Các ôtô đang chạy trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tốc độ hơn 100 km/h bất ngờ bị ném đá khiến vỡ kính, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người.
"Tôi cho xe dừng ngay sau trạm thu phí và báo cho nhân viên ở đây hỗ trợ. Nhân viên trạm lập tức dùng xe hai bánh đi ngược về phía dạ cầu để kiểm tra nhưng kẻ ném đá đã cao chạy xa bay...", thành viên này chia sẻ và kêu gọi mọi người hay đi về ban đêm nhớ chú ý đoạn đường này.
Chếc xe khách do anh Trần Bảo Long làm tài xế bị ném đã vỡ kính. Ảnh: H.P
Trước đó, khuya 11/9/2015 anh Trần Bảo Long lái ôtô khách chạy trên cao tốc, khi đi ngang qua đoạn thị trấn Long Thành (Đồng Nai) đã bị nhóm thanh niên ném đá vỡ kính hông xe. Nhiều hành khách trên xe giật mình, may là không ai bị thương. Ghi nhận hiện trường, nhân viên tuần tra đường cao tốc phát hiện nhiều cục đá xanh 40 x 60 mm, xung quanh khu vực chỉ có một nhà dân.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Dũng lái xe tải cũng qua thị trấn Long Thành bị một nhóm thanh niên ném gây bể kính. Những kẻ ném đá nhanh chóng bỏ chạy khi tài xế này dựng xe lại kiểm tra.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - cho biết thời gian qua công ty ghi nhận khá nhiều trường hợp tài xế ôtô chạy trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bị ném đá gây vỡ kính hay hư hỏng xe.
"Kẻ ném đá thường chạy khỏi hiện trường. Nhân viên tuần tra của công ty chỉ có thẩm quyền ghi nhận, lập biên bản và báo với công an địa phương để phối hợp xử lý. Rất may là các trường hợp chúng tôi ghi nhận được đều chỉ gây hư hỏng ôtô chứ chưa làm ai bị thương", bà Phương nói.
Kính xe tải do anh Dũng lái vỡ vì bị ném đá. Ảnh: H.P
Theo bà Phương, hành vi ném đá ôtô đang chạy trên cao tốc nguy hiểm hơn nhiều so với các tuyến đường bộ bình thường. "Ôtô chạy trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được cho phép chạy tối đa đến 120 km/h và thấp nhất cũng phải đạt 60 km/h. Nếu xe bị ném đá ở tốc độ cao, chỉ cần một cục đá nhỏ, tài xế có thể mất lái dẫn đến tai nạn nghiêm trọng", bà Phương nói.
Lãnh đạo VEC E cho biết thêm, ngay từ khi đưa cao tốc Long Thành vào khai thác đầu năm 2014, Công ty đã tổ chức tuyên truyền và ký Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tư trên đường cao tốc với công an các quận, huyện có tuyến đường đi qua.
Khi nhận được thông tin ôtô bị ném đá, nhân viên tuần tra của công ty thông tin ngay đến công an địa phương để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, do việc ném đá xảy ra chớp nhoáng, trong thời gian rất ngắn nên việc điều tra chưa đạt kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, đại diện Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin nhiều ôtô bị ném đá trên cao tốc, đơn vị đã bố trí cán bộ cùng công an xã thực hiện kế hoạch tuần tra, mật phục để phát hiện, phòng ngừa và xử lý các trường hợp này.
Theo Điều 5 Nghị định 167, hành vi ném đá phương tiện giao thông sẽ bị phạt 500.000 - 1.000.000 đồng. Trường hợp gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng mà cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, người ném đá sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự, khung hình phạt hành vi ném đá này có thể lên tới 15 năm tù.
Theo Hữu Công (VnExpress.net)