Giữa năm 2022, người dân cả nước rúng động khi tiếp nhận thông tin hàng trăm người lao động Việt Nam, bằng nhiều cách khác nhau tìm cách tháo chạy, thoát thân khỏi Campuchia trở về Việt Nam.
Khi được chính quyền sở tại tiếp nhận, những người này đều nói rằng, phần lớn trong số họ là lao động vượt biên trái phép, được giới thiệu qua làm việc tại Campuchia với những lời hứa việc nhẹ, lương cao.
Trốn gia đình, rời bỏ quê hương, những người này được các đối tượng môi giới tập hợp, đưa vào biên giới các tỉnh phía Nam rồi tìm cách vượt biên sang Campuchia. Họ bị đưa vào làm việc tại sòng bài, quán game online… với lời hứa thu nhập nghìn đô mỗi tháng.
Cái bẫy
Sau khi học hết cấp THPT, V.Q. (19 tuổi, trú tại Quảng Nam) vào TP.HCM buôn bán. Tháng 2/2022, Q. vô tình thấy thông tin trên mạng xã hội tuyển dụng làm công việc về game tại Campuchia với mức lương 23-30 triệu đồng/tháng.
Thấy vậy, Q. nộp hồ sơ ứng tuyển và ngay lập tức được bên “tuyển dụng” dẫn đi làm hộ chiếu.
Ba ngày sau, Q. được đưa sang Campuchia và bán cho 1 công ty với giá khoảng 2.000 - 3.000 USD (khoảng 46 - 70 triệu). Cũng theo Q., cùng đi với em còn có rất nhiều người khác đều ở Việt Nam và được chở trên 3 - 4 chiếc xe 16 chỗ.
Anh N.S. (1987, trú tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cũng bị nhóm đối tượng lừa xuất cảnh sang Campuchia và bán cho ông chủ người Trung Quốc từ cuối năm 2020.
Theo anh S., công việc của anh là ban đêm lên mạng lập các tài khoản Facebook ảo nhằm mục đích lừa đảo người Việt Nam.
Chủ sử dụng lao động yêu cầu không được sử dụng điện thoại khi làm việc, chỉ về nơi ở mới dùng. Nếu ai để lộ, lọt thông tin, hình ảnh ra ngoài thì bị ông chủ cho người đánh đập, ép lao động khổ sai, bỏ đói và phạt 10.000 USD.
“Cứ tưởng là việc nhẹ, lương cao nhưng hầu hết những người bị lừa sang Campuchia sống cuộc sống như “địa ngục trần gian”, khó có đường về”, anh S. chia sẻ.
Vỡ mộng
Anh N.V.P. (SN 1995, trú tại phường Hải Thành, TP Đồng Hới, Quảng Bình) kể, đầu tháng 4/2021, anh tình cờ quen biết một phụ nữ tên Linh làm nhân viên dịch vụ massage tại một khách sạn ở TP Đồng Hới.
Sau một năm quen biết, anh P. cùng nữ nhân viên này thường xuyên liên lạc, trò chuyện và cả 2 có tình cảm.
Tháng 4/2022, khi Linh về TP.HCM, anh P. vẫn trò chuyện với nữ nhân viên này qua Facebook. Ngày 5/4, anh P. đi xe khách vào TP.HCM gặp Linh.
Sau đó, Linh mời anh P. xuống Long An ăn nhậu với nhóm bạn của Lin. Chẳng chút nghi ngờ gì nên nam thanh niên đồng ý.
Tại một nơi hoang vắng, ngoài Linh, anh P. còn gặp một nhóm 4 nam giới với khuôn mặt bặm trợn và 1 phụ nữ khoảng 30 tuổi.
“Nhậu được hơn 1 giờ thì em bị chuốc rượu say, choáng váng. Lúc này, 4 nam thanh niên kia đã lao vào khống chế, trói tay và dọa nạt em phải nghe lời. Nếu kháng cự sẽ đánh đập, giết chết. Vì quá sợ hãi em buộc phải nghe theo chúng” - anh P. bàng hoàng kể lại.
Ngay sau đó, 2 đối tượng dùng xe máy chở anh P. vượt biên qua Campuchia trong đêm bằng đường mòn. Đến Campuchia, chúng bán anh cho một cơ sở do người Trung Quốc làm chủ nằm biệt lập giữa rừng sâu và sống trong căn nhà ổ chuột.
Cũng giống như anh Q., S. và hàng trăm nạn nhân khác, tại Campuchia, anh P. bị ép buộc lập các tài khoản Facebook ảo kết bạn, nhắn tin kêu gọi, dụ dỗ, lừa gạt người Việt Nam nạp tiền vào các ứng dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến, làm cộng tác viên cho các sàn giao dịch điện tử để lừa, chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói, khi các nạn nhân nhận ra công việc hàng ngày của mình là tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, có ý định chạy trốn hay nghỉ làm thì bị những đối tượng được cho là quản lý tại các khu làm việc này hành hạ bằng cách bỏ đói, đánh đập không thương tiếc.
Thậm chí, nhiều nạn nhân không hề hay biết rằng, kể từ thời điểm bản thân họ bước qua biên giới Việt Nam đến làm việc tại “miền đất hứa” Campuchia, họ đã là những món hàng được trao đổi, mua đi bán lại của những ông chủ trong đường dây làm việc bất hợp pháp tại nước bạn.
Để rồi, khi nhận ra bản thân bị lừa và muốn tìm cách thoát thân, nhiều người trong số họ phải đánh đổi bằng nước mắt, máu và thậm chí là cả tính mạng của mình.
Theo Quang Thành (VietNamNet)