Những chiến binh đội mưa, nắng cứu trợ người dân vùng lũ
Sáng 23/10, tại huyện Lệ Thủy, nơi ngập sâu nhất trong trận lũ lịch sử vừa qua của tỉnh Quảng Bình, trời đã nắng, người dân hối hả dọn dẹp nhà cửa, tìm kiếm tài sản sau khi nước rút khỏi nhà.
Trên các con đường lớn, nhiều xe chở hàng cứu trợ vẫn tấp nập ra vào, phía dưới sông, ca nô, thuyền máy hoạt động hết công suất đưa hàng hóa đến cho người dân.
Công tác cứu trợ diễn ra rất nhộn nhịp, nhiều hàng hóa nhu yếu phẩm được quyên góp từ mọi miền tổ quốc đưa về để chuyển cho vùng vẫn ngập lũ.
Những đoàn cứu trợ đội nắng, nhịn ăn để mang hàng hóa vào cho dân nhanh nhất, dù mệt nhưng ai cũng vui vẻ, không phàn nàn.
Nghe tin miền Trung chịu trận lũ lịch sử, rất đông người đã kêu gọi bạn bè, bỏ tiền túi mua hàng cứu trợ chạy đi giúp dân.
Đứng giữa dòng nước lớn, ngập trắng hàng km, nhiều người không sợ hãi, không một chút đắn đo, lái thuyền mang theo "hy vọng sống" đến tâm lũ.
Cách xa Quảng Bình hàng nghìn cây số, nhưng khi nhận tin lũ dữ, anh Đức cùng bạn bè đã bỏ tiền túi mua nhu yếu phẩm cho bà con, thuê xe đưa 9 chiếc thuyền và cano ra Quảng Bình chở hàng của đoàn cứu trợ vào tận nơi.
Sợ hỏng cơm, dân không có cơm ăn nhưng những người làm công tác cứu trợ như đoàn của anh Đức ngày chỉ ăn một bữa, đói quá chỉ kịp ăn mỳ tôm sống, lương khô.
Trong những ngày cứu trợ, đoàn thuyền của anh Đức có lần bị mắc cạn, lật khiến mọi người ướt sũng, có chút sợ hãi nhưng vì người dân mọi người vẫn quyết tâm đi tiếp.
Đến những vùng ngập, thấy nhiều người dân quá khó khăn, nhóm của anh Đức còn hỗ trợ tiền mặt.
"Giờ nước rút rồi nhưng người dân vẫn còn vất vả, tài sản mất mát nhiều nên đoàn sẽ gắng ở lại giúp thêm xíu nữa, những lúc này tình đồng bào, lá lành đùm lá rách là trên hết, người Việt Nam mình mà.
Tôi tin những chuyến xe chở hàng cứu trợ trên mọi miền sẽ còn chạy trong nhiều ngày nữa, khi nào dân có đủ tất cả, thì mới an tâm", anh Đức nói.
Anh Thành (27 tuổi, trú tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) gần 7 ngày nay túc trực ở bến tập kết hàng hóa cứu trợ, tự nguyện làm người dẫn đưa đoàn đi vào vùng lũ. Anh nói, bản thân may mắn hơn nhiều người vì nhà không ảnh hưởng nhiều nên có thời gian rảnh.
Hàng hóa quá nhiều nên việc có người địa phương am hiểu đường đi, nơi ngập lụt sâu như anh Thành giúp đoàn từ thiện rất nhiều để hàng hóa đến đúng tay người cần.
"Năm nay trận lũ lịch sử này khiến người dân Quảng Bình rất vất vả, nhưng mấy hôm rồi người dân cả nước chung tay giúp đỡ nên cũng vơi bớt phần nào, những lúc như này mới thấy lòng thương người ở mình lớn lắm, thiêng liêng lắm.", anh Thành nói.
"Cảm ơn vì đã không quên chúng tôi"
Những ngày lũ lớn, ngồi trên mái nhà, xung quanh bốn bề đều là nước, nhiều người dân Quảng Bình cận kề với cái chết. Không còn cách nào khác, họ đã phải kêu cứu giữa đêm, mong cầu sự giúp đỡ dù biết rất khó khăn.
Trong đêm mưa gió, đoàn cứu trợ, chính quyền vẫn không bỏ họ lại, bất chấp nguy hiểm đến đưa họ về nơi an toàn. Hình ảnh xe cứu trợ nối đuôi nhau sau lũ lại một lần nữa khẳng định, người dân vùng lũ không bị bỏ lại.
Nước rút đến đâu, những chiếc xe chở hàng vào đến đấy, nhu yếu phẩm được tiếp tế tận tay cho mọi người. Những lời kêu cứu "đói quá chú ơi", "cho gói mỳ tôm với" như thắt ruột gan với những người làm cứu trợ.
Nhận gói mỳ tôm, chai nước suối trước đó là thứ rất bình thường nhưng trong hoàn cảnh này lại rất quý với mỗi người dân vùng lũ.
Có những người nhận xong hàng cứu trợ đã không kìm nén được nước mắt. Nhưng là nước mắt của lòng biết ơn, như lời của một cụ bà nói khi nhận được hàng cứu trợ "Cảm ơn vì đã không quên chúng tôi".
Nước rút, cuộc sống thường ngày trở lại, bà con vùng lũ lại đối mặt với nhiều nỗi khổ khác, mất tài sản, bệnh tật, cái ăn... Hy vọng tình đồng bào vẫn sẽ "cháy" như những ngày lũ lịch sử để dân vùng lũ không bị bỏ lại.
Theo Ngọc Thắng (Trí Thức Trẻ)