Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/1/2016. Nghị định quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội.
Cũng theo nghị định, từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Nghị định mới quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/1/2016. Ảnh: Lao động |
Tăng lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng
Nghị định 122/2015 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.
Đồng thời, Chính phủ cũng quy định, từ 1/1/2016, sẽ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
27 tuổi mới hết hạn gọi nhập ngũ
Luật Nghĩa vụ quân sự bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi (thay cho từ 18-25 tuổi như luật cũ) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.
Luật này cũng có điểm mới về đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ (thay vì đối tượng hoãn gọi nhập ngũ rộng như trước kia là học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục) thì nay quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Luật cũng quy định rõ hơn đối với trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Vợ sinh, chồng được nghỉ từ 5-7 ngày
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày. Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh con. Nếu khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Mặt trận Tổ quốc tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên
Từ ngày 1/1/2016, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân; tham gia xây dựng pháp luật; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp ý, kiến nghị với Nhà nước.
Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên chuyên trách giảng dạy người khuyết tật
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Nghị định quy định, nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)...
Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Nghị định số 108/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Nghị định quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế; thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Một trong những nội dung nổi bật là thay đổi thời điểm tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ, qua đó sẽ trực tiếp làm tăng giá xe bán lẻ tới khách hàng. Trước đây những loại xe này áp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá vốn, nhưng luật mới tính dựa trên mức giá bán buôn tới đại lý, nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn.
Công khai báo cáo kiểm toán
Luật Kiểm toán nhà nước quy định công khai báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tổng kiểm toán nhà nước tổ chức công khai báo cáo kiểm toán theo một hoặc một số hình thức như: Họp báo; công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán nhà nước; niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán.
Chính sách mới cho công nghiệp hỗ trợ
Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ban hành ngày 3/11/2015 với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực từ 1/1/2016. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này dành khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm.