Siết chặt quy định cá nhân vận động từ thiện
Nghị định 93 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hiệu lực từ ngày 11/12.
Thay đổi lớn nhất trong nghị định này so với quy định hiện hành là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đều có thể vận động quyên góp từ thiện nhưng đi kèm với những điều kiện chặt chẽ.
Theo đó, khi vận động từ thiện, cá nhân phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Đáng chú ý, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, đồng thời, phải ghi chép, biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ.
Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng
Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước quy định, từ ngày 1/12 năm nay đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019.
Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019 của Chính phủ. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và các tổ chức cá nhân có trách nhiệm thi hành nghị định này.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã có lần giảm thứ 2 trong 2 năm qua. Việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sẽ góp phần kích cầu thị trường xe trong nước.
Đối với các thành phố lớn mức phí trước bạ đối với ô tô con là 12%, các địa phương khác là 10%. Nếu theo quy định mới, ô tô con lắp ráp trong nước sẽ được giảm còn 6% ở các thành phố lớn và 5% ở các địa phương khác.
Xe kinh doanh hoàn tất đổi sang biển số vàng
Theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đến trước ngày 31/12/2021, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen. Cụ thể gồm: taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.
Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12, chủ xe có thể sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 4 - 8 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định đến hết ngày 31/12/2021.
Mẫu giấy chứng nhận đăng ký xe ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an và biển số xe ô tô, rơmoóc, sơmi rơmoóc đã sản xuất trước ngày Thông tư số 58/2020/TT-BCA có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2020.
Bỏ quy định đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc
Nghị định 89/2021 có hiệu lực từ 10/12 đã bãi bỏ nội dung đào tạo, bồi dưỡng Tiếng dân tộc, Tin học và Ngoại ngữ khi bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung bồi dưỡng hiện chỉ còn: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ sau đó đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Thay vào đó, các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
So với Nghị định 101/2017, Nghị định 89/2021 cũng không còn quy định về hình thức bồi dưỡng tập sự với cán bộ, công chức, viên chức và hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.
Giáo viên chỉ còn một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Trong khi Nghị định 101 thì quy định viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV, III, II, I.
Ngân hàng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu
Đây là nội dung mới đáng chú ý được ghi nhận tại Điều 3 Quyết định 32 của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 12/12.
Theo quy định mới, khi ngân hàng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người gửi tiền tại ngân hàng đó sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
Trước đó, theo Quyết định 21 của Thủ tướng, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa chỉ có 75 triệu đồng.
Ngoài ra, Quyết định 32 cũng nêu rõ các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả trước ngày 12/12/2021 thì hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn áp dụng theo Quyết định 21/2017 là 75 triệu đồng.
Đổi thẻ ATM sang thẻ chíp
Lộ trình đề ra tại Thông tư 41/2018 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, đến ngày 31/12/2021 toàn bộ thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chíp nội địa.
Từ sau ngày 31/12, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chíp; loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị "khai tử" và không còn được chấp nhận sử dụng tại các cây ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.
Theo hướng dẫn từ các ngân hàng, có hai cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip: Thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.
Tiêu chuẩn với người ra nước ngoài học tập bằng nguồn ngân sách
Nội dung này được quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có hiệu lực từ ngày 1/12.
Theo đó, công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
- Không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng.
- Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác).
- Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên).
Công an xã được giao trách nhiệm tương đương công an phường
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/12, gồm 2 đổi mới quan trọng.
Thứ nhất, bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã. Tức là trách nhiệm của công an xã tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an.
Các lực lượng này có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thứ hai, bổ sung quy định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, và tạm định đình chỉ vì bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)