Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… được xem là quấy rối tình dục khi nào?

01/06/2022 07:05:54

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, nhận xét trang phục, cơ thể…được xem là quấy rối tình dục nếu những hành vi không được mong muốn, bị đồng nghiệp phản ứng.

“Nhìn gợi tình” được xem là quấy rối tình dục khi nào?

Bộ LĐ,TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo đó, quấy rối tình dục được định nghĩa là hành vi có tính chất tình dục đối với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận. Dự thảo quy định 3 hình thức quấy rối gồm: Quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói và bằng ngôn ngữ cơ thể.

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… được xem là quấy rối tình dục khi nào?
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo dự thảo, quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc cơ thể hoặc cố tình động chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp... cho tới cưỡng dâm, hiếp dâm.

Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...

Quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể được hiểu là hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục, biểu hiện không đứng đắn, phô bày tài liệu mang tính phô dâm, gửi ảnh hoặc đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Diễn giải thêm về hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ cơ thể, đại diện Vụ pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH) khi trao đổi với báo chí cho biết, hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục không được xem là quấy rối tình dục nơi công sở. Chỉ khi các hành vi này khiến đồng nghiệp đó không đồng thuận (không thoải mái), mới được xem là hành vi quấy rối tình dục nơi công sở.

Các hành vi không được coi là quấy rối tình dục bao gồm khen ngợi, khích lệ thông thường. Còn hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em) được đối phương đáp ứng lại dù không được xem là quấy rối nhưng có thể vi phạm kỷ luật lao động doanh nghiệp nếu có trong nội quy công ty.

Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trên không phải bộ quy tắc mới, Dự thảo này đã được đưa ra từ năm 2015 nhưng chưa được thông qua.

“Quấy rối tình dục” cần được hiểu một cách đầy đủ

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đặc điểm của hành vi quấy rối tình dục là hành vi phải có tính chất tình dục và phải là hành vi mà người tiếp nhận nó không mong muốn nên tạo ra những cảm giác phiền hà, khó chịu, xấu hổ, bất an.

Hành vi quấy rối tình dục có thể ở mức độ lời nói, hành vi, cử chỉ không có tiếp xúc nhưng cũng có tác động đến tâm lý, suy nghĩ, lo lắng, xấu hổ, bất an, sợ hãi cho nạn nhân liên quan đến các yếu tố tình dục. Hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng hơn có thể ở dạng tiếp xúc cơ thể, tấn công tình dục, xâm hại tình dục, như dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm...

Do đó, khái niệm quấy rối tình dục cần được hiểu một cách đầy đủ thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, các chuẩn mực xã hội chung, làm cơ sở để bảo vệ danh dự nhân phẩm của con người, bảo vệ quyền con người. Khi đó, quyền tự do tình dục của mỗi người sẽ được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo an toàn và là cơ sở để áp dụng các chế tài của pháp luật.

Đánh giá về dự thảo, luật sư Cường cho rằng, dự thảo nghị bộ quy tắc ứng xử lần này đưa ra khái niệm tương đối bao quát, đầy đủ và thống nhất với các khái niệm chung, thông dụng mà các quốc gia đang sử dụng hiện nay. Những hành vi bằng lời nói, ánh mắt có tính chất trêu ghẹo, khiêu khích như: nhìn chằm chằm vào ngực, vào mông... hay những hành vi nheo mắt, đá lưỡi... có tính chất tình dục khiến người khác cảm thấy xấu hổ bất an, cảm thấy nguy cơ bị xâm hại tình dục thì đây cũng là hành vi quấy rối tình dục...

Dự thảo này định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là quy tắc ứng xử, làm cơ sở để xem xét đến tư cách đạo đức của người lao động, đánh giá quan hệ ứng xử với đồng nghiệp, có thể làm cơ sở để xem xét xử lý kỷ luật, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng khái niệm về quấy rối tình dục trong lĩnh vực lao động như vậy là hợp lý để bảo vệ danh dự nhân phẩm của người lao động cũng như là những người tham gia vào mối quan hệ lao động. Khái niệm này được hiểu một cách thống nhất đầy đủ sẽ tạo ra chuẩn mực trong ứng xử giao tiếp ứng xử trong môi trường lao động.

Việt Nam đang thiếu những quy định và quy tắc để phòng chống bạo lực tình dục

Luật sư Cường cho rằng, Việt Nam đang thiếu những quy định và quy tắc để phòng chống bạo lực tình dục.

Thời gian qua tội phạm xâm hại tình dục và các hành vi xâm hại tình dục ở Việt Nam diễn biến phức tạp, gây tâm lý lo lắng, bất an cho nhiều người, khiến đạo đức xã hội xuống cấp. Cần phải có những khái niệm đầy đủ, cụ thể về những hành vi liên quan đến tình dục, xâm hại tình dục, có những nguyên tắc ứng xử phù hợp với một xã hội văn minh, tôn trọng quyền con người, danh dự nhân phẩm.

Ở Việt Nam những hành vi xâm hại tình dục được liệt kê, mô tả và quy định chế tài như: dâm ô, sàm sỡ, quấy rối tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm, giao cấu... Trong đó, dâm ô người dưới 16 tuổi, giao cấu trái ý muốn, hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn... là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.

Khái niệm "quấy rối tình dục" ở Việt Nam, đến nay chưa được nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập, chỉ có trong lĩnh vực lao động và lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, liên quan đến chế tài xử phạt quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội mới bước đầu đề cập tới khái niệm này.

Tuy chưa được pháp luật đưa ra bằng khái niệm cụ thể nhưng đã có quy định về chế tài xử phạt hành chính, theo đó hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng tùy mức độ hành vi.

Đối với lĩnh vực lao động thì hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc được quy định tại khoản 9, Điều 3 Bộ luật lao động 2019: "hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.".

Theo đó, hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Như vậy, hành vi quấy rối tình dục có thể bằng lời nói hoặc bằng hành động tiếp xúc trực tiếp. Hành vi có thể ở dạng dâm ô hoặc là hành vi cưỡng dâm, hiếp dâm. Bởi vậy, tùy vào từng hành vi cụ thể mà người vi phạm sẽ bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự.

Hành vi quấy rối tình dục trong môi trường lao động sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của hành vi và hậu quả cụ thể. Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)