Những bác sĩ tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh nCoV bị hàng xóm xa lánh: Không thể đón con, không thể ở trọ, gia đình cũng bị vạ lây

11/02/2020 07:27:47

Dù là những "chiến sĩ" trên tuyến đầu mặt trận đẩy lùi dịch bệnh nCoV nhưng rất nhiều bác sĩ lại bị hàng xóm, xã hội xa lánh như thể họ là bệnh nhân nhiễm virus. Không thể đón con, không thể ở trọ, thậm chí gia đình cũng bị vạ lây... đối với họ, áp lực từ công việc còn không lớn bằng áp lực từ xã hội.

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV (Corona) vẫn đang diễn biến phức tạp. Giữa "cơn bão" bệnh dịch quay cuồng, học sinh - sinh viên đã được cho nghỉ học, những người khác thì chọn cách ở nhà, tránh mọi nguy cơ lây nhiễm, thế nhưng đội ngũ y bác sĩ thì vẫn luôn túc trực tại các bệnh viện, bất kì tình huống nào cũng sẵn sàng chủ động để tiếp nhận và cứu giúp các bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới TW (Hà Nội) nơi được coi là một trong những tuyến đầu trên mặt trận đẩy lùi dịch bệnh do virus nCoV, những y bác sĩ tại đây phải đối mặt với áp lực công việc khổng lồ khi trong 2 tuần vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận đến hơn 200 bệnh nhân nghi nhiễm virus.

Gồng sức thực hiện nhiệm vụ với cộng đồng, thế nhưng đáng buồn thay, áp lực lớn nhất của những y bác sĩ ấy lại đến từ chính xã hội, từ những người dành cho họ ánh nhìn thiếu thiện cảm bởi lo ngại họ có thể bị nhiễm virus nCoV trong quá trình tiếp xúc với người bệnh.

Những bác sĩ tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh nCoV bị hàng xóm xa lánh: Không thể đón con, không thể ở trọ, gia đình cũng bị vạ lây
Khu vực các ly tại Bệnh viện Nhiệt đới TW.

Hàng xóm xa lánh, gây áp lực vì là nhân viên y tế

Chương trình Việt Nam hôm nay của Trung tâm tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc và lắng nghe chia sẻ từ các y bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới TW về những áp lực kể trên.

Chia sẻ với phóng viên, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TW cho biết anh đã túc trực tại bệnh viện từ hôm mùng 2 Tết (tức 26/1 dương lịch) và đến nay vẫn chưa về nhà. Bác sĩ Cấp tâm sự, sau mỗi ca trực mệt mỏi, nhiều y bác sĩ tại bệnh viện còn rất buồn bởi công việc đã khiến họ như bị cô lập khỏi cộng đồng, hàng xóm láng giềng sợ nguy cơ nhiễm bệnh nên đã xa lánh, thậm chí gây áp lực đến nơi ăn, chốn ở của các y bác sĩ.

Bác sĩ Cấp nói: "Một số anh chị em tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sẽ phải tự cách ly, chính vì vậy đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình, có thể là không được về nhà, không được đi đón con. 

Có một số nhân viên của chúng tôi có báo cáo tình trạng bị những người dân xung quanh họ kỳ thị, bảo nhau không muốn tiếp xúc. Thậm chí họ còn gây sức ép với những chủ nhà trọ không cho những nhân viên y tế được trọ ở đấy. 

Chúng tôi luôn luôn nắm bắt được những vấn đề như thế, có những hướng giải quyết cũng như động viên an ủi để anh chị em vững tâm làm việc".

Những bác sĩ tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh nCoV bị hàng xóm xa lánh: Không thể đón con, không thể ở trọ, gia đình cũng bị vạ lây - 1
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TW - Ảnh từ phóng sự của Việt Nam hôm nay

Quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm với công việc, với cộng đồng mà không được những người xung quanh thấu hiểu, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, thế nhưng đến giờ vẫn chưa một y bác sĩ nào tại Bệnh viện Nhiệt đới TW bỏ việc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ thêm, đối với anh và những y bác sĩ khác tại bệnh viện, những khó khăn kể trên chỉ là một điểm tối nhỏ trong bức tranh nhiều ánh sáng.

Bác sĩ Cấp nói: "Những điều tôi vừa nói chỉ là những điểm tối rất nhỏ trong bức tranh chung. Điều cơ bản chúng tôi thấy được tất cả các ngành, các cấp cùng người dân vẫn ủng hộ chúng tôi, chúng tôi vẫn biết ơn vì điều đó.

Chúng tôi vẫn bảo nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, tôi hoàn toàn có cơ hội đi làm những công việc khác với mức thu nhập tốt hơn, thế nhưng chẳng hiểu sao lại gắn bó với nghề này gần 20 năm nay". 

Những bác sĩ tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh nCoV bị hàng xóm xa lánh: Không thể đón con, không thể ở trọ, gia đình cũng bị vạ lây - 2
Các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TW luôn trực chiến ở bệnh viện để kịp thời hỗ trợ những trường hợp khẩn cấp

Gia đình cũng bị ảnh hưởng, làm công việc chống dịch vẫn bị xã hội kỳ thị và cách ly

Tại Bệnh viện Nhiệt đới TW, ngoài những bác sĩ còn có đội ngũ điều dưỡng viên là những người trực tiếp chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Suốt thời gian qua khi tham gia điều trị cho người bệnh, những điều dưỡng viên này không chỉ chịu áp lực công việc mà còn phải chịu cả những áp lực từ dư luận.

Những y bác sĩ đều thuộc nằm lòng những nguyên tắc nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và luôn tuân thủ nghiêm ngặt, bởi đó là điều sống còn trong công việc. Dù vậy khi rời bệnh viện về nhà, họ vẫn không khỏi chạnh lòng trước ánh nhìn không mấy thiện cảm từ xã hội.

TS - Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới TW chia sẻ: "Chúng tôi vẫn nói với nhau về những vấn đề gia đình các bạn đang gặp phải như người dân địa phương không muốn các bạn về nhà, con cái và gia đình cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng chúng tôi hoàn toàn có kiến thức và biết cách để cách ly, khử khuẩn, vì chúng tôi cũng rất sợ chứ, sợ về nhà lây nhiễm cho người thân.

Nhiều lúc cũng thấy buồn và tủi thân vì mình chỉ đang làm công việc chống dịch thôi nhưng vẫn bị xã hội kỳ thị và cách ly. Nhưng chúng tôi đã xác định dù có điều gì thì vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp sức mình vào công cuộc chống dịch bệnh".

Những bác sĩ tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh nCoV bị hàng xóm xa lánh: Không thể đón con, không thể ở trọ, gia đình cũng bị vạ lây - 3
TS - Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới TW - Ảnh từ phóng sự của Việt Nam hôm nay

Những y bác sĩ vẫn đang từng ngày, từng giờ đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến chống nCoV, không coi công việc của mình là đặc biệt mà chỉ là đang thực hiện nhiệm vụ. Trước dịch bệnh, họ chọn cách tập trung vào công việc và động viên nhau hoàn thành tốt. 

Và cũng trước dịch bệnh, mong rằng người dân sẽ trang bị cho mình kiến thức đúng đắn để hiểu rõ hơn về công việc của những "chiến binh áo trắng", đón nhận họ với sự tôn trọng và biết ơn chân thành.

Theo Tùng (Trí Thức Trẻ)