Thời gian qua hành khách thường hay than phiền hành lý ở sân bay thường hay bị lục lọi, mất cắp. Vì đâu mà người dân mất lòng tin vào hải quan sân bay VN? Làm cách nào để phòng vấn nạn này?
Đây là những chiếc va li trên băng chuyền đến ở một sân bay quốc tế VN. Chúng được quấn chằng chịt những vòng băng bảo vệ - Ảnh: K.V. |
Câu chuyện về 'những chiếc vali biết nói' với những vòng băng keo chằng chịt khi qua hải quan VN của bạn đọc Kim Vân chỉ về mẹo tránh bị mất cắp đối với hành khách, nhưng lại như vết cắt cứa vào lòng tự trọng của những người Việt tử tế.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này của bạn đọc Kim Vân:
"Chuyến rồi đi du lịch Nhật Bản, trong danh mục mua sắm của mình, tôi định tìm mua một chiếc vali kéo vì hàng Nhật vốn nổi tiếng thế giới cả về chất lượng và mẫu mã. Lượn một vòng khu mua sắm cùng với cô bạn, có vô số kiểu dáng vali tôi nhìn ưng ý lắm, định mua. Nhưng bạn tôi lại tỏ ra kỹ lưỡng và giàu kinh nghiệm hơn nhiều.
Bạn bảo: “Chị chọn mua vali thì phải tìm loại nào không được để lộ đường fermeture (khóa kéo) ra. Vì chính từ lớp vải mong manh ấy mà 'bọn nó' sẽ rạch ra dễ dàng, hàng bên trong bị mất như chơi”.
Rồi bạn chỉ cho tôi sự khác biệt từ chiếc vali của cô ấy. Khi đóng vali lại thì hai mép kín khít với nhau mà không cần dây khóa. “Phải như thế thì 'bọn nó' mới không rạch được”, cô bạn tôi nói. Bữa đó, chúng tôi đã không tìm được chiếc vali nào đáp ứng tiêu chuẩn không lộ dây kéo khóa.
Rồi thì thời gian tham quan, mua sắm… ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết, đến lúc chúng tôi đóng gói hành lý ra về. Đóng chiếc vali chứa đầy hàng miễn thuế của Nhật lại, cô em tôi bất chợt lôi đâu ra cuộn băng keo (có lẽ đã chuẩn bị từ ở nhà đem đi), quấn nhiều lớp dọc theo đường dây khóa, tiếp đó lại cuốn thêm nhiều lớp ngang vòng quanh.
Xong việc, em tôi nhìn thành quả của mình bằng một vẻ mãn nguyện. “Thế này thì 'bọn nó' mới không rạch được!”. Các thành viên khác trong đoàn cũng làm theo. Chẳng mấy chốc, cuộn băng keo hết vèo!
Tôi định không quấnn, bảo cứ để vậy đi, mình đã có khóa rồi còn gì. Nhưng mọi người đều bảo khóa không ăn thua. Em tôi kể bạn cô ấy từng bị mất 2 chai rượu Tây để trong hành lý ký gửi, không biết làm gì, chỉ biết lên facebook than vãn.
“Mà bảo hiểm có đền thì cũng chỉ trong một giới hạn nhất định, chứ đâu có căn cứ vào giá trị sản phẩm. Hàng mình mua thì quý, rồi công sức xách về mà bị mất thì hỏi có xót không”, em nói.
Một cô bạn khác tiếp lời: “Đến nơi thấy hành lý mình bị rạch, có khiếu nại thì họ cũng đổ tại quá trình vận chuyển, hành lý tự rách là xong. Họ đâu có chịu trách nhiệm chuyện hàng hóa của mình bị mất”. Nghe vậy, cuối cùng tôi cũng để cho cô em 'gia cố' chiếc vali xinh xắn của mình.
Tôi từng không tin chuyện hành lý từ nước ngoài về, khi qua hải quan Việt Nam bị ai đó rạch ra để lấy cắp đồ bên trong mà chỉ nghĩ rằng đó là tai nạn ngẫu nhiên. Nhưng thái độ cảnh giác của mọi người xung quanh sau những gì mà họ hay người thân của họ trải qua, dường như càng lúc càng phản bác lại suy nghĩ của tôi.
Và mặc dù có những cam kết từ phía cơ quan chức năng về việc giám sát hành lý qua hải quan thì chuyện cuốn băng keo cho những chiếc vali đã trở thành biện pháp đối phó phổ biến của đa số người Việt Nam từ nước ngoài trở về.
Không bàn về tính hữu hiệu hay vô nghĩa của biện pháp này, điều tôi muốn nói đến ở đây chính là vấn đề niềm tin.
Vì đâu mà người dân mất lòng tin vào hải quan sân bay Việt Nam? Vì đâu mà họ phải đề phòng cơ quan chức năng với tâm lý đề phòng kẻ trộm như vậy? Câu hỏi này phải chăng không đáng để suy ngẫm lắm?
Để rồi trong muôn vàn chiếc vali trên hành trình từ cửa khẩu này sang cửa khẩu khác mỗi ngày, có thể dễ dàng nhận ra đâu là những chiếc vali đang trên đường đến Việt Nam, do những vòng băng keo chằng chịt.
Những chiếc vali bị bít kín dường như vẫn cất lên tiếng nói đòi quyền làm đẹp mà an toàn của mình, đòi quyền được đối xử bình đẳng như những bạn bè va li khác ở khắp nơi trên thế giới.
Đó là câu chuyện trở về nhà của những chiếc vali Việt Nam.
Theo Kim Vân (Tuổi Trẻ)