Do bị đánh nhiều nên bắp đùi 6 em đều bị bầm tím, tụ máu, nhiều em phải đi lại trong tình trạng khập khiễng, sợ hãi phải đến trường. Khi bị phụ huynh phản ánh, thầy giáo này thừa nhận và giải thích là đã…lỡ tay đánh 6 học sinh trên.
Trước đó 1 ngày (21.10), do tức giận vì nghi ngờ học sinh ném chai nước suýt trúng người mình, thầy Nguyễn Quý Cầu - giáo viên trường THCS Quảng Đông (Tp Thanh Hóa) đã túm cổ áo, tát 3 cái vào mặt và đạp vào người khiến em H.N.T học sinh lớp 8A trường này này ngã xuống đất. Sau khi bị thầy đánh, em này xước và chảy máu vùng ngực bên dưới cổ.Vết thương khoảng 13 cm. Sau đó, thầy giáo này bắt em T viết bản kiểm điểm với nội dung: cố ý ném chai nước vào thầy mặc dù em này đã giải thích là không cố ý, chỉ ném chai nước xuống cho một học sinh khác dưới tầng 1 đúng lúc thầ Cầu đi qua.
Em học sinh bị thầy giáo đánh vì không may ném chai nước súyt trúng người thầy (nguồn IT) |
Đây không phải là lần đầu tiên, những cái “lỡ tay” gây hậu quả nghiêm trọng xuất hiện trên bục giảng.
Mới đây (18.10), một phụ huynh là giáo viên có con học tại trường Tiểu học – THCS Đức Trí, Đà Nẵng đã xông vào trường tát giáo viên vì cho rằng cô giáo này đánh xước má con mình. Vụ “vết xước trên má” sau đó được xử bằng 12 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính dành cho cả mẹ và cô giáo. Người mẹ thì giải thích do thương con, nóng nảy nên…xuống tay với giáo viên. Còn cô giáo thì ngụy biện rằng: Do đã nhắc nhở nhưng học sinh không nghe nên đã dùng tay đánh vào vai học sinh, nhưng do móng tay cô dài nên xược qua má làm học sinh bị xước má???
Trước đó, tháng 4.2016, một cô giáo tại truờng Tiểu học xã Phìn Ngan (Bát Xát – Lào Cai) cũng phải nhận hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc với lý do đánh học sinh lớp 2 bầm tím hai mắt. Cùng tháng này, thầy giáo Đoàn Văn Học (trường THCS Định Hòa – Yên Định – Thanh Hóa) cũng bị khiển trách vì đánh học sinh gẫy tay phải nhập viện bó bột.
Theo các chuyên gia giáo dục, sau tất cả những “cái lỡ tay”, điều đọng lại trong học sinh không phải là những lời giải thích mà chính là những tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và thể chất của các em.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng: “Giải thích chẳng qua chỉ là thích thì…giải, điều đáng nói là sau những vụ việc như thế này, mỗi người phải nhìn vào chính cái sai của mình để sửa và rút kinh nghiệm chứ không phải ngụy biện, tìm cách dấu diếm sai lầm của mình”. Cũng theo ông Chất, ở môi trường giáo dục, bất kỳ hàng động chưa đúng chuẩn mực của thầy cô sẽ có tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của học sinh: “Các em sẽ học được gì sau những cái tát, những đòn roi, những lời chửi mắng và sau đó là những lời ngụy biện từ thầy cô?” – ông Chất đặt câu hỏi.
Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Người thầy phải dùng đến vũ lực để giáo dục học sinh đã là người thầy thất bại hoàn toàn chứ không cần thêm một lời giải thích nào cả”. Theo TS Lâm, phương pháp giáo dục tốt nhất là không bao giờ được coi thường, phải tôn trọng học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên cần học cách kiềm chế. Không có học sinh nào hư hỏng cả, điều quan trọng là người thầy phải biết tìm cách để các em phát huy lợi thế, không được trấn áp bằng vũ lực.
Theo Tùng Anh (Dân Việt)