1
"Sinh viên trường Y mà, dịch ở đâu là đi ngay"
9h tối 1/7, Nguyễn Ngọc Minh Hải, 23 tuổi, quê Quảng Ninh, sinh viên chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội, là người đầu tiên nhận thông báo của nhà trường về việc vào miền Nam hỗ trợ phòng, chống dịch. Dù chưa biết sẽ được phân công tới địa phương nào, Hải nghĩ "ừ đi thôi", không có gì đắn đo. Cậu cảm thấy đó là trách nhiệm của một sinh viên trường Y, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.
Đợt 1, Đại học Y Hà Nội chi viện miền Nam 350 cán bộ và sinh viên. Đợt 2, 6 bác sĩ giảng viên và cán bộ Nhà trường được điều động thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU).
Tất cả sinh viên và giảng viên trong chuyến "hành quân" lần này, đều đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, được theo dõi sức khỏe thường xuyên và tập huấn truy vết, kiểm soát nhiễm khuẩn. Có những bạn về từ "tâm dịch" Bắc Ninh, vừa hết thời gian cách ly, về nhà gặp bố mẹ vỏn vẹn 4-5 tiếng, lại xung phong lên đường.
"Dịch ở đâu là đi ngay!".
Minh Hải là con một. Bố mẹ cậu là những người cuối cùng biết chuyện. Hai bác dù lo lắng, nhưng đều ủng hộ con trai lên đường chống dịch. Hải xác định, "chuyến này chắc đi cả tháng".
Khi chuyên cơ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 6/7, có gì đó thật lắng đọng! Hải nhớ lại, tháng 7 năm ngoái cũng có dịp vào TP.HCM khi thành phố "chưa bị bệnh", phồn hoa, ồn ào và rộn rã. Nhưng bây giờ, một tâm thế hoàn toàn khác, thành phố cũng khác hẳn.
Đoàn công tác của Đại học Y Hà Nội chuyển tiếp lên xe buýt, đi thẳng tới Bình Dương. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày, địa phương có khoảng 50-100 ca mắc mới Covid-19.
Buổi họp giữa 14 nhóm trưởng, trưởng đoàn với các thầy lãnh đạo Nhà trường - đã bay vào Bình Dương chiều trước đó - diễn ra ngay khi đoàn ổn định nơi ở đã xác định lực lượng lần này chi viện rất đông, đồng nghĩa tình hình dịch phức tạp hơn. Các nhóm sẽ được "trải" tới hầu hết các địa phương của tỉnh.
"Ban đầu, chúng mình chưa hình dung ra tình hình dịch tại Bình Dương, chỉ nghĩ đây là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và đông dân. Sau một thời gian làm việc và cho đến nay là hơn một tháng, đoàn đánh giá tổng quan dịch rất phức tạp, mọi người phải cố gắng hết sức", Hải nói.
Hải được phân công tại thành phố Thuận An - một trong ba địa phương được đánh giá là "vùng đỏ đậm đặc" của Bình Dương trong công tác phòng chống Covid-19. Nhóm ban đầu chỉ có 70 người, sau nhận chi viện thêm 10 người nữa, chia làm 3 tổ: lấy mẫu; truy vết F0 và xây dựng dữ liệu cho địa phương; hỗ trợ chăm sóc và điều trị F0.
Hải tập trung nhiệm vụ truy vết, lấy thông tin và định danh F0 trên hệ thống của Bộ Y tế. Nhóm còn đi vào cộng đồng, thông báo và hỗ trợ đưa F0 đi cách ly, truy vết F1.
2
Một ngày làm việc
Nhóm truy vết của Hải tập trung làm việc tại một trụ sở UBND phường. Căn phòng có sức chứa tối đa hơn 20 người, không bật điều hòa, cửa sổ mở thoáng, ngồi giãn cách, thường xuyên lau mặt bàn bằng cồn để đảm bảo môi trường.
Để tránh ồn ào khi 20 người cùng gọi điện truy vết cùng một lúc, sinh viên chủ động khắc phục khó khăn. Các bạn tìm mọi vị trí. Người ra ban công, người ngồi hiên nhà, thậm chí "chui" vào nhà vệ sinh gọi điện, bất cứ chỗ nào miễn có chỗ để ghi chép.
"Xung quanh mình toàn tiếng gọi điện, hỏi thăm,... ngày nào cũng thế, từ sáng đến chiều", Hải kể.
Công việc bắt đầu từ 5 rưỡi sáng, tối sớm thì 12h, muộn thì 1h30-2h mới đi ngủ. Buổi trưa tranh thủ chợp mắt được 30 phút, có hôm được một tiếng. Về nhà nghỉ ngơi, nếu rảnh, các bạn lại tiếp tục gọi điện truy vết. Mỗi buổi, một bạn truy vết được 15 F0.
"Là sinh viên trường Y, chúng mình vốn có một guồng quay thời gian cũng khốc liệt như thế. Ngày đầu chưa quen, có bạn bị quá sức, mệt quá, lả đi chút hoặc ngất", Hải cho biết, hiện tại từ "quá sức" có thể thay bằng "quá tải" vì khối lượng công việc lớn, nhân lực mỏng. Cậu dí dỏm, "làm việc hết công suất, gắn moteur vào người còn không chạy kịp".
Buổi sáng, nhóm nhận danh sách F0 đã có xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định. Sau khi lọc thông tin và dữ liệu, các F0 được chia thành truy vết cộng đồng hay truy vết điện thoại.
Nhóm tự mua một đường link tài liệu để làm mẫu điền thông tin, tự xuất báo cáo nên nhanh hơn tốc độ thủ công rất nhiều. Gọi điện truy vết xong, sinh viên đánh dấu và báo cáo các F0 hiện còn trong cộng đồng, để đội truy vết cộng đồng và cơ quan y tế địa phương đến đưa đi cách ly
"Chúng mình khai thác rất kỹ các mốc dịch tễ và thời điểm khởi phát triệu chứng của F0, F1 đã được cách ly, xét nghiệm chưa? Nhà họ đã được khoanh vùng, phun khử khuẩn chưa? Chúng mình cố gắng tạo kênh thông tin hai chiều giữa các F và địa phương để xử lý", Hải nói.
Cả nhóm chia đều công việc, nếu buổi sáng gọi điện truy vết, buổi chiều đổi ca xuống cộng đồng, thay nhau luân phiên để đảm bảo sức khỏe và tinh thần.
"Nếu không, thực sự bọn mình rất kiệt sức", Hải tâm sự.
3
Những cuộc gọi truy vết
Hải gặp một số vấn đề khi truy vết qua điện thoại. Bất đồng ngôn ngữ khiến người dân Thuận An nghĩ rằng nhóm của cậu đóng giả nhân viên y tế để lừa đảo. Họ hỏi "Tại sao có số điện thoại", "Tại sao nói giọng Bắc?". Ngược lại, các bạn sinh viên đôi khi nghe tiếng miền Nam không rõ hoặc tiếng người dân tộc nói tiếng Kinh không sõi.
Khi được thông báo là F0, người dân rất lo sợ. Họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: xúc động, lo lắng, thậm chí phản ứng. Sau này, nhóm Hải thống nhất, để tinh thần F0 đỡ hoảng loạn, nhóm sẽ không thông báo họ dương tính, chỉ gọi điện để khai thác dịch tễ. Còn cán bộ địa phương sẽ chịu trách nhiệm thông báo và giải thích tại chỗ cho bệnh nhân.
Hải kể có nhiều trường hợp truy vết rất đặc biệt, như cậu con trai là F0 nhưng số điện thoại cung cấp lại của bố hoặc mẹ và đang không ở cạnh con. Khi biết con mình mắc Covid-19, họ rất lo lắng, cứ nghĩ nhóm sinh viên là nhân viên y tế, như một cái "phao cứu sinh" bấu víu để hỏi han tình hình.
Ngoài ra, nhiều F0 không muốn khai báo hoặc khai báo không thành thật, không đồng ý khai thác dịch tễ. Một vài trường hợp khác còn hơi "nặng nhẹ". Tâm lý lo lắng và hoang mang khi biết mình dương tính khiến họ trở nên như vậy. Hải sẽ giải thích với F0 tầm quan trọng của truy vết, cố gắng kiên nhẫn thuyết phục họ. Nếu không được, sẽ chuyển lại dữ liệu cho lực lượng địa phương và cơ quan chức năng.
Có người lúc gọi điện thì đang nằm ở Khoa Hồi sức tích cực vì chuyển biến nặng rất nhanh. Người nghe máy khi đó không phải F0, mà là nhân viên y tế.
Có người không hợp tác còn trêu chọc sinh viên nữ, rồi không khai báo và vòng vo chuyện khác. Nhóm phải đổi sang cho các bạn nam tiếp nhận cuộc gọi.
Thậm chí có những ca bệnh khi gọi thì được biết họ đã tử vong.
Có người lo sợ. Họ rất biết việc khai thác dịch tễ là tốt nhưng không khai báo vì người nhà không muốn vào khu cách ly. Họ bảo, "chị biết các em gọi điện thế này là chị F0 rồi, nhưng chị cũng không khai vì sợ chỗ cách ly không tốt, sợ lây nhiễm chéo".
Cũng có những F0, F1, 1- 2h sáng, gọi điện hoặc nhắn tin cho nhóm Hải. Các bạn vui vẻ tiếp nhận cuộc gọi và phản hồi với trung tâm y tế địa phương.
Nhiều người dù đã hoàn thành cách ly, âm tính rồi, vẫn gọi hỏi "phải khai báo y tế ở phường như thế nào?", "cách ly ở nhà có được ra phường khai báo không?".... Nhiều vấn đề từ sức khỏe, đến hành chính, thủ tục y tế.
"Nhiều người trong khu cách ly không hợp khẩu vị, hoặc khó thở, cũng gọi cho nhóm phản hồi, thậm chí mắng nhiếc", Hải tâm sự rồi cũng dần quen, thấu hiểu cho tâm lý của F0.
4
Truy vết F0 ngoài cộng đồng
Một trong những khó khăn khi truy vết ngoài cộng đồng chính là nguy cơ rất cao đối diện trực tiếp với F0 và F1.
Đôi khi nhóm sinh viên khai thác qua điện thoại, F0 chỉ khẳng định tiếp xúc gần 1-2 người, nhưng khi xuống địa phương truy vết trực tiếp mới phát hiện lượng F1 lớn hơn rất nhiều. Hoặc một phòng trọ, chỉ mười mấy mét vuông, san sát nhau có các F0, lịch trình di chuyển phức tạp.
Sau khi lập biên bản, bóc tách F1 để báo cáo, nhóm tiếp tục tham mưu với địa phương kế hoạch khoanh vùng chặt vì có nguy cơ cao. "Thật sự ở thành phố Thuận An và tỉnh Bình Dương lượng F0 quá lớn, nên việc làm sạch "vùng đỏ" sẽ phải kiên nhẫn, lâu dài, "quét" nhiều lần", Hải nói.
Truy vết cộng đồng là một nhiệm vụ mới với nhóm Hải. Các bạn mặc đồ bảo hộ, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Nhiều khi không xác định chính xác địa chỉ F0, nhóm phải đi bộ tìm cả cây số, có hôm găng tay tuốt mồ hôi như mưa.
"Những ngày đầu, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các bạn chưa thuần thục ngay được. Mình rất lo nguy cơ lây nhiễm chéo và động viên nhóm hết sức cố gắng để giữ an toàn".
Hải nói, một nỗi lo sợ nữa trong công tác truy vết, chính là việc bỏ sót các F. Điều quan trọng nhất khi truy vết cộng đồng là phải xác định được bệnh nhân đó là F1 hay F2. Cậu cho hay, đôi khi đúng là ở cùng nhà, nhưng F0 đã vào cách ly trong công ty 10 ngày thì nguy cơ lây cho vợ con là không có. Nhưng trên phương diện, ai cũng nghĩ, "cứ ở cùng nhà kiểu gì chả F1".
Do đó, nhóm phải xác định rõ, đó có phải F1 không hay là F2. Thời gian đầu, các bạn rất lo lắng. Sự khác nhau rất lớn khi F1 phải cách ly tập trung và F2 chỉ ở tại nhà, cho nên nếu kết luận không đúng, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống người dân.
"Có em bé nếu cách ly tập trung, mẹ phải đi theo. Họ vào khu cách ly nhỡ lây nhiễm chéo thì làm sao? Chúng mình căng thẳng nhất khi đứng giữa lựa chọn đặt bút xuống kết luận họ là F mấy", Hải nói.
Với những trường hợp không xác định rõ, nhóm bám sát hướng dẫn chuẩn của Bộ Y tế, nếu khó khăn quá sẽ xin ý kiến y tế địa phương hoặc các thầy cô và chuyên gia dịch tễ ở trường.
"Có trường hợp truy vết xong, gia đình F0 gọi điện khóc lóc với chúng mình, bảo mẹ em chừng này tuổi rồi, sợ bà vào khu cách ly tập trung lây nhiễm. Nên đôi khi công việc định danh các F vừa là công việc chuyên môn vừa là trách nhiệm xã hội".
5
Động viên nhau nếu không may nhiễm thì cũng đã tiêm 2 mũi vaccine rồi
Nhóm sinh viên của Hải được địa phương tạo điều kiện ăn ở và sinh hoạt đầy đủ. Dù đôi khi bữa ăn không hợp khẩu vị hay lương thực không đủ, nhóm sẵn sàng chia sẻ khó khăn với địa phương, để cùng nhau bước qua đại dịch.
Nhóm chia 3 dãy ở, mỗi nhóm một đặc thù công việc sẽ ở cùng một dãy. Đề phòng trường hợp có sinh viên dương tính, sẽ khoanh vùng cách ly rất nhanh, giảm thiểu nguy cơ và tăng tính an toàn. Cuối ngày, nhóm báo cáo tổng kết, đọc tài liệu, trao đổi chuyên môn với nhau để tăng kiến thức thực tế.
Hiện tình hình dịch tại Bình Dương đang rất căng thẳng, chỉ sau TP.HCM. Hải và các bạn không bất ngờ khi số lượng ca bệnh tăng nhanh. "Đúng là một đợt dịch gây quá tải cho hệ thống y tế địa phương", Hải thở dài.
Nhóm chỉ lo lắng không biết ổ dịch đang ở đâu, đã được khoanh vùng, cách ly chưa. Vậy nếu số ca nhiễm tăng nhanh, công việc truy vết nhóm đang thực hiện liệu có thực sự hiệu quả? Nếu không thì phải làm theo hướng mới nào? Khi nào dập dịch xong, và sâu xa hơn là bao giờ được về nhà?
"Số lượng ca bệnh tăng và chưa đạt đỉnh, thì chúng mình phải thay đổi chiến lược. Tuần trước, các thầy ở trường, hôm nay thì cán bộ địa phương, họp cùng chuyên gia, thầy cô, để tư vấn địa phương cho chúng mình chiến lược mới".
Hải không lo lắng, nhưng cảnh báo nguy cơ thành F0, F1, F2 bất cứ lúc nào đối với tất cả sinh viên. Tâm thế xác định thật sự nếu mắc ai cũng lo, nhưng cố gắng động viên "có nhiễm thì cũng đã tiêm 2 mũi vaccine rồi" và lạc quan, cố gắng hết sức cho công việc truy vết.
Vì mải miết công việc, 3-4 ngày Hải mới gọi được cho bố mẹ một cuộc điện thoại. Thậm chí bố mẹ nhắn tin, cậu không có thời gian trả lời. Đến lúc nhớ ra thì tin nhắn đã trôi rất nhanh. Bố mẹ giận dỗi dễ thương "tao hỏi mày, mày không thèm nghe".
Mỗi lần gọi về, bố mẹ đều hỏi "có an toàn không?", "sức khỏe thế nào?", "ca bệnh tăng nhiều nhỉ?", "ăn uống có hợp khẩu vị, ngủ được không?", "số lượng công việc như thế nào?".
"Thật ra đôi khi mình biết gia đình lo, nhưng trong thời điểm nhiều việc, không thể trả lời ngay", Hải kể.
Trong ngày 12/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận tổng 3.028 ca Covid-19, tăng 139% so với ngày 11/8, nâng tổng số ca bệnh trong đợt dịch thứ 4 lên 36.776. Qua ghi nhận, Tân Uyên, Thuận An và Phú Giáo có số ca mắc tăng nhiều nhất. Các địa phương giảm gồm Bàu Bàng, Dĩ An và Bắc Tân Uyên. Lũy kế có 7.856 bệnh nhân được xuất viện. Trong ngày, 42 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 284.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)