Nhiều tỉnh thành thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... dù ít có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 2, nhưng vẫn khẩn trương phòng chống bão.
Tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu vực quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG |
Hải Phòng: Kiểm tra và dừng các công trình đang thi công
Tại Hải Phòng, chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các quận, huyện phụ trách bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm và khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vĩ), khu nuôi trồng thuỷ sản....
Hiện việc thi công tại khu vực cầu Tân Vũ - Lạch Huyện cũng được tạm dừng để chờ sau khi bão tan.
Đến nay, lực lượng Biên phòng thành phố Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo đến 2.992 phương tiện, 494 lồng bè, 250 chòi canh đang có người hoạt động.
Hiện vẫn còn 370 phương tiện với 939 lao động đang hoạt động, trong đó 27 phương tiện hoạt động xa bờ và 343 phương tiện hoạt động gần bờ.
Dự kiến đến trước 17h ngày 16-7 sẽ hoàn tất việc kêu gọi các tàu thuyền, lồng bè di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư huyện ủy Bạch Long Vĩ, cho biết chính quyền huyện đảo đã chủ động triển khai việc cấm biển từ chiều 15-7.
Huyện đã tổ chức đưa lên bờ 60 lao động cùng với 27 phương tiện gắn máy, chèo tay.
Ông Hòa cho biết thêm, hiện trên vùng biển Bạch Long Vĩ không còn phương tiện và người hoạt động.
UBND huyện đảo cũng tổ chức 4 điểm trực chỉ huy tại UBND huyện, Ban Quản lý cảng, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, Tiểu đoàn Phòng thủ đảo trực sẵn sàng xử lý các tình huống.
Ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết địa phương vẫn đang chủ động theo sát diễn biến của bão số 2 để kịp thời đưa ra các phương án ứng phó.
Đến nay các phương tiện tàu thủy chở khách và phà vẫn đang hoạt động do lượng khách còn lưu trú tại huyện đảo từ trước đó là tương đối lớn.
Nông dân xã Vũ An, huyện Kiến Xương, Thái Bình tổ chức khơi thông dòng chảy chống ngập úng có thể xảy ra cho diện tích hoa màu - Ảnh: KHẮC DUẨN |
Thái Bình: Cần thiết sẽ cưỡng chế dân đến nơi an toàn
Tại tỉnh Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên cũng ra công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão số 2.
Ông Diên nhấn mạnh đến việc địa phương nào để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do bão số 2 gây ra thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tính đến nay, tại Thái Bình có 834 phương tiện tàu thuyền với 3.606 lao động đã vào vị trí neo đậu an toàn.
Tuy nhiên vẫn còn 363 phương tiện với 1.091 lao động đang hoạt động trên khu vực ven biển Thái Bình, hiện vẫn đang được kêu gọi vào bờ.
Hiện toàn tỉnh Thái Bình có 6.428 hộ dân với 17.513 người sinh sống ngoài đê chính cần lưu ý và có phương án sẵn sàng di dời khi cần thiết.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, chỉ đạo hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính, các bãi triều... không để bất cứ người nào ở lại khi bão đổ bộ.
Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có kế hoạch kịp thời sơ tán người dân tại các khu tập thể đã xuống cấp, cần thiết thì cưỡng chế đến nơi an toàn trước 17h hôm nay 17-6.
Nam Định: Cấm biển lúc 13h, dừng việc cấy lúa mùa
Tại Nam Định, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết địa phương tổ chức cấm các phương tiện tàu thuyền ra khơi từ 13h ngày 16-7, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền.
Ông Nghị yêu cầu các cơ quan chủ động di dời dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh về nơi an toàn, đồng thời tạm dừng việc cấy lúa mùa, bảo vệ mạ và lúa mới cấy cũng như lên các phương án để ứng phó với tình trạng ngập úng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, bến cảng, phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên đê, duy trì lực lượng, phương tiện cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Đến 15h ngày 16-7, tình hình thời tiết tại khu vực Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định vẫn âm u, tạnh ráo.
Nhiều trạm bơm tiêu úng tại khu vực tỉnh Thái Bình, Nam Định sẵn sàng hoạt động để kịp thời bơm tiêu nếu xuất hiện tình trạng mưa lớn gây ngập úng cho diện tích lúa mới gieo trồng.
Theo Tiến Thắng - Khánh Linh (Tuổi Trẻ)