Nhiều em bé bị bệnh, tại nạn đối mặt với cái chết, nhưng được các bác sĩ tận tâm, nỗ lực giành lại sự sống trong gang tấc.
Nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh bé trai Nguyễn Quốc Huy bị văng ra khỏi bụng mẹ khi cả gia đình bị tai nạn tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vào cuối tháng 10/2014.
Bé trai văng ra khỏi bụng mẹ bị đứt lìa chân. Ảnh: Khánh Trung. |
25 ngày bé Huy nằm viện là từng ấy thời gian, các y bác sĩ ngày đêm nỗ lực giành lại mạng sống cho cháu. Trẻ sơ sinh chưa đến một ngày tuổi đã phải trải qua đại phẫu thuật trong tình trạng sự sống mong manh. Nhưng bằng tất cả sự cố gắng, nỗ lực của y bác sĩ, ca phẫu thuật thành công.
Bé Huy tròn 1 tuổi. Ảnh: Việt Tường. |
Được các bác sĩ tận tình chăm sóc, bé đã hồi phục kỳ diệu và xuất viện. Hơn một năm trôi qua kể từ ngày tai nạn xảy ra, nay bé trai đã thôi nôi, nặng gần 10 kg, đi được bằng chân giả và luôn nói cười.
3 giờ căng thẳng cứu bé sơ sinh bị dao đâm xuyên sọ
Bé sơ sinh 11 ngày tuổi Dương Minh Phát bị bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, quê Bến Tre) cầm con dao dài 28 cm đâm xuyên sọ ở Vĩnh Long. Sau khi sự việc xảy ra, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) điều trị.
Hình ảnh bé ngày xuất viện. Ảnh: Khánh Trung. |
Kết quả hình chụp CT cho thấy, đường dao đi vào hốc giữa hộp sọ. Ê kíp mổ phải mở xương sọ vùng trán.
"Ca phẫu thuật hết sức nguy hiểm và cần phải làm gấp để lấy con dao ra. Vấn đề lo nhất là em bé có thể ngưng thở ngay trên bàn mổ, nên ê kíp phải hết sức thận trọng. Do phải làm rất chậm rãi nên mất 5 phút sau khi mở hộp sọ, chúng tôi mới đưa được con dao ra ngoài", bác sĩ Hiếu kể lại.
Bác sĩ cho biết thêm, khi lấy dao ra, điều may mắn là kiểm soát được chảy máu. Sau đó kíp mổ tái tạo phần cứng sọ não và khâu vết thương trên trán cho bé.
"Sau 3 giờ đấu trí căng thẳng, ca phẫu thuật kết thúc, ê kíp mổ thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ gánh nặng nghìn cân", bác sĩ Hiếu cho biết. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện, đây là ca "chưa từng gặp trong lịch sử 60 năm của bệnh viện".
Sau 20 ngày điều trị, bé Dương Minh Phát hồi phục, sau đó xuất viện.
50 ngày chiến đấu với "tử thần" cứu bé gái bị mẹ đốt
Bé Nguyễn Thị Kim Linh (12 tuổi, ở Bình Thuận) bán vé số không hết, nợ đại lý 300.000 đồng nên bị mẹ đổ xăng thiêu sống.
Ngày 25/8, cháu được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Lúc này, bệnh nhi bỏng toàn thân rất nghiêm trọng.
Linh tươi cười ngày xuất viện. Ảnh: Hải An. |
50 ngày qua là "cuộc chiến" đầy căng thẳng các bác sĩ giành lại mạng sống cho bé Linh. Những ngày em nằm viện là từng ấy thời gian hàng chục y, bác sĩ ở 4 khoa sát cánh, phối hợp điều trị giúp bé vượt qua giai đoạn đau đớn nhất cả về thể xác lẫn tâm lý để mang lại nụ cười cho em ngày ra viện.
4 giờ phẫu thuật giành lại sự sống cho bé gái ngưng tim
Gặp nạn trên đường đi học, bé Yến ở Bình Dương bị xe buýt cán qua người. Khi đưa đến bệnh viện bé đã rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở nhưng các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức nghĩ còn nước còn tát, dù chỉ là chút hy vọng mong manh cũng phải cứu bằng được. Ngay lập tức, bệnh nhi được hồi sức ngưng tim và nhanh chóng chuyển vào phòng mổ.
Qua siêu âm, phát hiện Yến bị vỡ lá lách, dập thận trái, có máu trong ổ bụng. Lúc này, các bác sĩ rất căng thẳng khi xử trí hồi sức nội khoa bằng truyền máu, kết hợp với can thiệp ngoại khoa.
Trước tình huống bệnh nhi đa chấn thương và nguy kịch, bệnh viện đã huy động tất cả trưởng khoa vào phòng mổ hội chẩn. Quy trình báo động đỏ được bật lên với sự hỗ trợ của bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.
Cuộc hội chẩn thống nhất, ê-kíp bác sĩ Ngoại tổng quát Bệnh viện quận Thủ Đức sẽ mổ cấp cứu khẩn.
"Lúc tiến hành phẫu thuật, máu bé chảy rất nhiều, không thể cầm được. Máu chảy trong ổ bụng xối xả, ngược vào khoang ngực. Ai cũng lo bệnh nhi có thể mất trên bàn mổ", bác sĩ Dũng nhớ lại giây phút cam go.
Khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật là mạch và huyết áp bệnh nhi dao động liên tục, khó kiểm soát. Lúc này, các bác sĩ đã sử dụng 10 đơn vị hồng cầu lắng 250 ml, 10 đơn vị plasma tươi, 10 đơn vị kết tủa lạnh, 6 đơn vị tiểu cầu để truyền hồi sức cho bé Yến.