Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 07/2020

30/06/2020 09:43:45

Tháng 7 này, hàng loạt chính sách mới cũng được áp dụng, có thể kể đến: Bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức, nâng chuẩn trình độ giáo viên, tăng mức giảm trừ gia cảnh...

Chính thức bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức

Ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Theo đó, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

 

Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Điều đáng chú ý tại Luật này, hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ.

 

Theo đó: Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.

Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây.

Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là: Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;

Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.

Nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Cũng tại kỳ họp thứ 8, ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Dân quân tự vệ. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

So với hiện nay, khi Luật này được áp dụng, sẽ có thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như: Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong quân đội; Có vợ hoặc chồng là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong công an.

Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Là lao động duy nhất trong hộ nghèo; hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra.

Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%.

Người đang học tại trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.

 

Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:

Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;

Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.

Lần đầu tiên có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thư viện thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Luật Thư viện 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Luật này đã chính thức đưa ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.

Luật cũng quy định, thư viện được tổ chức theo 2 mô hình: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập. Đồng thời Luật cũng quy định rõ:

Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản;

Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhận nước ngoài, công đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật