Bà Năm Lũng bán bún qua đời để lại gia sản 1.000 tỷ, sóng gió nổi lên vì tranh chấp tài sản
Năm 2011, thông tin về khối tài sản để lại của bà chủ cơ sở sản xuất bún gạo gây xôn xao. Ngày10/3/2011, bà Thạch Kim Phát (hay còn gọi là Năm Lũng) đột ngột qua đời ở tuổi 65. Sau khi lo liệu xong tang lễ, gia đình phát hiện bà để lại số tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng gồm: vàng, kim cương, ngoại tệ, 23 sổ tiết kiệm, nhiều giấy tờ sở hữu nhà cửa đất đai…
Nghề sản xuất bún gạo là do cha mẹ bà Phát truyền lại từ trước năm 1975. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cộng thêm sự nhạy bén trong kinh doanh nên bà gầy dựng được khối tài sản đồ sộ.
Tương truyền bà Phát lúc còn sống rất tiết kiệm, chấp nhận ăn mắm ăn muối, sống kham khổ để tích lũy tài sản. Sự thức thời và nhạy bén của người phụ nữ làm bún thể hiện ở việc chi tiền đúng lúc để mua đất với diện tích lớn, hàng chục ngàn mét vuông. Mua đất xong xây nhà cho thuê, xây nhà xưởng…ước tính mỗi tháng thu lợi vài tỷ đồng.
Dù giàu có nhưng theo bà con lối xóm, bà Phát sống giản dị, không phách lối thể hiện người có tiền, hòa đồng với hàng xóm xung quanh. Thậm chí bà Phát trông còn rất “nghèo khổ” với đôi dép nhựa sờn, chạy xe Dream lùn cũ, mặc quần áo cũ.
Bà Phát không có chồng con nhưng có nhận 3 con gái nuôi. Trong đó chỉ có chị Thạch Hà Huệ Lan (sinh năm 1987) có giấy tờ nhận con nuôi hợp pháp. Vì bà Phát ra đi đột ngột, không để lại di chúc nên theo luật chị Huệ Lan được thừa hưởng khối tài sản “khủng”.
Tuy nhiên, mọi chuyện không xảy ra dễ dàng như vậy khi người thân của bà Phát không đồng ý để chị Huệ Lan hưởng trọn tài sản, từ đó tranh chấp xảy ra. Chị Huệ Lan phải hầu tòa 3 lần để giải quyết kiện tụng với những người yêu cầu trả lại tài sản từ tiền đến đất đai từng giao cho bà Phát quản lý, sử dụng. Trong đó chỉ có vụ kiện với em trai bà Phát là ông Thạch Lai Kim, chị Huệ Lan trả lại số tiền 100.000 USD theo phán quyết của Toà. Còn 2 vụ kiện tranh chấp 90.000 Euro và khu nhà 2.000 m2 trên mảnh đất 3.000 m2 đều bị Tòa án hoãn hoặc đình chỉ do không đủ giấy tờ.
Đời sống của người thừa kế gia sản nghìn tỷ đầy bí ẩn, ít thông tin được chia sẻ. Thậm chí khi xảy ra tranh chấp tài sản, chị Huệ Lan phải thuê vệ sĩ bảo vệ ngày đêm.
Chị Huệ Lan được bà Phát nhận nuôi vào năm 1987, nhưng đến năm 2007 mới có giấy tờ hợp pháp. Người phụ nữ này được mẹ nuôi cho ăn học đàng hoàng, du học Singapore và Đức. Những người từng tiếp xúc với chị Huệ Lan nhận định cô rất thông minh, nói được 4 thứ tiếng Anh, Đức, Pháp và Trung Quốc.
Đến năm 2014, tức 3 năm sau ngày bà Phát mất, những vụ kiện tụng được hoãn hoặc đình chỉ, mọi chuyện dần lắng xuống. Sau hơn chục năm, hiện không ai rõ người thừa kế gia sản 1.000 tỷ đang ở đâu. Có thông tin sau khi lo ma chay cho mẹ nuôi, chị Huệ Lan đã đem theo phần tiền còn lại ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên điều này chưa được xác thực.
Mộ phần của bà Thạch Kim Phát được con gái nuôi lo liệu chu toàn tại Tây Ninh trên một khuôn viên đất rộng lớn được mua với giá 275 triệu đồng, tiền xây một hơn 2 tỷ đồng, mỗi ngày có người vào chăm sóc.
Bà chủ hàng bún “chửi” lên cả CNN, phải tiết chế vì vắng khách
Với những thực khách đương thời, chắc hẳn sẽ biết đến bà Thảo với gánh bún dọc mùng "chửi" trứ danh. Bà Thảo bán bún từ năm 1982, hiện tại có địa chỉ trên đường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Nhắc đến cụm từ “bún mắng cháo chửi”, nhiều người nghĩ ngay đến quán bà Thảo. Người phụ nữ này cũng thừa nhận trước đây nóng tính hơn, sau đã có phần tiết chế.
Năm 2016, quán bún của bà Thảo xuất hiện trong chương trình ẩm thực nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ (CNN). Những hình ảnh của ẩm thực Việt được quảng bá đến bạn bè quốc tế gây chú ý nhưng cũng không ít tranh cãi.
Tại thời điểm đó, lượng khách đến quan đông gấp đôi, thậm chí phải xếp hàng để chờ đợi. Nhiều người chấp nhận “vừa ăn vừa nghe chửi”. Bún ở quán của bà Thảo được đánh giá thơm ngon, đậm đà nhưng những câu “chửi” khiến không ít thực khách phàn nàn. Thậm chí việc bà Thảo chửi khi bán hàng cho khách còn trở thành “trend” trên mạng xã hội.
Sau một thời gian gây tranh cãi, có lúc hàng bún của bà Thảo vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng thêm thực khách lựa chọn đến những nơi rộng rãi, có nhân viên phục vụ tận tình để ăn. Bà Thảo cũng dần thay đổi cung cách phục vụ khách hàng.
Nhiều người đến ăn hàng bún này cho biết chủ quán đã thay đổi nhiều, niềm nở vui vẻ hơn trước. Bà Thảo cho biết tính cách vốn nóng nảy, ăn nói có phần bổ bã nhưng đã kiềm chế nhiều. Người làm cho bà Thảo cũng chia sẻ dù hay nói to nói lớn nhưng tâm tính của bà tốt, nói xong rồi lại thôi.
Một trong những điều khiến khách quay trở lại quán bún của bà Thảo chính là hương vị bao nhiêu năm không thay đổi, đậm đà, có chất riêng. Nhiều người ăn ở đây từ khi còn nhỏ, đến lúc đã trưởng thành, tuổi trung niên vẫn luôn muốn thưởng thức hương vị ấy.
Gánh bún bò Huế hơn nửa thế kỷ chuẩn vị xưa, 25.000 đồng/tô nhưng ai khó khăn mua 10.000 đồng cũng bán
Bún bò Huế là món ăn nổi danh khắp nơi, được chế tạo thành nhiều phiên bản khác nhau ở từng vùng miền. Nhưng để thưởng thức tô bún bò Huế đúng chất Huế, chắc chắn phải một lần đến đất cố đô, ngồi bệt bên những gánh bún thơm nức của các mệ, các o.
Tại Huế, thủ phủ của bún bò Huế không hiếm những gánh bún với tên gọi bắt nguồn từ “mệ” hay “o” kèm theo tên của người chủ. Một trong số đó là gánh bún bò của O sang, tồn tại hơn nửa thế kỷ. Người đứng bếp chính là mệ Phan Thị Gái, năm nay hơn 80 tuổi, đã bán được hơn 50 năm. Gánh bún nhỏ, đặt vài chiếc bàn ghế nhựa cho khách ngồi ăn, hương vị đặc trưng của xứ Huế và cái tình của người chủ là điều thu hút nhất.
Mệ Gái nắm bắt được tất cả những thói quen ăn uống và tinh túy của món bún bò Huế để cho ra món ăn tròn vị nhất, đậm đà của người miền Trung. Những vị khách quen đến đây đều kết cách nêm nếm vừa đủ của mệ Gái.
Mỗi tô bún bò của mệ Gái được bán với giá 25.000 đồng, nhưng nếu người lao động mua 10.000 đồng mệ cũng bán và bỏ thêm để họ ăn được no. Nhiều khi thấy người ta cực khổ mệ cũng không nỡ lấy tiền.
Gánh bún bò của mệ Gái cứ thế tồn tại qua hơn nửa thế kỷ, làm say đắm thực khách bởi hương vị chuẩn, thơm ngon và sự nồng hậu, dễ thương của người bán.
Từ đi bán vé số đến chủ quán bún bò 20 chi nhánh, mua nhà mua xe ở Sài Gòn
Rời Huế vào TP.HCM để mưu sinh từ năm 8 tuổi, chị Trương Thị Hạnh (38 tuổi) làm nhiều nghề từ bán vé số, đậu phộng luộc để kiếm tiền gửi về quê phụ mẹ nuôi các em. Bỏ học khi mới lên lớp 3, thân gái giữa thành phố đông đúc nhộn nhịp, chị Hạnh tự nhủ phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời.
Sau nhiều năm lang thang nhiều nơi với nghề không ổn định, chị Hạnh quyết định tự mở gánh bán phở, bún bò, bún riêu dạo để mưu sinh quanh khu vực chợ Đa Kao (quận 1, TP.HCM). Bắt đầu với gánh hàng rong, bán 3.000 - 4.000 đồng/tô, chị Hạnh gầy dựng lên được cơ ngơi với 20 chi nhánh bún bò trên khắp TP.HCM. Với nhiều người ở Sài Gòn, ít nhiều gì đã từng ghé hoặc nhìn thấy quán bún bò mang thương hiệu của chị Hạnh.
Điểm nhấn trong những tô bún bò của chị Hạnh thu hút thực khách chính là nhờ hương vị đặc trưng đậm chất Huế. Đặc biệt theo chị Hạnh, quán của chị nêm thêm mắm ruốc, thứ gia vị đặc biệt khi nấu bún bò của người miền Trung. Đồng thời để tích lũy thêm kinh nghiệm, ở đâu bán ngon chị Hạnh đều tìm tới ăn để phân tích hương vị, cách nêm nếm của người ta. Hiện tại mỗi tô bún bò tại quán dao động từ 35.000 - 60.000 đồng.
Cơ ngơi của chị Hạnh hiện đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 nhân viên, trong đó đa số là bà con họ hàng từ quê vào phụ giúp. Ngoài 20 chi nhánh tại TP.HCM, chị Hạnh còn mở thêm 3 quán bún bò ở quê chồng Quảng Ngãi.
Nhờ gánh bún bò năm xưa và ý chí vươn lên, xây dựng sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng, chị Hạnh giờ đây làm bà chủ, từ ở nhà thuê nay đã mua được nhà, mua xe, nuôi con ăn học đàng hoàng ở TP.HCM.
Theo Thành Giang (Phụ Nữ & Pháp Luật)