Video: Tượng 12 con giáp khỏa thân ở Hòn Dáu
Đã được trưng bày hơn 10 năm
Khu du lịch Quốc tế Hòn Dấu nằm ở Khu 3 bán đảo Đồ Sơn, đây là khu resort có diện tích hơn 100ha khá nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Mới đây, mạng xã hội (MXH) xuất hiện một số hình ảnh về những bức tượng 12 con giáp khỏa thân, phản cảm được cho là nằm trong khuôn viên của khu du lịch này.
12 bức tượng này trở thành chủ đề tranh cãi. Nhiều người cho rằng, những bức tượng quá dung tục, phản cảm và trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Số còn lại cho rằng đây là những bức tượng điêu khắc nghệ thuật và sự phá cách hiện đại để tạo điểm nhấn cho du lịch, tham quan.
Ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch quốc tế Hòn Dấu (đơn vị đầu tư và quản lý khu du lịch quốc tế Hòn Dấu) cho biết, tượng 12 con giáp kể trên đang nằm trong khuôn viên của khu “Đà Lạt thu nhỏ” do công ty quản lý. Những bức tượng này đã được đặt ở đấy từ năm 2007.
Khu tượng được đặt trên một đồi cao quay lưng với biển. Các bức tượng bằng đá và cao hơn đầu người. Phần thân và bộ phận sinh dục đều giống của con người, riêng phần đầu được khắc tượng trưng cho 12 con giáp. Điều đặc biệt, các bộ phận sinh dục được cho là “phản cảm” đều nhẵn bóng và màu đen sẫm. Theo giải thích của các nhân viên tại đây, là do du khách thường sờ vào “hiện vật” để chụp ảnh.
Khi được PV hỏi về ý tưởng điêu khắc những bức tượng này xuất phát từ đâu? Ông Thiềng cho biết: “Trước khi tiến hành điêu khắc các bức tượng này, công ty đã tổ chức một trại sáng tác, quy tụ nhiều nghệ nhân cùng các nhà điêu khắc đến để đóng góp ý kiến và sáng tạo tác phẩm. Khắc những bức tượng này xuất phát từ ý tưởng của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Từ đấy đến nay, chúng tôi chưa hề nhận được ý kiến phản ánh nào từ du khách về sự phản cảm của các bức tượng” - ông Thiềng chia sẻ.
Cũng theo ông Thiềng, những bức tượng này đều đã được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép. Rất nhiều người tỏ ra thích thú khi chụp chung ảnh với con giáp tượng trưng cho tuổi của mình.
Xử lý thế nào?
Nhà điêu khắc Lê Công Thành tự đánh giá rằng những bức tượng đó có ý tưởng tốt, phù hợp. Ông Thành nhấn mạnh: “Người chê những bức tượng đó thì tôi không biết, song người khen thì nhiều lắm”.
Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Hải Phòng, cho biết: “UBND quận đã cử người đi khảo sát và báo cáo lên thành phố vì việc cấp phép trưng bày này không phải do chúng tôi. Sáng mai (28/3) phía thành phố sẽ cử 2 đoàn của sở Văn hóa và Công an xuống kiểm tra mới kết luận được” - ông Hiếu nói.
Trước đó, Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng cũng đã làm việc với chủ nhân những bức tượng và yêu cầu phải khắc phục, sửa chữa để không gây phản cảm với du khách. Đồng thời, đưa ra yêu cầu: Một là cất hết những tượng đá; hai là mặc quần áo nghiêm chỉnh cho chúng; ba là gọi thợ đến đục đẽo, chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm.
Ads by AdAsia
“Chúng tôi không sửa tượng hoặc cất tượng đi vì thực chất những bức tượng này đã ở đây nhiều năm và không đến mức dung tục như người ta nói. Ở nước ngoài, người ta vẫn trưng bày tượng khỏa thân ngoài đường, còn ở Việt Nam chúng ta nên nhìn nó như một ý nghĩa phồn thực. Chúng tôi không làm gì vi phạm pháp luật hay chống đối nhà nước mà phải xử lý như thế” - ông Thiềng nói.
Ngay sau khi dư luận có những ý kiến trái chiều về hình ảnh của những bức tượng này, phía Sở Du lịch Hải Phòng đã đề nghị chủ đầu tư “mặc quần áo chỉnh tề” cho các bức tượng. Ngay trong sáng 27/3, Cty đã cho người “mặc quần” để che đi những bộ phận bị cho là phản cảm trên các bức tượng. Hiện khu vực đặt tượng đã được ban quản lý giám sát và khuyến nghị không nên cho trẻ em vào tham quan.
Xấu, phản cảm
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bảo nói một câu cho đơn giản: “Tượng quá xấu”. Ông phân tích vấn đề không nằm ở chỗ tượng khoả thân có dung tục hay không, cái cốt lõi là nó quá xấu và cách đặt vấn đề sai lầm. “Cách đặt vấn đề gắn 12 con giáp vào thân người là hạ thấp con người, không hợp tâm linh Việt Nam: Tất cả con giáp đi với năm sinh từng người, đây đưa văn hoá trần trụi vào không phù hợp. Ngay cả nếu họ có làm đẹp như tượng Hy Lạp chưa chắc đã hợp. Đừng tranh luận dung tục, phồn thực bởi tác phẩm nghệ thuật phồn thực của Ấn Độ chẳng hạn, cực đẹp”, ông nói.
Lưu Danh Thanh còn chỉ ra sự “ô hợp, hỗn mang”: Trong số tượng này riêng con gà tạo tác chân gà, còn lại đều là chân người và nếu không đề biển tên ở dưới chưa chắc biết đấy là con gì. Các tượng này đều ở dáng tĩnh, hai chân thẳng và “chỉ khác cơ bắp và bộ phận sinh dục”- phân tích của Lưu Danh Thanh.
PGS. nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành coi đây là sự “xúc phạm nghệ thuật, xúc phạm con người”. “Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao ở mảnh đất tâm linh Hòn Dấu lại xuất hiện những tượng xấu, phản cảm đến thế này”, ông nói. Không chỉ chê hình thức xấu, nhà điêu khắc Xuân Thành còn phân tích khía cạnh người dân châu Á tôn thờ 12 con giáp như linh vật nhưng lại bị đối xử như cách tạo hình này. Thậm chí ông cho rằng việc tạo tác con vật này dễ liên tưởng “chuyện không hay ở Đồ Sơn”.
Tỏ ra thận trọng hơn vì chưa xem trực tiếp số tượng này nhưng hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng thừa nhận “12 con giáp này không đẹp, lại còn kết hợp giữa châu Âu với châu Á không ổn chút nào”. “Tôi sang Đức, cả dãy tượng khoả thân có sao đâu bởi tôi thấy đẹp. Ngay Bảo tàng Dân tộc học cũng có những tượng về bộ phận sinh dục nam nữ nhưng đó là văn hoá, hơn nữa mấu chốt ở chỗ, nghệ thuật phải đẹp”, hoạ sĩ Trần Khánh Chương nói.
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cho rằng, không nên dùng vải che, không nên quây lại, vì vấn đề lớn nhất của số tượng này không nằm ở chỗ khoả thân hay không: “Tốt nhất nên cất đi. Tôi lo ngại về nhận thức thẩm mỹ, nếu cái nào cũng gọi là mỹ thuật, cứ đục tượng đá thành nghệ thuật hết thì gay go quá”. Giải pháp mạnh nhất đối với tượng 12 con giáp này theo đề xuất của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành là “đào sâu chôn chặt. Có lẽ chất liệu đá nguyên khối có chất lượng tốt nên phủ xi măng lên và đem làm kè chắn sóng biển”.
Nguyên Khánh
Theo Hoàng Dương (Tiền Phong)