Đây là cách hiểu sai vì vượt đèn vàng cũng bị phạt như vượt đèn đỏ chỉ nói về mức phạt, tức là số tiền phải nộp, còn thế nào là vượt đèn vàng thì dường như không nhiều người hiểu.
Nghị định 46/2016 quy định, phạt tiền 1.200.000-2.000.000 đồng đối với người điều khiển ôtô và 300.000-400.000 đồng với xe máy trong trường hợp "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Như vậy nghị định không có khái niệm vượt đèn vàng, mà chỉ có khái niệm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu. Vậy để hiểu thế nào là không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, lại cần căn cứ vào văn bản giải thích những khái niệm này, hiện tại đó là quy chuẩn 41/2012 về báo hiệu đường bộ.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Điều 9 quy chuẩn 41/2012 viết:
Tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "Dừng lại". Trường hợp phương tiện và người đi bộ đã vượt quá vạch sơn dừng lại, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Định nghĩa này từ năm 2012 đến nay vẫn thế, không có thay đổi gì từ 1/8. Như vậy quy chuẩn này giải thích rõ ràng là, nếu đang tới ngã tư mà thấy đèn vàng thì chủ động giảm tốc độ để dừng lại. Nhưng nếu đang chạy qua vạch đèn mới chuyển từ xanh sang vàng thì đương nhiên được đi tiếp.
Sắp tới quy chuẩn 41/2016 có hiệu lực từ 1/11, thay thế cho 41/2012 thì mọi thứ còn rõ ràng hơn. Quy chuẩn mới viết về đèn vàng như sau:
Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "Vạch dừng xe". Nếu không có vạch sơn "Vạch dừng xe", thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn "Vạch dừng xe", nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau."
Quy định này có thêm phần "tiến sát đến vạch dừng", phù hợp thực tế giao thông hơn rất nhiều. Như vậy cách đi cho người tham gia giao thông sẽ là, nếu đang chạy tới sát ngã tư mà đèn chuyển từ xanh sang vàng thì cứ tiếp tục chạy qua vì dừng lại mất an toàn, xe sau dễ đâm liên hoàn.
Thực tế, trường hợp này chỉ áp dụng cho những tình huống ngã tư không có đèn đếm giây. Ở những ngã tư có đếm giây, tài xế hoàn toàn có thể làm chủ chân ga để biết mình nên đi tiếp hay vượt thì an toàn hơn, trừ những người cố tình tăng ga để vượt, trường hợp này bị phạt là đúng.
Luật đề ra là để mang lại an toàn cho người dân khi tham gia giao thông chứ không có luật nào để chèn ép cả, chỉ có người thực thi và người chịu chi phối cố tình hiểu sai hoặc "soi" vào kẽ hở để lách luật mà thôi.
Cách đi để hợp luật và an toàn cho người lái xe nên như sau:
1. Nếu đang chạy xe ở tốc độ khoảng 50 km/h đến cách ngã tư khoảng 10 m mà đèn chuyển từ xanh sang vàng thì phải đi tiếp ra khỏi ngã tư. Nếu bạn phanh vội vàng để dừng lại thì ko thể dừng đúng vạch, và nếu có xe đi ngay sau thì nguy cơ đâm đít là chắc chắn.
2. Nếu bạn cũng chạy khoảng 50 km/h nhưng cách ngã tư cả 20-30 m thì hoàn toàn có thể chủ động giảm tốc khi thấy đèn từ xanh sang vàng để dừng lại an toàn trước vạch.
Nên nhớ, an toàn mới là quan trọng. Mọi người nên học cách đọc luật, hiểu luật và áp dụng luật chứ đừng chỉ nghe nói để rồi cãi nhau về những thứ vô nghĩa.
Theo Nguyên Khoa - Đức Huy (VnExpress.net)