trịnh Xuân Thanh, Bộ Chính trị quy định Quy trình luân chuyển từ 3 bước thành 5 bước như sau:
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước 2: Căn cứ vào chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ thông báo để các địa phương, cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị; cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với nơi đi, nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.
Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
Như vậy, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Lào Cai cần được tiến hành theo 5 bước và nằm trong chủ trương chung với nhiều cán bộ nguồn khác chứ không thể chỉ riêng trường hợp ông Nguyễn Quang Bình.
Ở đây, ông Bình được luân chuyển trong một đợt riêng, không thấy đề cập nhu cầu luân chuyển theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư mà lại là theo đề nghị “xin cán bộ” của huyện Bát Xát. Trong sự việc này, trước đó không thấy công khai bước 2: “Căn cứ vào chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ thông báo để các địa phương, cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự luân chuyển”.
Mặt khác, về thời gian luân chuyển theo quy định số 98, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, chưa thấy địa phương công bố về thời gian luân chuyển đối với ông Nguyễn Quang Bình, các bản tin thời sự và lý do công bố trong cuộc làm việc của Thường vụ tỉnh ủy và phiên họp bất thường của HĐND tỉnh đều không hề thấy đề cập đến việc điều động, bầu bổ sung căn cứ vào các văn bản, chủ trương về luân chuyển cán bộ.
Bên cạnh đó, theo quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 11/12/2015 của UBND tỉnh Lào Cai, về sửa đổi, bổ sung một số điều của bản quy định tiêu chuẩn, chức danh lãnh đạo quản lý cấp trưởng, phó các phòng ban, chi cục và tương đương trở xuống thuộc sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Lào Cai thì ông Nguyễn Quang Bình khi bổ nhiệm chức danh Giám đốc Ban Quản lý phải “qua kỳ thi tuyển chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương theo quy định”. Song theo phản ánh, lâu nay chưa thấy Sở Kế hoạch và Đầu tư thi tuyển các chức danh này.
Liên quan đến lô đất căn biệt số 240 với diện tích lên đến 626,9m2 ở phường Kim Tân, TP Lào Cai đứng tên ông Nguyễn Quang Bình đến nay vẫn chưa được làm rõ trong việc kê khai tài sản. Theo quy định số 98 của Bộ Chính trị, việc kê khai tài sản cũng là nội dung bắt buộc đối với hồ sơ luân chuyển cán bộ.
Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)