Nhiều 'quái xế' sáng đi xe máy đến trường, tối lạng lách đánh võng trên đường

03/04/2024 07:24:43

Quá trình tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát 141 xử lý nhiều đối tượng lạng lách đánh võng, tàng trữ dao kiếm, công cụ hỗ trợ khi còn đang ở độ tuổi "cắp sách đến trường".

Bố mẹ biết con chưa đủ điều kiện vẫn giao xe

Vào giờ cao điểm buổi sáng, không khó để bắt gặp học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy đến trường. Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ và đi xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

Nhiều 'quái xế' sáng đi xe máy đến trường, tối lạng lách đánh võng trên đường
Nhiều học sinh điều khiển xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Đình Hiếu

Tại buổi xử lý học sinh vi phạm luật giao thông của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) vào sáng 2/4, tổ công tác phát hiện em T.L.D. (học sinh cấp 3, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe máy trên 50 phân khối, lưu thông theo hướng từ Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu.

Theo em D., do bản thân vội đi thi nên đã lấy xe máy của bố để đi đến trường.

Nhiều 'quái xế' sáng đi xe máy đến trường, tối lạng lách đánh võng trên đường - 1
Em D. cùng phụ huynh làm việc tại Đội CSGT đường bộ số 2. Ảnh: Đình Hiếu

Trước đó, tại buổi xử lý học sinh vi phạm luật giao thông của Đội CSGT đường bộ số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng đã phát hiện em N.T.T.D. (học sinh cấp 3, trú tại Ba Đình, Hà Nội) điều khiển xe máy mang BKS 29E2- 891.XX.

Qua kiểm tra, em N.T.T.D. chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy trên 50 phân khối (50cc). Tổ công tác đã mời phụ huynh D. đến làm việc.

Trình bày với Tổ CSGT, anh Mạnh (bố của N.T.T.D.) cho biết, do xe máy điện của con bị hỏng nên đã giao xe máy cho D. đến trường.

Ngày đi xe đến trường, tối lạng lách đánh võng

Đáng chú ý, nhiều phụ huynh giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe nhưng lại thiếu giám sát. Nhiều em sử dụng xe máy để đi lạng lách, đánh võng, nẹt pô...

Điển hình, vào tối 30/3, tổ công tác Y9/141 hóa trang (Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ trên đường Trần Hưng Đạo, đã phát hiện 2 thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy không đeo biển kiểm soát, lạng lách đánh võng.

Trình bày với công an, em Đ.Đ.Q. và B.Đ.M. (cùng là học sinh lớp 11, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, xe máy được bố mẹ giao cho để đi học.

Nhiều 'quái xế' sáng đi xe máy đến trường, tối lạng lách đánh võng trên đường - 2
Tổ Cảnh sát Y9/141 bàn giao người, phương tiện cho công phường sở tại tiếp tục xác minh, làm rõ. Ảnh: Đình Hiếu

"Em được mẹ giao xe cho đi học. Ngày cuối tuần, em đi xe từ huyện Hoài Đức lên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) để đi lượn phố. Em tháo biển kiểm soát xe ra chỉ để... đẹp", em B.Đ.M. cho biết.

Cũng trong tối cùng ngày, tổ Y14/141 hóa trang đã phát hiện N.K.H.N. (học sinh lớp 12, trú tại quận Cầu Giấy) điều khiển xe máy không biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm đi trên đường Trần Khánh Dư. Qua kiểm tra, tổ công phát hiện thiếu niên này tàng trữ 1 gậy ba khúc.

"Buổi tối, em đi từ quận Cầu Giấy lên Hoàn Kiếm chơi cùng các bạn. Em mang theo gậy 3 khúc trong xe để phòng thân, nếu xảy ra xô xát, va chạm trên đường thì sẽ sử dụng", M.K.H.N. nói.

Giao xe cho con đi khi chưa đủ tuổi, bố mẹ bị xử lý

Theo quy định, tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP khi bố, mẹ giao xe hoặc để cho con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng nêu rõ về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Nhiều 'quái xế' sáng đi xe máy đến trường, tối lạng lách đánh võng trên đường - 3
Học sinh điều khiển xe máy điện đi ngược chiều đường. Ảnh: Đình Hiếu

Cụ thể, người giao xe cho người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, có thể tăng nặng khung hình phạt tù lên đến 7 năm.

Thời gian qua, Cục CSGT (Bộ Công an) đã chỉ đạo CSGT Công an các địa phương xử lý nghiêm tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông, đồng thời, xác minh, xử lý phụ huynh giao xe cho con mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện.

Theo Đình Hiếu (VietNamNet)